Giáo viên vùng cao: Bị phụ huynh học sinh đánh đuổi là... chuyện thường

Mang trong mình tình yêu nghề và trái tim tuổi trẻ nhiệt huyết, những cô giáo trẻ tình nguyện vượt khó khăn, vất vả để 'gánh' con chữ lên ươm mầm tri thức tại các bản làng xa xôi. Gần chục năm bám bản làng, ngọt bùi cay đắng không ít. Có nghe họ chia sẻ mới hiểu hết được sự vất vả cũng như khó khăn mà họ phải đối mặt.

Kỷ niệm những ngày đầu “gánh” chữ lên vùng cao

Ở cái tuổi phụ nữ cần nghĩ đến việc ổn định cuộc sống, chuyện chồng con, cô Hà Thị Thuận (SN 1984) xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã quyết định rời quê hương lên xã Mồ Đề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái dạy học. Biết ý định của con gái, bố mẹ cô không đồng ý vì lo con đi làm xa nhà sẽ vất vả. Dù thế, cô Thuận vẫn quyết tâm thuyết phục bố mẹ để “xách ba lô lên đường”.

Nhớ lại những ngày đầu xa quê hương, cô Thuận cho hay: “Dù biết là khó khăn, nhưng khi lên tận nơi nhìn thấy cuộc sống của bà con dân bản tôi khá sốc. Cuộc sống nơi đây nghèo khổ lắm, trẻ em bữa đói bữa no, bữa sắn, bữa khoai... ăn mặc phong phanh, có em chỉ có mỗi chiếc quần. Thiếu thốn là thế, nhưng khi tôi hỏi, các em vẫn nói: “Con thích được học cái chữ lắm”, khi đó tôi đã rơi nước mắt vì thương, vì xúc động”.

Thương các em nhỏ với khát khao đến trường, cô Thuận nhủ lòng phải cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu. Dù thế, cuộc sống nơi vùng cao hoang vắng, lạnh lẽo cộng với sự khác biệt về ngôn ngữ nhiều khi khiến cô giáo trẻ muốn buông xuôi tất cả.

Cô Giáo Hà Thị Thuận luôn miệt mài bên trang giáo án.

Cô Thuận nghẹn ngào: “Những ngày đầu xa nhà, nhớ bố mẹ tôi khóc suốt. Chưa kể, buổi tối nơi đây lạnh lẽo hoang vu, ánh điện cũng lờ mờ... khiến tôi cảm thấy rất sợ. Tôi vẫn nhớ như in có lần tôi và một em đồng nghiệp đi xuống thị trấn có việc. Hôm đó 11h đêm chúng tôi mới bắt đầu về, đường đi xa xôi cách trở, lại hoang vắng, heo hút, hai chị em phải bật chế độ đèn pin trên điện thoại để soi đường, vừa đi vừa khóc. Đi suốt hơn 1 tiếng đồng hồ mới về tới trường”.

Cũng bởi đường xa, thời gian đầu chưa ở nội trú nên các thầy cô giáo phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ từ nơi ở đến trường. Trời nắng còn đỡ, những ngày mưa, cô Thuận và các đồng nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình di chuyển.

“Có những hôm trời mưa, đường trơn chúng tôi không tránh khỏi việc bị trượt chân ngã vào những vũng bùn và bẩn hết quần áo. Có người đi xe máy bị ngã thảm thương hơn khi người một nơi, xe một ngả. Dù thế, chúng tôi vẫn tự nhủ: “Rồi sẽ quen thôi, không sao cả”. Và rồi sau 8 năm, giờ đây chúng tôi ở nội trú tại trường không phải di chuyển nhiều. Dù thế, tuần nào cũng phải vượt 60km để mua thức ăn dự trữ, tuy nhiên việc đi lại đã quen hơn trước rất nhiều”, cô Thuận kể.

Cũng giống như cô giáo Thuận, cô giáo Lê Thị Ngọc Thu (SN 1988, Thanh Ba, Phú Thọ) có 10 năm dạy học tại trường mầm non Tung Qua Lìn (điểm mà cô giáo dạy nằm ở bản Căng Há – mỗi cô giáo được phân chia dạy ở các bản khác nhau thuộc xã Tung Qua Lìn- PV) cũng có những cảm xúc khó tả về công việc của mình. Cô Thu chia sẻ: “Thời gian đầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi không có điện, sóng điện thoại. Cả tháng trời tôi không liên lạc được với gia đình, ai cũng lo lắng. Chưa kể, vì thay đổi thời tiết, không gian sinh hoạt nên thời gian đầu tôi ngủ rất ít”.

Ngoài những khó khăn trên, cô giáo Thu cho rằng việc truyền đạt kiến thức tới học sinh là điều khiến cô trăn trở rất nhiều. “Tôi dạy các bé mầm non, lại là người dân tộc H’Mông nên tiếng phổ thông với các con là điều hoàn toàn mới mẻ. Nhiều bé không hề biết phát âm một từ nào. Vì thế, tôi phải nghĩ cách dạy các con song song cả hai ngôn ngữ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng kiến thức”, cô giáo Thu chia sẻ.

Cũng theo cô Thu, hơn 10 năm công tác tại trường mầm non Tung Qua Lìn, cô không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, chỉ biết rằng mỗi khi nhắc lại là khiến con tim của cô bồi hồi xúc động.

