Giật mình chuyện khó tin nhất xảy ra trong giới điệp viên

Trong lịch sử tình báo thế giới, các điệp viên thường sử dụng trí thông minh cùng mọi khả năng, kỹ thuật và các thiết bị để hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, một số chuyện khó tin đã xảy ra khi các đặc vụ làm việc.

Một chuyện khó tin xảy ra trong giới điệp viên là quan chức CIA đã sắp xếp ăn trưa với điệp viên Liên Xô. Đây là câu chuyện xảy ra giữa James Jesus Angleton - người đứng đầu ngành Phản gián thuộc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong 21 năm và điệp viên Kim Philby của tình báo Anh.

Vào năm 1949, điệp viên Philby được cử đến Washington để làm đầu mối liên lạc giữa CIA và MI6. Theo đó, mỗi tuần, ông Angleton và Philby bí mật hẹn ăn trưa tại một nhà hàng Harvey ở Washington. Họ vừa dùng bữa vừa trao đổi tin tức tình báo.

Năm 1951, 2 cộng sự của điệp viên Philby đào tẩu sang Moscow. Dù tin Philby không liên quan đến sự việc này nhưng ông Angleton vẫn âm thầm xử lý các bằng chứng liên quan về những lần ăn trưa với điệp viên của Anh. Sau nhiều điều tra, MI6 kết luận Philby vô tội.

Thế nhưng, về sau, điệp viên Philby đào thoát đến Moscow và thừa nhận đã được Liên Xô tuyển dụng khi còn học ở Đại học Cambridge khiến giới tình báo chấn động, bao gồm phía Mỹ.

Một chuyện thật như đùa khác xảy ra trong Thế chiến 2. Đó là điệp viên 2 mang Juan Pujol García được cả quân Đồng minh và Đức quốc xã khen thưởng, trao tặng huân chương vì những đóng góp của mình. Là người Tây Ban Nha, ông vô cùng căm ghét Đức quốc xã nên đã viết thư cho các quan chức Anh và Pháp rằng sẽ giúp họ theo dõi các hành động của Đức. Tuy nhiên, Anh và Pháp đều từ chối. Vậy nên, ông đã tự hành động.

Với mật danh Garbo, điệp viên García đóng giả một quan chức chính phủ Tây Ban Nha nhưng ủng hộ chính quyền Đức quốc xã. Nhờ vậy, ông được phát xít Đức tuyển làm đặc vụ. Mặc dù được giao nhiệm vụ do thám Anh nhưng ông lại đến Lisbon, Bồ Đào Nha và tạo ra các báo cáo tình báo giả mạo về hoạt động của quân Đồng minh để gửi cho phía Đức.

Sau một thời gian, tình báo Anh nhận thấy việc làm của điệp viên García đã khiến Đức quốc xã tổn thất không nhỏ nên đồng ý tuyển mộ ông làm điệp viên. Một trong những nhiệm vụ thành công nhất của ông là cung cấp thông tin tình báo sai lệch cho Đức để Anh và các nước Đồng minh thực hiện cuộc đổ bộ Normandy thành công vào năm 1944. Theo đó, quân Đức quốc xã bị lừa một cách ngoạn mục dẫn tới chịu thất bại to lớn.

Dù vậy, Đức quốc xã vẫn không hay biết García là điệp viên hai mang mà vẫn trao tặng huân chương cho công việc của ông. Tình báo Anh cũng có những khen thưởng, trao tặng huy chương cho những đóng góp của điệp viên García trong Thế chiến 2.

Hoạt động tình báo của Josephine Baker khiến nhiều người kinh ngạc. Bà là một ca sĩ và vũ công nổi tiếng sinh ra tại Mỹ. Bà trở thành công dân Pháp năm 1937. Khi Pháp bị quân Đức quốc xã chiếm đóng, bà đã thành công thâm nhập tổ chức liên minh Đức - Italy để làm nội gián. Nhờ đó, bà bí mật gửi tài liệu, tin tình báo quan trọng cho quân Đồng minh.

Với vỏ bọc hoàn hảo của một ca sĩ và vũ công nổi tiếng, điệp viên Baker có cơ hội tiếp xúc với các quan chức cấp cao của liên minh Đức - Italy. Vậy nên, bà có cơ hội đánh cắp những thông tin cơ mật nhiều hơn.

Để gửi tài liệu ra ngoài, Baker thường lên kế hoạch biểu diễn tại các nước trung lập rồi gửi những bản nhạc với những thông tin mật được viết bằng mực vô hình lên trên cho quân Đồng minh. Trong trường hợp cần gửi ảnh, nữ điệp viên sẽ giấu chúng trong nội y để quân phát xít không phát hiện.

Mời độc giả xem video: CIA lên truyền hình chiêu mộ điệp viên. Nguồn: THĐT1.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giat-minh-chuyen-kho-tin-nhat-xay-ra-trong-gioi-diep-vien-1905430.html