Giàu, đẹp các xóm đạo trên quê hương Mai An Tiêm

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý, tôi lại có dịp về thăm các xứ đạo trên quê hương Mai An Tiêm. Mỗi địa phương, mỗi vùng quê nơi tôi đến giờ đã khoác lên mình 'tấm áo' mới tràn đầy sức sống và trên mỗi nét mặt bà con giáo dân đều ánh lên những niềm vui.

Một góc xã Nga Liên (Nga Sơn) hôm nay.

Một góc xã Nga Liên (Nga Sơn) hôm nay.

Giữa sắc xuân đang chộn rộn, anh Tống Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nga Liên vẫn dành thời gian đưa tôi đi thăm các xóm đạo. Tuyến đường bê tông ven sông Ngang Bắc bắt đầu từ Cầu Hói chạy qua 8 thôn nối với xã Nga Thái dường như không có điểm kết thúc. Dừng xe trước cổng một ngôi nhà khang trang, anh Minh rủ rỉ với tôi: “Trước năm 2013, tuyến đường ven sông Ngang Bắc này có tổng chiều dài hơn 3 km, vốn là đường đất nhỏ, hẹp nên việc đi lại của người dân tương đối khó khăn. Khi xã có chủ trương mở rộng tuyến đường nay, với tinh thần chung sức xây dựng quê hương, không ai bảo ai các hộ dân bị ảnh hưởng đều tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất phục vụ công trình”. Gõ cửa chủ nhà, anh Minh liền giới thiệu: “Đây là nhà ông Nguyễn Văn Mão, nguyên trưởng thôn 6, từng làm Chánh trương của giáo xứ Tam Tổng. Bằng uy tín của mình, ông Mão đã không quản ngại khó khăn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động các hộ dân tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, hiến đất để có tuyến đường khang trang như hôm nay đấy!”. Đâu chỉ có vậy, năm 2014 - thời điểm bắt đầu làm 1 km đầu tiên tuyến đường ven sông Ngang Bắc, gia đình ông Mão là hộ đầu tiên tự nguyện hiến hơn 81m2 đất ở, tháo dỡ tường rào, cổng nhà cho công trình. Không giấu niềm vui, ông Mão nhỏ nhẹ chia sẻ: “Có đường bê tông khang trang thuận tiện trong đi lại, bà con giáo dân chúng tôi phấn khởi lắm! Sau khi tiếp thu chủ trương của đảng ủy, chính quyền xã, chi bộ, ban công tác mặt trận thôn đã động viên bà con giáo dân tự nguyện hiến đất để làm tuyến đường. Suốt chiều dài hơn 500m mà tuyến đường đi qua thôn, đến hộ dân nào thì hộ đó tự tháo dỡ tường rào, thậm chí cả một phần nhà ở để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”. Điều thú vị, chính từ sự nêu gương của gia đình ông Mão và các hộ dân thôn 6 đã tạo sức “lan tỏa” đến 251 hộ dân khác trong xã, để rồi cùng đồng thuận hiến 6.500m2 đất ở, 2.200m2 đất nông nghiệp, hàng nghìn mét tường rào để làm đường. Đến nay, hơn 3km tuyến đường ven sông Ngang Bắc qua địa phận 8 thôn đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa. Tuyến đường ven sông Ngang Bắc và các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng đang tạo ra bức tranh nông thôn mới của xã Nga Liên giàu, đẹp và đáng sống.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Đại, thôn 3, xã Nga Liên (Nga Sơn).

Anh Minh kể: Giống nhiều địa phương khác của huyện Nga Sơn, nông nghiệp của xã Nga Liên chỉ có cói và lúa. Khi cơ cấu cây trồng chưa được chuyển dịch mạnh mẽ thì thu nhập của người dân trong xã tương đối thấp”. Toàn xã có khoảng 2.052 hộ dân, với 9.170 nhân khẩu, sinh sống ở 9 thôn. Trong đó, đồng bào công giáo chiếm 93,7%, thuộc 2 giáo xứ Tam Tổng và Phúc Lạc. Vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trong xã chỉ đạt 9,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 25,24%. Cái đau đáu của cấp ủy, chính quyền xã chính là giải quyết hiệu quả “bài toán” thu nhập cho người dân. Năm 2015 xã đã mời các phòng chuyên môn huyện về thực hiện khảo sát, bổ sung vào quy hoạch đất nông nghiệp 37 ha cói xen canh, xen cư kém năng suất. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, xã tổ chức cho nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đất này sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Đào, quất, cây ăn quả và một phần diện tích nuôi trồng thủy sản.

Tay nâng niu những quả bưởi căng tròn, vàng óng, đang chờ bán trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, giáo dân Nguyễn Văn Đại, thôn 3, vui mừng: “Năm 2015, gia đình tôi đã chuyển đổi 2,5 sào cói thành vườn ươm đào gốc. Kết hợp với cải tạo 1 sào vườn nhà, tôi đã đưa thêm các loại cây như: Bưởi, quất, đào gốc Sơn La vào trồng. Trừ chi phí mỗi năm cũng có lãi được khoảng 160 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng cói”. Thật lớn lao, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi toàn diện, căn bản đời sống kinh tế - xã hội của xã Nga Liên. Không chỉ cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, mà đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 43,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,89%. Số hộ khá giả trong xã chiếm hơn 70%, một con số thật ấn tượng.

Với tinh thần sống “Tốt đời, đẹp đạo”, bà con giáo dân xã Nga Liên nói riêng và đồng bào công giáo trên quê hương Mai An Tiêm nói chung luôn đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, giúp nhau giảm nghèo, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quê hương đổi mới và hướng đến những mục tiêu cao hơn phía trước.

Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/giau-dep-cac-xom-dao-tren-que-huong-mai-an-tiem/113507.htm