Mỗi lần đi vận động là mỗi lần rơi nước mắt

Với cô Thu, thời gian đầu đến trường cô không nhớ đã trèo qua bao nhiêu con đèo, con suối. Đặc biệt, có những hôm trời mưa, đường trơn nên cảm giác đường đến trường xa vời vợi. Nhưng vì tình yêu với các em học sinh quá lớn, nên cô và các đồng nghiệp vẫn kiên trì bám trụ lại nơi đây.

Cô giáo Thu chia sẻ: “Có lẽ, kỷ niệm với các cô giáo vùng cao là việc trèo đèo lội suối. Những con đèo cứ cao dần, cao dần đôi lúc khiến bước chân của chúng tôi ngập ngừng. Còn những con suối, đôi khi đang yên ả, bỗng dưng nước đổ về chảy xiết. Tôi vẫn nhớ có lần, tôi và một chị đồng nghiệp quyết “liều” lội qua suối để đến trường nhanh hơn, khi đi được 1/2 quãng đường thì mực nước dâng lên, chảy mạnh hơn khiến chị ấy bị cuốn phăng tới 5m. Cũng may một phụ huynh biết bơi đã cứu được”.

Cũng từ tai nạn đó, cô Thu càng thương các em học sinh vùng cao hơn. Nghĩ tới cảnh các em phải di chuyển đến trường trong nguy hiểm, không ít lần nhìn thấy các em học sinh bì bõm lội suối trong trời mưa, rét buốt, cô Thu lại rơi nước mắt. Chính điều đó đã tạo nên động lực để cô cố gắng hơn trong việc “gánh” con chữ lên vùng cao.

Luôn tự nhủ mình phải nỗ lực giúp các em học hành thành tài, thoát khỏi cái nghèo, cái khổ tuy nhiên trong quá trình công tác những giáo viên trẻ “bám bản” gặp không ít khó khăn.

“Dạy học ở vùng cao có đặc thù là giáo viên phải đi vận động từng gia đình để họ cho con đến trường. Mỗi lần đi vận động chúng tôi gặp phải sự cản trở lớn từ các gia đình. Có nhiều vị phụ huynh còn dọa đánh, lấy đá ném đuổi các thầy cô giáo... Chưa kể, bất đồng ngôn ngữ cũng ảnh hưởng lớn tới cuộc trò chuyện giữa phụ huynh và thầy cô. Tôi vẫn nhớ trường hợp có một em học sinh lớp 4 (lớp của chị bạn cùng phòng) đang học thì bỏ dở để lấy vợ. Khi chúng tôi đến vận động, tuyên truyền, gia đình vẫn nhất định “phải có vợ”. Hôm đó, chúng tôi phải thuyết phục rất lâu, thậm chí phải nhờ người phiên dịch để em ấy tiếp tục đến trường”, cô Thu kể.

Chia sẻ về chuyện tình duyên, cô Thu bày tỏ, cũng chính mảnh đất Lai Châu đã thêu dệt chuyện tình yêu của cô và chồng- một cán bộ y tế nơi đây. Tuy nhiên, hiện tại cuộc sống vợ chồng gặp không ít khó khăn khi cả hai đều bận rộn, không có nhiều thời gian cho gia đình. Chưa kể, vì xa quê hương nên hai vợ chồng gần như tự lực là chính.

Cô Thuận đã gắn bó gần chục năm với các em học sinh vùng cao.

Còn cô giáo Thuận, khi “bật mí” về việc 8 năm gắn bó và yêu ngôi trường mình đang theo dạy cô không giấu nổi niềm hạnh phúc: “Người dân nơi đây cũng khác xưa nhiều lắm rồi, họ tân tiến hơn, sống tình cảm và quý trọng các thầy cô giáo lắm. Thi thoảng, các em học sinh lại biếu cô vài củ sắn, mớ rau... Rồi phụ huynh mang củi đến để các thầy cô nhóm lửa. Những ngày lễ 20/11 họ lại tổ chức liên hoan dù đơn giản nhưng tiếng hát, tiếng khèn nơi đây cũng động viên tinh thần thầy cô rất nhiều. Chính tình người đã xua tan khoảng cách, đưa chúng tôi lại gần nhau hơn”.

Nhắc về chuyện tình yêu, cô Thuận kể, nhiều lần về thăm nhà, bố mẹ vẫn thúc giục chị lập gia đình, nhưng cô cho hay: “Hiện tại, tôi vẫn chưa tìm được nửa kia của mình. Với tôi việc được lên vùng cao dạy học là niềm vui lớn lao nhất hiện tại, tôi sẽ nỗ lực hết mình để mang lại niềm vui cho các em”.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” chính là câu nói mà cô giáo Thuận và cô Thu luôn khắc ghi trong tim mình. Giờ đây, các chị đã quá gắn bó với mảnh đất nơi đây, với những em học sinh có khuôn mặt lấm lem nhưng ánh mắt luôn lấp lánh giấc mơ đến trường. “Tôi cảm thấy yêu thương mảnh đất nơi đây và muốn gắn bó với nó. Với tôi, được nhìn thấy nụ cười của các em thơ là hạnh phúc lắm rồi”, cô giáo Thuận chia sẻ.

Thanh Bình

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/giao-duc/giao-vien-vung-cao-bi-phu-huynh-hoc-sinh-danh-duoi-la-chuyen-thuong-a208745.html