Giáp Tết, lao động thời vụ kiếm bội tiền từ các vườn đào, quất

Những ngày giáp Tết, tại các vườn đào, quất tấp nập người mua bán, đây cũng là thời điểm ăn nên làm ra của các lao động thời vụ.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, theo ghi nhận của phóng viên, tại các làng Tứ Liên, Nhật Tân (Hà Nội) hay vựa cây cảnh lớn Văn Giang (Hưng Yên) đều tấp nập người bán, kẻ mua các loại cây cảnh. Đây cũng là lúc các chủ nhà vườn cần một lượng lớn lao động thời vụ.

Theo các chủ nhà vườn từ khoảng sau mùng 5 tháng Chạp, lượng khách đến đặt mua cây cảnh bắt đầu tăng mạnh. Khách mua thường có nhu cầu vận chuyển về tận nhà để đảm bảo cây giữ được nguyên lộc lá.

Các nhà vườn hiện đều cần thuê nhân lực để đánh gốc, vận chuyển cây cho khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Quyết, chủ vườn đào ở Nhật Tân cho biết, năm nay gia đình ông có khoảng 300 gốc đào. Đến thời điểm này đã có rất nhiều thương lái cũng như người dân đến mua đào. Thông thường, những cành, gốc đào to, chủ nhà vườn sẽ gọi thợ chuyên chở đến tận nhà cho khách. Theo ông Quyết, nhiều xe ôm, chủ xe tải coi đây là thời điểm “hốt bạc” của năm. Tranh thủ chở đào quất mỗi ngày cũng có thể kiếm được tiền triệu.

Ghé qua các làng trồng quất, đào của Hà Nội những ngày này, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các xe bán tải, ba gác, xe ôm luôn túc trực, tấp nập vận chuyển cây cảnh.

Ông Phùng Mạnh Hùng (Tứ Liên, Hà Nội) cho biết: “Nhiều năm nay, cứ vào tháng Chạp là tôi lại chuyển công việc xe ôm sang chở đào quất. Trung bình mỗi ngày cũng được khoảng từ 4-5 chuyến. Thu nhập từ công việc này cao hơn nhiều lần so với ngày thường. Tuy nhiên, muốn làm nghề này, trước tiên phải có sức khỏe, biết đánh gốc. Nếu không cẩn thận, làm đứt rễ cây, thì cây sẽ bị chết, héo”.

Theo kinh nghiệm của ông Hùng, chở đào quất quan trọng nhất là sự cẩn thận, tránh va quệt, ngã xe, buộc dây cũng cần có kỹ thuật, buộc chặt để không bị đổ, nếu không, số tiền kiếm được sẽ không đủ để đền cho khách.

Còn theo tài xế Nguyễn Văn Sương (Tứ Liên, Hà Nội) thời gian từ đầu tháng Chạp, đặc biệt là sau rằm, anh luôn trong tình trạng làm không hết việc. “Công việc bận rộn, cập rập, có khi đang ăn cơm, có khách gọi chở cũng phải đi. Công việc thông thường là hỗ trợ các nhà vườn vận chuyển cây lên xe bán tải rồi mang giao tận nơi cho khách đặt mua”.

Tại vựa cây cảnh lớn Văn Giang, Hưng Yên, những ngày này cũng tấp nập không kém. Có hơn 100 gốc quýt lục bình khổng lồ, cùng hàng nghìn gốc quất cảnh, để kịp phục vụ nhu cầu khách mua, những ngày này, ông Nguyễn Trung Thành phải huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình và thuê thêm 5-7 lao động thời vụ mỗi ngày.

Để đánh gốc, vận chuyển một cây quýt lục bình, cần từ 4-5 người.

“Người làm thuê chủ yếu là ở địa phương. Ngày thường gia đình tôi có thể tự làm dần mọi việc, nhưng dịp Tết nhiều việc dồn dập nên phải thuê thêm nhân lực. Mỗi gốc quýt lục bình cao khoảng 3m, đường kính 1,5m, dáng to, cồng kềnh, phải 4-5 người mới có thể đánh gốc và vận chuyển lên xe được.

Cũng theo chủ vườn, dịp Tết, nhu cầu thuê lao động cao, bởi vậy mà giá nhân công cũng tăng cao hơn nhiều so với ngày thường. Trung bình, mỗi lao động thời vụ tại vườn nhà ông Thành có mức lương từ 500.000-700.000 đồng mỗi ngày.

Tương tự, anh Hoàng Đình Chính, chủ nhà vườn tại Văn Giang cho hay, Tết năm nay nhà anh có gần 100 gốc đu đủ bon sai cùng hàng nghìn gốc bưởi, quất cảnh các loại. Dịp giáp Tết, ngỗi ngày gia đình anh đều cần từ 7-10 người để làm các công việc chăm sóc, đánh gốc, vận chuyển và trông vườn cây qua đêm. Mức lương cũng khoảng 300.000-500.000 đồng mỗi ngày, tuy nhiên, không ít thời điểm khan hiếm lao động./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/tin-24h/giap-tet-lao-dong-thoi-vu-kiem-boi-tien-tu-cac-vuon-dao-quat-868787.vov