Giáo viên quyết định sự thành công của giáo dục

Nhà giáo là người trực tiếp tham gia hoạt động giảng dạy và giáo dục. Nhân cách nhà giáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhân cách người học. Chính vì vậy rất cần những nhà giáo ngoài kiến thức chuyên môn, phải hiểu biết rộng về cuộc sống và có kiến thức sâu sắc về văn hóa xã hội để trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng giáo viên.

Đồng tình với việc phải nâng cao vị thế người thầy trong giai đoạn hiện nay, TS Nguyễn Khải Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Trào chia sẻ: Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục luôn được xem là yếu tố then chốt trong việc quyết định sự thành công hay thất bại trong chiến lược phát triển giáo dục ở mỗi quốc gia. Mặc dù trong những năm qua nhiệm vụ này luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng nhưng trên thực tế nội dung, chương trình và phương thức bồi dưỡng vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo.

Trên góc độ quản lý cần xem xét điều chỉnh các nội dung, phương thức bồi dưỡng sao cho tinh gọn, hiệu quả nhằm giảm tải áp lực cho các nhà giáo. Trên góc độ tổ chức thực hiện, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần có những giải pháp, kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp nhà giáo, góp phần tạo nên hệ thống trọn vẹn và chỉnh thể cho quá trình đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo.

Trước hết, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần phải xác định rõ mô hình năng lực của nhà giáo hiện đại, từ đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp theo hướng tập trung vào năng lực; Bồi dưỡng và phát triển năng lực trí tuệ nghề nghiệp nhà giáo theo hướng tích hợp liên môn, xuyên môn; Phát triển năng lực hành nghề hay thực chất là phát triển các kỹ năng nghề nghiệp; Chú trọng nâng cao năng lực thực thi đạo đức nghề nghiệp trong trong suốt quá trình học tập và trải nghiệm; Bồi dưỡng và phát triển năng lực thực thi văn hóa nghề nghiệp.

Trong các nội dung trên, TS Nguyễn Khải Hoàn đặc biệt nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng về văn hóa, đạo đức nghề nghiệp nhà giáo; bồi dưỡng về năng lực nhà giáo.

Nhà giáo là người trực tiếp tham gia hoạt động giảng dạy và giáo dục. Nhân cách nhà giáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhân cách người học. Chính vì vậy rất cần những nhà giáo ngoài kiến thức chuyên môn, phải hiểu biết rộng về cuộc sống và có kiến thức sâu sắc về văn hóa xã hội để trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng giáo viên.

Muốn bồi dưỡng và phát triển năng lực nghề nghiệp nhà giáo, chương trình bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp trong cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên không chỉ dừng ở nhiệm vụ cập nhật, trang bị bổ sung kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng những tình cảm, giá trị sống đúng đắn mà còn phải làm cho những kiến thức lý thuyết trở thành hiểu biết thực sự của mỗi nhà giáo. Làm cho những kỹ năng được rèn luyện trên lớp được thực hành, ứng dụng trong thực tiễn. Làm cho thái độ sống được giáo dục qua mỗi bài học có điều kiện, môi trường được bộc lộ, hình thành và phát triển qua các hành vi ứng xử, trở thành phẩm chất bền vững của mỗi nhà giáo để họ có thể áp dụng tốt hơn vào thực tiễn nghề nghiệp và đời sống hàng ngày.

Về bồi dưỡng năng lực nhà giáo, TS Nguyễn Khải Hoàn cho rằng: Học chỉ không quên khi biến thành năng lực của chính mình. Để có năng lực, để có sáng tạo thì phải biết phát huy thế mạnh riêng của mỗi người, không ai giống ai. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nhà giáo bây giờ không chỉ là “thầy dạy”, mà phải là thầy về cách học, cách tiếp cận vấn đề, là người giúp người học biết tổ chức quá trình học tập, biết cách học tập độc lập, sáng tạo. qua quá trình phát triển năng lực luôn gắn với quá trình hoạt động thực tiễn, tổ chức thực hiện công việc. Vì vậy phương châm gắn học với hành, nhà trường với xã hội thông qua công việc và thực tiễn công tác tại cơ sở giáo dục mà tiếp tục học sẽ mãi có giá trị lớn và lâu dài…

Huyền Trang(thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/giao-vien-quyet-dinhsu-thanh-cong-cua-giao-duc-tintuc422151