Giật mình nhiều phụ huynh không hề hay biết nguồn gốc thực phẩm trên bàn ăn của con

Theo lời của nhiều phụ huynh, phó hội trưởng hội phụ huynh của một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội, họ không hề hay biết nguồn gốc, thức ăn của các con ở trường được lấy và chế biến ra sao…

Chỉ biết đặt dấu hỏi trong đầu

Những ngày qua, thông tin hàng trăm học sinh ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn thật sự gây xôn xao dư luận. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc điều tra.

Từ sự việc này, trao đổi với PV, không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng về thực phẩm hàng ngày của trẻ, họ rất muốn kiểm tra nhưng hội phụ huynh không có ý kiến. Vậy nên, bữa cơm của con có món gì, có đảm bảo hay không?... tất cả những thắc mắc đó phụ huynh đều chỉ biết đặt dấu hỏi trong đầu.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, chị K. (Chi hội phó chi hội phụ huynh của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội) cho biết: “Là một người mẹ có con đang độ tuổi đến trường, tôi cũng rất lo lắng về quá trình ăn uống, sinh hoạt của con ở trường. Tôi cũng luôn đặt câu hỏi, thắc mắc về nguồn thực phẩm vào trường nhưng chỉ biết thắc mắc để đấy. Vì thứ nhất, nhà trường không cho phụ huynh vào trực tiếp kiểm tra thực phẩm ở bữa ăn của các con. Trong các buổi họp phụ huynh, cũng không ai ngỏ ý muốn được ăn cùng các con hoặc là kiểm tra thực phẩm.

Phụ huynh chỉ biết đăng ký cho con ăn 25.000 đồng/bữa, hàng tháng đóng tiền cho nhà trường mà không hề biết con ăn gì và ăn như thế nào. Nhà trường có thành lập một hội phụ huynh liên lạc với nhà trường, nhưng hội này chỉ chịu trách nhiệm về vấn đề phát sinh như chi phí khi tổ chức các ngày lễ: Tết, Noel,... Còn về vấn đề ăn uống của con thì không có một phụ huynh nào biết”.

Nhiều phụ huynh không hề hay biết bữa ăn hàng ngày của trẻ tại trường (Ảnh minh họa).

Nhiều phụ huynh không hề hay biết bữa ăn hàng ngày của trẻ tại trường (Ảnh minh họa).

Theo lời kể của chị K., con nhà chị đi học về cũng có kể lại các món ăn thì chị mới biết, thậm chí con có kêu là sợ không muốn ăn cơm ở trường, lý do sợ là gì thì chị không rõ. Nhưng bởi, thời gian eo hẹp, không thể đón con nên các phụ huynh vẫn phải chấp nhận con ăn bán trú.

Chị Ngọc Anh đang có 2 con học mẫu giáo và tiểu học ăn bán trú ở trường bày tỏ: “Chi hội phụ huynh rất ít khi tham gia vào việc an toàn thực phẩm trong bữa ăn của con hàng ngày. Do vấn đề thời gian nên dù muốn cũng không thể đưa đón con về nhà ăn vào buổi trưa”.

Chị Nguyễn Huyền có con học mẫu giáo ở Hà Nội cũng thú thật: “Thật ra từ trước đến nay tôi chưa từng kiểm tra về nguồn thức ăn trong các bữa ăn của con hàng ngày vì muốn kiểm tra thì phải vào tận bếp”.

Vai trò của chi hội phụ huynh ở đâu?

Chị Na, có con đang ở độ tuổi học mầm non (Hà Nội) bày tỏ: “Chúng tôi có lập một hội phụ huynh riêng, có chi hội trưởng chi hội phụ huynh. Thế nhưng, tôi cảm thấy dường như chi hội phụ huynh chưa phát huy tác dụng một cách có hiệu quả. Tôi cũng nhiều lần thắc mắc về thực phẩm vào trường, tôi có trực tiếp đến hỏi giáo viên, rồi trực tiếp vào bếp ngó qua. Quả thật, khi xảy ra sự việc sán lợn ở Bắc Ninh, tôi mới thấy chi hội phụ huynh nên có vai trò trong việc kiểm tra ăn uống, vệ sinh cho các con. Nhưng, phụ huynh thì thường đặt lòng tin nơi nhà trường nhiều hơn”.

