Giáo viên - Nghề chịu nhiều áp lực

Giáo viên phải đối mặt với áp lực từ học sinh, phụ huynh và xã hội. Khi xảy ra một vụ việc, dù chưa được làm rõ nguyên nhân thì họ có thể đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giáo viên phải đối mặt với áp lực từ học sinh, phụ huynh và xã hội. Khi xảy ra một vụ việc, dù chưa được làm rõ nguyên nhân thì họ có thể đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giáo viên nghỉ việc sau bài đăng của phụ huynh trên mạng xã hội

Tuần qua, một trường học ở Tuyên Quang xuất hiện clip cho thấy học sinh có hành vi xúc phạm giáo viên. Hiệu trưởng nhà trường đã bị tạm đình chỉ chức vụ 15 ngày để phục vụ điều tra làm rõ.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng quyết liệt chỉ đạo xác minh làm rõ nguyên nhân, nội dung vụ việc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Vụ việc này chỉ là cá biệt nhưng cũng cho thấy đang xuất hiện những hành vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong môi trường sư phạm.

Giáo viên giờ đây phải đối mặt với những áp lực từ học sinh, phụ huynh và xã hội. Khi xảy ra một vụ việc, dù chưa được kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm thì họ đã có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lạng Sơn, 2 giáo viên của một trường mầm non tư thục tại tỉnh, một cô là Phó hiệu trưởng và một cô dạy lớp nhà trẻ 2 tuổi, đã bị nghỉ việc sau một bài đăng của phụ huynh trên mạng xã hội.

Sau gần một tháng xảy ra sự việc, nhà trường đã quyết định bồi thường 3 tháng lương và xin lỗi 2 cô vì nóng vội trong xử lý vụ việc. Nhưng việc dạy học ở trường là điều cả hai bên đều không thể tiếp tục thực hiện.

Một cô 16 năm trong nghề, một cô hơn 4 năm chăm trẻ, cả 2 cô hiện đã là người thất nghiệp.

Xây dựng và bảo vệ môi trường sư phạm

Môi trường sư phạm là một môi trường đặc biệt. Phải có trách nhiệm, tình thương, sự tôn trọng, giữa giáo viên - học sinh - phụ huynh - nhà trường - xã hội, mới thực hiện tốt được việc dạy chữ, dạy người.

Dù chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng trước những vụ việc tiêu cực xảy ra trong nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cần phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức cho học sinh, cũng như kết nối hiệu quả hơn nữa giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Bảo đảm sự tôn nghiêm của nghề giáo

Khi có những vụ việc xảy ra gây tổn hại đến người thầy, đến nghề giáo, có những ý kiến đặt ra: Làm sao để giữ được sự tôn nghiêm của nghề giáo, làm sao để giữ được sự tôn kính với người thầy.

Theo chia sẻ của một số nhà làm giáo dục lâu năm, với các thầy điều cốt lõi là thầy phải thực sự xứng đáng với chữ thầy thì trò dẫu có lỗi lầm cũng sẽ trở về với đạo lý làm trò.

Từ 10 năm nay, Trường Marie Curie, Thành phố Hà Nội không phải thi hành một kỷ luật nào với học sinh, một phần nhờ quan điểm làm bạn với học trò. Việc làm bạn này không sợ giảm đi sự tôn nghiêm, mà còn để học sinh yêu kính thầy hơn.

Xã hội ngày nay có những thay đổi. Đâu đó xuất hiện những hành vi lệch chuẩn. Nhiều nhà giáo khẳng định chỉ có sự tôn nghiêm khi thầy xứng đáng là thầy. Người thầy thay đổi để nâng cao trình độ, hành xử thông minh, để không chỉ dạy học mà còn là chinh phục học trò.

Nghề nào cũng cao quý và đáng trân trọng, nhưng nghề giáo là một trong số rất ít nghề được cho là cao quý và đáng trân trọng nhất, vì thế nó đòi hỏi sự nghiêm cẩn, trong sáng và mô phạm hơn bất cứ nghề nào khác, điều đó làm nên sự tôn nghiêm của nghề. Các trường học được coi là biểu tượng tri thức và văn hóa của một đất nước và là niềm tự hào của một cộng đồng.

Theo VTV.VN

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/184680/giao-vien-nghe-chiu-nhieu-ap-luc.htm