Giáo viên tránh né thực hành, vì sao?

Hiện nay xuất hiện tình trạng có rất ít giáo viên (GV) được đào tạo bài bản lại tự nguyện và có nguyện vọng làm việc lâu dài tại phòng thí nghiệm. Điều đó chứng tỏ muốn tạo nên một bước chuyển biến thật sự trong việc giảng dạy thực hành thí nghiệm là việc không đơn giản.

Trong 4 năm học gần đây, từ khi đổi sách giáo khoa lớp 10 THPT, ngành giáo dục đã có nhiều chuyển biến đáng kể (ít nhất là trong các văn bản chỉ đạo của Bộ) về việc dạy và học thực hành các bộ môn khoa học thực nghiệm như Lý, Hóa, Sinh. Số tiết thực hành có tăng lên, số tiền đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học cũng có tăng lên tương ứng. Nhận thức về vai trò vị trí của người phụ trách thí nghiệm cũng có thay đổi so với trước kia… Tuy nhiên, mọi mặt của vấn đề cũng chỉ có thể tóm gọn bằng một hình dung từ “đang chuyển biến”, còn thực sự đã thay đổi thì chưa. Trong khi đó, sự phát triển của ngành giáo dục cùng với đà tăng dân số nhanh chóng và mong muốn đuổi kịp mặt bằng giáo dục các nước trong khu vực đã tạo nên một áp lực rất lớn cho những người làm công tác quản lý giáo dục ở cấp vĩ mô. Dạy thí nghiệm chủ yếu là rèn luyện kỹ năng thực hành còn khó hơn dạy kiến thức khoa học cơ bản. Học sinh có thể thu thập kiến thức từ nhiều nguồn, còn kỹ năng thì học sinh phải tự mày mò và thực hành đến thành thục thì mới có được kỹ năng cần thiết. Do đó, khi dạy thực hành thí nghiệm thì chương trình khung của Bộ GD - ĐT mới chỉ nêu được “dạy cái gì” còn “dạy như thế nào” thì lại là vấn đề của đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy và cao hơn là công tác quản lý chất lượng ở từng cơ sở trường học. Hiện tại, các trường sư phạm không có chuyên ngành đào tạo GV phụ trách thí nghiệm. GV các môn học, ngành học, cấp học trong quá trình được đào tạo cũng chưa được chuẩn bị thật tốt cho việc giảng dạy thực hành thí nghiệm tương ứng với giáo trình, sách giáo khoa. Việc dạy cho học sinh biết bố trí một thí nghiệm kiểm chứng khoa học cũng rất khác với việc biểu diễn một thí nghiệm cho các em xem. Đó cũng là một trong nhiều lý do để GV ngán ngại, tránh né việc dạy các tiết thực hành. Chúng ta chưa có một cuộc điều tra cơ bản và sâu rộng về thực trạng đội ngũ cán bộ phụ trách thí nghiệm thực hành ở các trường hiện nay, chưa nêu ra những tiêu “chuẩn” cần có ở một GV dạy thực hành và quan trọng hơn cả là chưa đưa ra một mức lương hấp dẫn để tuyển chọn được những người có năng lực và có nguyện vọng dạy thực hành đủ tâm huyết trụ lại với nghề. Ngay cả những tác giả biên soạn sách giáo khoa cũng chưa xác định được cần cho học sinh thực hành cái gì và thực hành như thế nào. Các tiết thực hành mà cho học sinh xem phim thì rõ ràng chưa phải là một bài thực hành! Các mục tiêu về kỹ năng cần đạt được của học sinh được đưa ra rất chung chung mà không đánh giá được khả năng thật sự của học sinh. Khi thực trạng việc dạy và học qua môn thực hành thí nghiệm còn nhiều điều bất cập, muốn tạo nên một bước chuyển biến thật sự trong việc giảng dạy bộ môn này là không đơn giản. Bộ GD - ĐT đã thành lập Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học nhưng chỉ quản lý phần “xác” của các phòng thí nghiệm, thực hành. Phần “hồn” phải giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định giáo dục trung học hay Vụ Trung học Phổ thông. Chính vì vậy, “trăm sự” vẫn phải dựa vào sự nhiệt tình của từng GV. Vấn đề đặt ra là những sự nỗ lực đó được phát hiện, đánh giá, trân trọng và đãi ngộ như thế nào. Bản chất lao động của nghề dạy học là sự sáng tạo không ngừng chứ không hề là một hoạt động rập khuôn máy móc nên không thể chỉ quản lý giáo dục bằng hệ thống văn bản hành chánh pháp lý vốn rất cần thiết nhưng chẳng bao giờ đủ. Làm thế nào để những cán bộ, GV dạy giỏi thí nghiệm thực hành được phát hiện, những bài dạy hay được phổ biến… là vấn đề của những nhà quản lý có tâm huyết và có tầm nhìn TRẦN NGỌC DANH (Tổ trưởng Tổ Sinh, THPT chuyên Lê Hồng Phong)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giaoduc/2010/3/219721/