Giáo viên Tiếng Anh hoang mang vì phải đi học để đạt chuẩn

Khi nhận được thông báo về kế hoạch ra soát, kiểm tra trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên (GV) Tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều GV Tiếng Anh tại Thanh Hóa tỏ ra 'hoang mang' cho rằng, mình đã đạt chuẩn, nay lại tiếp tục phải 'khăn gói' đi học để đạt chuẩn.

Không khảo sát thì điều chuyển

Thời gian gần đây, hầu hết các GV Tiếng Anh tỏ ra “hoang mang” trước Quyết định số 3475/ QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 17.9.2018, về việc phê duyệt đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn đến năm 2025 và Công văn số 2603/SGDĐT-GDTrH của Sở GDĐT tỉnh này ngày 18.10.2018, thông báo kế hoạch rà soát, kiểm tra trình độ năng lực của các GV Tiếng Anh.

Theo đó, tất cả GV Tiếng Anh các cấp học đều phải tham gia khảo sát, kiểm tra trình độ năng lực. Sau khảo sát, nếu GV nào chưa đạt chuẩn thì phải bồi dưỡng để đạt chuẩn theo yêu cầu; GV không tham gia coi như không đạt chuẩn; sẽ điều chuyển, bố trí công việc khác, phù hợp với chính sách tinh giản biên chế.

Công văn của Sở GDĐT Thanh Hóa nêu rõ, GV không tham gia khảo sát coi như không đạt chuẩn và sẽ bị điều chuyển. Ảnh: Quách Du

Thời gian thực hiện việc khảo sát là tháng 1.2019, tổ chức đào tạo từ tháng 2 đến tháng 5.2019 và tổ chức kiểm tra vào tháng 7.2019. Có khoảng 500 học viên mỗi đợt (tổng 2 đợt là 1.000 học viên). Kinh phí do học viên tự túc.

Đã chuẩn sao vẫn phải đi học?

Các GV Tiếng Anh cho biết, nhiều trường hợp đã đạt chuẩn, như GV Tiểu học, THCS đạt bậc 4 (B2); THPT đạt bậc 5 (C1) theo khung ngoại ngữ Châu Âu. Các chứng chỉ đều do những trường Đại học tên tuổi cấp, chứng nhận thành thạo Tiếng Anh trong dự án quốc gia đến năm 2020. Thời điểm cấp là năm 2013.

Chứng chỉ đạt chuẩn của 1 trong nhiều trường hợp GV tiếng Anh tại Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du

Tuy nhiên, tại công văn 2603/SGDĐT-GDTrH, ngày 18.10.2018 của Sở GDĐT Thanh Hóa lại buộc tất cả GV phải tham gia khảo sát, kiểm tra lại trình độ năng lực ngoại ngữ.

“Nâng cao năng lực là để dành cho những người chưa đủ năng lực hoặc chưa đạt chuẩn, không phải cho người đã chuẩn rồi. Họ đạt chuẩn (có chứng chỉ đạt chuẩn của các trường đại học có uy tín). Vậy thì rà soát gì nữa?”, cô H. - một GV Tiếng Anh tiểu học (đề nghị giấu tên) nói.

Theo cô H., 5 năm trước, để đạt chuẩn ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ, cô và nhiều GV khác đã phải gác công việc chuyên môn, gia đình để đi học, sau đó, được cấp chứng chỉ theo quy định. Tuy nhiên, dù có chứng chỉ đạt chuẩn nhưng cô và nhiều GV khác vẫn nằm trong diện phải kiểm tra, rà soát.

“Hiện chúng tôi hết sức hoang mang, vì khi tham gia khảo sát, học và thi, mọi công việc chuyên môn, gia đình bị ngưng trệ. Khổ nhất là các GV miền núi, khi đi học đều phải thuê trọ để ôn thi, rất tốn kém” - cô H. phân trần.

Theo cô H., điều khó hiểu nữa là trong Quyết định của tỉnh nêu rõ về kinh phí khảo sát, thi cấp chứng chỉ đều được tỉnh hỗ trợ, vây nhưng, theo công văn của Sở GDĐT thì kinh phí tham gia đề án do GV tự túc. “Về vấn đề này chúng tôi rất lo ngại, bởi kinh phí đi học vô cùng tốn kém” – cô H. nói.

Được biết, theo Quyết định số 3475/ QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, kinh phí khảo sát, tổ chức thi cấp chứng chỉ cho GV ngoại ngữ trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 là gần 10 tỉ đồng. Kinh phí này, được trích từ nguồn sự nghiệp giáo dục trong dự toán ngân sách của tỉnh hàng năm.

Quách Du

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/giao-vien-tieng-anh-hoang-mang-vi-phai-di-hoc-de-dat-chuan-646100.ldo