Giáo viên miền núi tìm cách cứu đói cho học sinh mùa mưa bão

Tránh trường hợp học sinh thiếu đói, giáo viên tại huyện Tây Giang có sáng kiến thành lập kho dự trữ lương thực, thực phẩm. Do điều kiện khó khăn, có trường không đủ kinh phí phải mua nợ, lúc nào có tiền sẽ trả.

Tại tỉnh Quảng Nam, huyện Tây Giang là vùng núi khó khăn. Mỗi mùa mưa bão, đường thường sạt lở, giao thông ách tắc. Do đó, việc dự trữ thức ăn cho học sinh luôn là vấn đề được phòng Giáo dục và Đào tạo tại địa phương này lưu tâm.

Lo sợ học sinh đói nếu trường hợp đường bị sạt lở mùa mưa bão, giáo viên ở các trường tại huyện Tây Giang đã có sáng kiến thành lập kho dự trữ lương thực, thực phẩm. Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, kho chứa lương thực thực phẩm là căn phòng nhỏ, khá sơ sài, nằm ngay cạnh phòng nội trú của học sinh. Khi PV đến, trong kho chỉ có một số bao gạo, nước mắm, muối… được kê trên những tấm gỗ nhỏ.

Khu nhà nội trú của học sinh tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi.

Thầy Hồ Minh Quốc, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh tại đây bên cạnh là con em các hộ ở ngay trung tâm huyện Tây Giang thì có rất nhiều học sinh là con em người dân tộc ở các bản, làng. Gia đình các em này rất khó khăn. Có em, nhà cách trường hàng chục km. Mỗi khi đến trường, các em phải đi bộ.

Để động viên các em đến trường, giáo viên tại đây phải đến từng nhà động viên gia đình. Đồng thời, phương án tốt nhất cho các em đến trường là ở nội trú.

Theo thầy Quốc, hiện tại, có 266 học sinh theo học tại trường, nhưng chỉ có 6 học sinh được tiêu chuẩn hỗ trợ của nhà nước. Hơn 100 học sinh là con em đồng bào đang bán trú tại đây gặp rất nhiều khó khăn.

Với mong muốn giúp các em đến lớp, giáo viên nhà trường phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, chính quyền xã, huyện… Tất cả số tiền quyên góp được đều dùng để mua lương thực, thực phẩm. Trong trường hợp thiếu tiền thì nhà trường mua nợ, đến khi đủ kinh phí thì thanh toán cho tiểu thương.

“Tây Giang là vùng đồi núi, đường đi lại bình thường đã rất khó khăn nên mùa mưa bão càng khó khăn gấp bội. Do đó, việc dự trữ lương thực, thực phẩm nhằm cứu đói nếu trường hợp xấu xảy ra là điều rất cần thiết”, thầy Quốc nói.

Vị Phó hiệu trưởng chia sẻ thêm: “Đối với các em người đồng bào, động viên các em đến lớp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, phía nhà trường dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn rất cố gắng để nâng bước các em đến trường”.

Trong khi đó, kho lương thực của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tây Giang, xã Atiêng lại khang trang và có nhiều lương thực, thực phẩm hơn. Trong kho có đầy đủ gạo, mắm, muối, đồ khô… Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Thanh Triều, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, nhà trường tích trữ ngay từ giữa tháng 10. Số lương thực, thực phẩm được tích trữ đủ cho học sinh ăn trong nửa tháng”.

Thầy Triều kể, trước đây, tại huyện Tây Giang từng có trường hợp mùa mưa bão các trường nội trú thiếu lương thực, thực phẩm vì đường sạt lở. Do đó, đến nay, các nhà trường thường dự trữ đủ thức ăn cho học sinh trong vòng chừng nửa tháng.

Thời gian tích trữ nửa tháng vì đây là khoảng thời gian đủ dài để nếu trường hợp xấu xảy ra thì đường sá đã có thể khắc phục. Đồng thời, với thời gian này thì số lương thực, thực phẩm tích trữ không bị hư hỏng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang cho biết, hiện, tất cả các trường trên địa bàn huyện đều có kho dự trữ lương thực, thực phẩm. Các thầy cô giáo thực hiện tích trữ từ giữa tháng 10. Trong kho thường tích trữ gạo, mắm, muối và thức ăn khô.

Kho dự trữ lương thực thực phẩm của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Tây Giang.

Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo đều là những người công tác ở đây lâu năm nên hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của giáo viên tại địa phương. Do đó, phía phòng luôn động viên giáo viên cố gắng để vượt qua những gian nan, vất vả, giúp các em học sinh, đặc biệt là học sinh con em người đồng bào, đến trường.

Đại diện huyện Tây Giang cho biết, do địa hình đặc thù nên các nhà trường phải tích trữ lương thực, thực phẩm nhằm đáp ứng đầy đủ thức ăn cho học sinh mùa mưa bão. Bên cạnh đó, phía chính quyền cũng tích cực triển khai công tác vận động bà con nên cất giữ và trữ lương thực, thực phẩm cho mùa mưa sắp tới.

Hiện nay, tại các thôn đã xây dựng được kho thóc tình thương. Kho thóc này được dự trữ một ít lương thực, nếu gia đình nào gặp khó khăn sẽ dùng đến để cứu đói. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã chủ động dự trữ dù số lượng thóc tại các kho lúa của xã để phòng ngừa, kịp thời cứu đói cho nhân dân nếu có mưa, bão lũ lớn xảy ra.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giao-vien-mien-nui-tim-cach-cuu-doi-cho-hoc-sinh-mua-mua-bao-a409513.html