Giáo viên trung học phổ thông: Thắp lên ngọn lửa niềm tin

3 năm học ở cấp trung học phổ thông (THPT) là giai đoạn định hình nhân cách và năng lực học tập rõ ràng nhất của học sinh. Ở đó, giáo viên ngoài việc truyền thụ kiến thức còn là người bạn đồng hành, tiếp thêm động lực giúp học sinh phát triển năng lực bản thân.

Những tiết học cảm xúc

Tuần qua, tiết học Ngữ văn của học sinh lớp 12A13, Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú) tràn đầy cảm xúc khi cô Lê Thị Tuyết Lan, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú mở đầu bài dạy bằng hai câu hát đầu tiên trong bài hát Thuyền và biển (nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh).

Giọng hát trầm ấm của cô giáo vang lên, đưa học sinh vào thế giới mênh mông, da diết của tình yêu đôi lứa. Kết nối mạch cảm xúc đó, học sinh được dẫn dắt vào bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh - tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Trước đó, trong các giờ dạy Ngữ văn, cô Tuyết Lan mở đầu bài học bằng việc ngân nga một đoạn thơ hoặc kể chuyện cho học sinh nghe.

Cô Lê Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú, trong sự quý mến của học sinh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thỉnh thoảng, trong năm học, cô và trò cùng nhau làm phim ngắn, thiết kế poster, tổ chức dự án sân khấu hóa tác phẩm văn học. Nhờ đó, học sinh tăng thêm hứng thú học tập, bài học không dừng ở việc ghi nhớ kiến thức trong sách vở mà khơi gợi nhiều cảm xúc cho học sinh, từ đó giúp các em nhận thức đầy đủ hơn về các giá trị cuộc sống, nói “không” với nhận thức và hành vi tiêu cực.

Đến nay, tuy đã 23 năm đứng trên bục giảng, nhưng trước khi bước vào giờ dạy bất cứ tác phẩm nào, cô đều dành thời gian “nuôi” cảm xúc; đồng thời cập nhật thêm kiến thức mới, lựa chọn hình thức học tập phù hợp với học sinh.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với Trường THPT Trần Phú, cô Tuyết Lan cho biết, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, được phân công về dạy tại một trường chuyên ở trung tâm thành phố - niềm mơ ước của tất cả giáo sinh mới ra trường. Tuy nhiên, vì “sợi nhớ, sợi thương” với ngôi trường cấp 3 từng gắn bó suốt những năm tháng học trò, cô quyết định xin trở lại trường cũ, tiếp nối sự nghiệp trồng người của các thế hệ thầy, cô đi trước.

Cô Tuyết Lan trải lòng, ngôi trường là tình yêu đầu đời và duy nhất đối với cô trên bước đường trưởng thành. Nơi đây, cô học trò nhút nhát, dễ rơi nước mắt hôm nào đã trở thành một giáo viên đầy bản lĩnh, sẵn sàng truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò. Mỗi thử thách đi qua sẽ giúp giáo viên thêm trưởng thành, khó khăn là động lực để nhìn nhận lại bản thân, từ đó rút kinh nghiệm và mạnh dạn tìm hướng đi mới.

Tin vào học trò

Công tác tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), cô Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổ trưởng Tổ Sinh học, nhớ như in từng gương mặt học sinh từng được cô bồi dưỡng qua các kỳ thi học sinh giỏi.

Cô giáo có dáng người gầy, nụ cười hiền, cho biết, niềm vui lớn nhất đối với cô khi đồng hành cùng học sinh qua các kỳ thi học sinh giỏi không phải là giải thưởng, thành tích mà là những dòng tin nhắn “báo công”: “Cô ơi, con làm được rồi”, “Cô ơi, cô đã tin con chưa?”… Mặc dù thành tích của các em có thể không ở vị trí dẫn đầu, nhưng quan trọng hơn hết là tinh thần nỗ lực, sự tiến bộ của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, trong buổi hướng dẫn và thực hành môn Sinh học

Ngoài ra, một niềm vui khác trong quá trình làm nghề đối với cô Phương Thảo là “khai phá” được năng lực tiềm ẩn của học sinh. Cô kể, nhiều em đang học ở các môn chuyên khác nhưng vẫn đạt thành tích cao ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Điều đó cho thấy, mỗi học sinh không phải chỉ giỏi ở một môn học, nếu giáo viên khơi gợi đúng cách, các em sẽ phát huy thêm nhiều năng lực không ngờ đến.

