Giật mình nhìn cảnh tượng Hà Nội đặc quánh, mù mịt từ sáng tới chiều

Sáng nay (30/9), hệ thống quan trắc AirVisual (Mỹ) báo chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức cao nhất trong một tháng trở lại đây. Theo ghi nhận của phóng viên, không khí mù mịt khắp nơi, không chỉ xuất hiện vào sáng sớm mà còn kéo dài đến tận 17h chiều.

Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, kể từ ngày 13/9. Tổ chức Air Visual đưa Thủ đô Việt Nam vào Bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới, ở vị trí đầu tiên, khi mà chỉ số AQI luôn trên 200 nhiều ngày liên tiếp.

Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, kể từ ngày 13/9. Tổ chức Air Visual đưa Thủ đô Việt Nam vào Bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới, ở vị trí đầu tiên, khi mà chỉ số AQI luôn trên 200 nhiều ngày liên tiếp.

Sáng 30/9 tại Hà Nội, hệ thống ứng dụng quan trắc không khí AirVisual (Mỹ) đã cảnh báo không khí ở mức ô nhiễm xấu thậm chí có nơi cảnh báo khẩn cấp ảnh hưởng đến sức khỏe (màu tím), vượt qua cả Bangkok (Thái Lan) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Đặc biệt, từ 6h sáng 30/9, AQI tại Hà Nội lên tới 265, chỉ số bụi mịn PM2.5 là 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sáng 30/9, cảnh tượng Hà Nội mịt mù với lớp mù dày đặc được chụp từ trên cao hướng từ Gia Lâm về phía nội thành.

Cầu Long Biên, sông Hồng nhìn từ phía Gia Lâm không khí được bao phủ đặc quánh, mù mịt.

Tính đến 16h cùng ngày, Hà Nội vẫn đang "dẫn đầu" thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức 164.

Các chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được từ các trạm quan trắc ở Hà Nội cũng ở mức kém từ 131 tới 174, ngưỡng gây hại sức khỏe đối với nhóm người nhạy cảm như mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, người già và trẻ em.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hà Nội cần một trận mưa giông diện rộng hoặc gió mùa mới có thể cải thiện được chất lượng không khí hiện nay. Trong ảnh là khu vực đường Lê Văn Lương nhìn từ trên cao.

Theo đó, chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn.

Vào giờ cao điểm ô nhiễm, người dân nên giảm hoạt động ngoài trời, sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn được bụi mịn PM2,5 thay cho các khẩu trang thông thường. Sau khi ở ngoài trời về nên xúc miệng, rửa mắt mũi và các bề mặt da tiếp xúc bằng xà bông. Đóng các cửa lưu thông với bên ngoài.

Một số chuyên gia môi trường nhận định, nguyên nhân của đợt ô nhiễm không khí hiện nay tại Hà Nội là do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng như tình trạng đốt rơm rạ ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, kèm theo đợt đốt vàng mã vào ngày đầu tháng. Trong ảnh là khu vực Xã Đàn lúc 17h ngày 30/9.

Hữu Thắng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giat-minh-nhin-canh-tuong-ha-noi-dac-quanh-mu-mit-tu-sang-toi-chieu-a450987.html