Để xảy ra sự việc ở Bắc Ninh, nhiều phụ huynh mới giật mình về việc kiểm tra, giám sát bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Còn theo lời chị H. (phụ huynh có con ăn bán trú tại trường ở Hà Nội) cho biết: “Lớp nào cũng có chi hội phụ huynh, nhưng dường như để kiểm tra bữa ăn của con rất khó. Bố mẹ ai cũng bận đi làm, chưa kể nếu muốn vào kiểm tra, nhà trường cũng cho vào nhưng phải báo nhà trường trước 30 phút để chuẩn bị, rồi nhà trường cử người dẫn xuống khu nấu ăn. Tại khu nấu ăn, muốn xem món nào thì nhà bếp sẽ mở ra cho xem. Vì cũng rắc rối nên chẳng phụ huynh nào đề xuất là kiểm tra bữa ăn hàng ngày của con. Tôi thấy, lập ra chi hội phụ huynh cũng chỉ để giải quyết các vấn đề phát sinh… chứ không có liên quan đến vấn đề thực phẩm. Thế nên, vai trò của hội cũng không mấy được phát huy hiệu quả”.

Chia sẻ với PV, chị N. (Chi hội trưởng chi hội phụ huynh của trường tiểu học tại khu vực Mỹ Đình) cho biết: "Tôi có 3 người con và hiện đều ăn uống ở trường. Nói thật, những ngày qua thông tin về vụ sán lợn ở Bắc Ninh khiến những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi cũng rất lo lắng. Nhưng, không phải vì thế mà mình quay lưng lại với nhà trường. Cô hiệu trưởng của trường tôi cũng từng tâm sự với chúng tôi rằng thời gian gần đây cô còn lo bạc cả tóc vì bố mẹ chỉ có 1, 2 người con, còn cô quản lý cả ngàn con".

Chị N. chia sẻ: "Thật ra, phụ huynh nào cũng lo cho con, nhưng phải tin tưởng nhà trường, vì trước đó nhà trường đã gửi bản cam kết thực phẩm của công ty, chúng tôi cũng được trực tiếp đến công ty cung cấp thực phẩm đó xem thấy họ làm rất sạch. Nói chung, tin tưởng nhau là chủ yếu, chứ tôi có 3 đứa con, lại phải đi làm thì không đón con về buổi trưa được".

Chị N. cho biết thêm bảo: "Nhà trường vẫn tạo điều kiện cho kiểm tra, nhưng có báo trước hoặc phụ huynh nào không yên tâm có thể báo với chi hội trưởng chi hội phụ huynh của khối đó, chi hội trưởng sẽ là người báo ban giám hiệu, đồng thời cùng phụ huynh đi kiểm tra. Nhưng, số lượng này không nhiều, vì hầu hết cha mẹ ai cũng bận, còn các khối thì có chi hội trưởng chi hội phụ huynh xuống kiểm tra rồi. Đặc biệt, thời gian gần đây công tác kiểm tra thực phẩm tại trường học ngày càng gắt gao hơn".

Bên cạnh đó, khi chia sẻ với PV, hầu hết các phụ huynh đều bày tỏ rằng việc kiểm tra bữa ăn của con hàng ngày là điều khó. Và dẫu lo lắng về nguồn thực phẩm cho con ăn hàng ngày, nhưng vì nhiều lý do, họ vẫn buộc phải chấp nhận cho con ăn bán trú tại trường.

Trao đổi thêm với PV, Hiệu trưởng của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho biết: "Tôi không biết các trường khác thế nào, nhưng trường tôi thì phụ huynh là người đứng ra giám sát. Ban kiểm tra phụ huynh gồm 5 người tương đương 5 khối, thay phiên nhau các ngày trong tuần đi giám sát. Ban thường trực của trường kiểm tra liên tục, ngày nào cũng kiểm tra, ví dụ như hôm nay đại diện của khối lớp 1, mai là khối lớp 2... thì hội trưởng chi hội phụ huynh của khối đó sẽ là người kiểm tra. Còn hàng ngày, hội trưởng hội phụ huynh của trường có mặt ở khu vực bếp, kiểm tra thực phẩm đến 9h mới về. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho phụ huynh giám sát thực phẩm tay ba bao gồm: Nhà trường, phụ huynh và nơi cung cấp thực phẩm, chứ không phải tự nhà trường làm hết".

Thái Phương – Hà My

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giat-minh-nhieu-phu-huynh-khong-he-hay-biet-nguon-goc-thuc-pham-tren-ban-an-cua-con-a426422.html