Khi dạy học sinh giỏi, khó khăn lớn nhất đối với giáo viên là học sinh đặt rất nhiều câu hỏi ngoài nội dung chương trình, buộc giáo viên phải thường xuyên cập nhật và đào sâu kiến thức để cùng học, cùng tiến bộ với học sinh. Nếu nắm chắc đáp án, cô Phương Thảo có thể trả lời học sinh ngay, ngược lại nếu chưa chắc chắn, cô sẽ hẹn hôm khác trả lời.

Nhiều năm trở lại đây, trong vai trò “thuyền trưởng” tổ bộ môn Sinh học, cô Phương Thảo luôn truyền cảm hứng cho các giáo viên trẻ không ngừng học tập, bồi dưỡng kiến thức, nuôi dưỡng lòng yêu nghề để mang đến cho học sinh những hoạt động học tập bổ ích, vừa đáp ứng mục tiêu kiến thức, vừa phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Làm bạn với học sinh cá biệt

Cô Phạm Thị Minh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5), trong nhận xét của các đồng nghiệp là một cán bộ quản lý gần gũi, luôn chia sẻ áp lực công việc với giáo viên trong trường. Gắn bó với Trường THPT Trần Khai Nguyên suốt 32 năm qua, cô Minh Ngọc tự hào vì được đồng hành với từng bước “thay da, đổi thịt” của ngôi trường.

Để giữ vững vị trí là một trong những ngôi trường có chất lượng học sinh đầu vào lớp 10 thuộc tốp đầu thành phố, nhà trường luôn quan niệm, mỗi học sinh, giáo viên đều có thế mạnh riêng. Nếu được trao niềm tin và hỗ trợ đúng hướng, học sinh sẽ tiến bộ, giáo viên phát huy được năng lực của mình.

Cô Phạm Thị Minh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, trong tiết học stem

Trong công việc, cô Minh Ngọc luôn đảm bảo sự công tâm, công bằng, hòa đồng để vừa xây dựng một tập thể đoàn kết, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, cô thường động viên giáo viên trẻ không nản chí trước khó khăn, khi đã lựa chọn dấn thân thì phải kiên định mục tiêu đã đặt ra, giáo dục học sinh bằng tình yêu thương, ý thức trách nhiệm, giữ vững cho mình trái tim ấm để làm bạn, chia sẻ với học trò.

Chiêm nghiệm lại hành trình đã đi qua, cô Minh Ngọc bày tỏ, hầu hết học sinh cá biệt là do thiếu bàn tay dẫn dắt của giáo viên, chứ không phải “bất cần đời” như dáng vẻ bên ngoài đang cố thể hiện. Ẩn sâu trong tâm hồn những học sinh chưa ngoan là khát khao được cha mẹ và thầy cô yêu thương, được công nhận, được thể hiện đúng khả năng của mình.

Vì vậy, để bước qua trở ngại tâm lý của học sinh, giáo viên cần quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các em, không nên “dán nhãn” học sinh chưa ngoan mà cần tạo động lực giúp các em thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Chính sự khuyên răn nhẹ nhàng nhưng dứt khoát của người thầy sẽ giúp học sinh có thêm niềm tin vào bản thân, từ đó có động lực vươn lên trong học tập và rèn luyện nhân cách.

10 giáo viên, cán bộ quản lý THPT được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023:

- Mai Thị Thủy Tiên, giáo viên Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức)

- Nguyễn Thanh Hoa, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6)

- Lê Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú)

- Nguyễn Văn Vĩnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11)

- Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1)

- Nguyễn Quốc Cường, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5)

- Nguyễn Văn Tiến Hùng, giáo viên Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi)

- Đặng Quốc Hạnh, giáo viên Trường THPT chuyên Năng khiếu thể dục thể thao

Nguyễn Thị Định (quận 8)

- Phạm Thị Minh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5)

- Đặng Đình Quý, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình)

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giao-vien-trung-hoc-pho-thong-thap-len-ngon-lua-niem-tin-post714297.html