Giật mình trước hậu quả khủng khiếp của việc nghiện game online

ANTĐ- Hình ảnh một người nghiện game online lâu năm được phác thảo khiến chúng ta phải giật mình kinh sợ: Mắt vô hồn, lông tai mọc dài, đỉnh đầu lõm, lưng gù, bàn tay đầy dị tật.

 Mới đây, một nhóm nghiên cứu của Mỹ sau khi tiến hành thu nhập dữ liệu từ các tổ chức uy tín như Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), Hội Địa lý Quốc gia (National Geographic) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phác thảo hình ảnh một người nghiện game trong năm 2040

Mới đây, một nhóm nghiên cứu của Mỹ sau khi tiến hành thu nhập dữ liệu từ các tổ chức uy tín như Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), Hội Địa lý Quốc gia (National Geographic) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phác thảo hình ảnh một người nghiện game trong năm 2040

Theo đó, nhân vật giả thuyết có tên Michael sẽ cho ta thấy những thay đổi về thể chất của con người trong 20 năm nữa nếu liên tục chơi game online. Mô hình phác họa chi tiết hình dạng bên ngoài với những biến đổi tồi tệ đến không ngờ, giống như bị "tiến hóa ngược" của người nghiện game

Ta có thể quan sát được Michael có quầng đen dưới mắt khá rõ. Đây là hậu quả của việc nhìn quá lâu vào màn hình máy tính/điện thoại trong thời gian dài. Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trở nên vô hồn do thiếu ngủ khiến chúng ta liên tưởng tới những zombie

Tai mọc lông là hậu quả của việc thiếu lưu thông không khí. Mái tóc không còn rậm rạp mà rụng nhiều do không ra ngoài hấp thụ ánh sáng mặt trời, thiếu vitamin D

Đầu của Michael có những vết lõm do áp lực đến từ việc sử dụng tai nghe trong thời gian dài. Ngồi sai tư thế quá lâu cũng khiến cổ của Michael bị rút ngắn, vai tròn và lưng bị gù

Michael là tạng người gầy nhưng bụng lại phình to. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chế độ ăn uống không hợp lý và lười vận động

Do sử dụng chuột, bàn phím và bộ điều khiển quá nhiều, đôi tay của Michael không tránh khỏi những biến dạng như nổi chai sần, các đốt ngón tay sưng tấy

Mô hình cũng cho thấy những biến đổi như mắt cá chân bị sưng và giãn tĩnh mạch do ngồi một chỗ quá lâu khiến máu lưu thông kém

Ngoài ra, đây cũng là mô hình tương tự cho những người phải làm việc với máy tính trong thời gian dài. Khi phác họa mô hình về game thủ Michael, các nhà khoa học cũng lưu ý là nghiên cứu trên chỉ mang tính dự đoán và không chắc chắn sẽ xảy ra trong hiện thực. Tuy vậy, ý nghĩ thực tiễn của nó vẫn là lời cảnh báo con người về sức tàn phá kinh khủng của việc nghiện game online tới sức khỏe

Trước đó, vào năm 2019, WHO đã chính thức đưa nghiện game (game trực tuyến hoặc ngoại tuyến) vào nhóm các chứng rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn

Theo WHO, người mắc bệnh này có những biểu hiện như "chơi game không kiểm soát được, luôn tìm mọi cách để đặt ưu tiên chơi game lên hàng đầu, vượt quá so với những sở thích và các hoạt động khác hàng ngày, tiếp tục và tăng cường chơi game bất chấp những hậu quả tiêu cực"

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra việc chơi game trên 3 tiếng/ngày trong khoảng thời gian dài sẽ khiến các vùng chức năng của não bộ, bao gồm các vùng tập trung chú ý, vùng ức chế, vùng quyết định và vùng quyết định thực hiện bị giảm hoạt động. Lâu dần có thể tác động tiêu cực đến cảm xúc và nhận thức của người chơi

Ảnh hưởng nghiêm trọng của việc nghiện game tới tinh thần là người chơi có thể mắc chứng trầm cảm, lo âu, thậm chí là hoang tưởng

Nghiện game còn có thể dẫn tới việc thay đổi tâm thần vận động, bao gồm kích động, vận động chậm, chậm chạp khi giao tiếp, giọng nói nhỏ, số lượng ngôn ngữ ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí không nói. Ngoài ra, người nghiện game có thể mắc chứng rối loạn trí nhớ

Bên cạnh tác động tiêu cực đến cơ thể và tinh thần, nghiện game online còn có những tác động xấu đến cuộc sống người chơi. Ví như, việc "sống" trong thế giới ảo của game quá lâu khiến người chơi "xung đột" với những mối quan hệ thực tạo nên mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp

Ngoài ra, đầu tư quá nhiều tiền bạc, thời gian vào chơi game có thể dẫn tới tình trạng bỏ học, thất nghiệp, nợ nần... Nguy hiểm hơn, nghiện game có thể khiến người chơi dính đến những tệ nạn xã hội như trộm cắp, giết người...

Tất nhiên chúng ta không thể phủ nhận game online đem đến đến nhiều lợi ích như giúp giảm căng thẳng, kết bạn, rèn được một số kĩ năng, lợi ích kinh tế. Do đó, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra lời khuyên với người chơi game nên chú ý tư thế ngồi, thường xuyên vươn vai hoặc vận động, ăn uống hợp lý và uống nhiều nước để bảo vệ sức khỏe

Tuy nhiên, nếu bạn dành quá nhiều thời gian để chơi game, bỏ qua những nhu cầu hằng ngày như ăn, ngủ, học tập... thì cần nghiêm túc xem xét lại để có những điều chỉnh kịp thời

Đặc biệt, theo thống kê của WHO, đối tượng nghiện game chủ yếu tập trung ở trẻ vị thành niên. Trên thế giới có 70-80% trẻ em từ 10-15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10-15%

Do đó, nếu là bạn là phụ huynh và phát hiện con mình có biểu hiện nghiện game thì cần có phương pháp kiểm soát để mọi chuyện không đi theo chiều hướng tiêu cực

Hành động cấm đoán, đe dọa trẻ sẽ không phải phương án hay để giúp trẻ nhận thức được mặt tiêu cực của việc nghiện game. Thay vào đó, cha mẹ nên học cách tâm sự với con để lắng nghe những khó khăn của trẻ, đồng thời lập ra những quy tắc trong nhà (ví như khi nào con có thể chơi game, khi nào không được phép, thời gian và thời lượng chơi game), quản lýcác thiết bị truy cập mạng...

Đặc biệt, trong khoảng thời gian ở nhà tránh dịch Covid-19, cha mẹ hãy để con bận rộn bằng những hoạt động tăng tình cảm gia đình như cùng nhau nhảy múa, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, đọc sách, tập thể dục thể thao... Điều này không chỉ giúp trẻ "xao nhãng" việc chơi game mà còn giúp con khỏe mạnh cả về thể chất, trí não và tâm hồn

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-giat-minh-truoc-hau-qua-khung-khiep-cua-viec-nghien-game-online/850513.antd