Giàu lên nhờ nuôi cá lồng

Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có ngư trường rộng với 120km bờ biển, nhiều eo vịnh và đảo nhỏ, môi trường và nguồn nước trong sạch, khí hậu ôn hòa. Với đầy đủ những yếu tố 'thiên thời, địa lợi' này, nhân dân trên đảo đang tập trung phát triển mạnh nghề nuôi các loại cá lồng bè trên biển, trong đó, loại cá mú sao là loại cá 'hảo hạng' nhất, mang lại giá trị kinh tế rất cao.

Mô hình nuôi cá lồng bè trên đảo Phú Quốc đang là nghề mang lại kinh tế rất cao cho ngư dân.

Hiện nay, cá mú là một loại thực phẩm cao cấp, một đặc sản có giá trị xuất khẩu cao và đang được phát triển nuôi rầm rộ trên vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều loại hải sản quý, nhưng bà con ngư dân khai thác, đưa vào lồng bè nuôi chỉ có 2 loại: Mú sao và mú đen. Vào thời điểm này, giá thương phẩm cá mú sao lên tới 360.000 đồng/kg, thời gian nuôi là 10 - 12 tháng, còn cá mú đen chỉ nuôi trong 5 tháng, bán ra với giá 110.000 đồng/kg. Chính vì cá mú sao có giá trị kinh tế cao nên số hộ nuôi cá mú chiếm tỷ lệ trên 90%. Theo ông Nguyễn Văn Luyện, chủ cơ sở nuôi cá mú sao ở xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, người đã đầu tư nuôi loài cá này liên tiếp trong 7 năm qua, mỗi vụ đều đem lại cho gia đình lợi nhuận rất cao. Năm 2011, ông đầu tư thêm lồng bè và thả gần 3.000 con giống tự nhiên (giá từ 60.000 - 80.000 đồng/con giống). Sau thời gian nuôi 1 năm, cá đạt trọng lượng trên 1kg/con, tỷ lệ sống trên 70%. Trừ chi phí đầu tư sản xuất như: Lồng bè, con giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học..., ông còn lãi hơn 450 triệu đồng. Ngoài ra, ông Luyện còn nuôi thử nghiệm cá mú sao bằng nguồn giống nhân tạo và sau 10 tháng thả nuôi, cá thương phẩm có trọng lượng bình quân 1kg/con, tỷ lệ sống trên 60%. Trong thời gian tới, ông Luyện sẽ tiếp tục sử dụng con giống nhân tạo để nuôi vì con giống tự nhiên ngày càng khan hiếm. Chia sẻ kinh nghiệm về nuôi cá mú sao, ông Luyện cho biết, bè nuôi đặt ở vùng biển ít sóng gió, có mức nước sâu 4 - 5m, xa khu dân cư; bè được làm chắc chắn bằng khung gỗ, phân thành nhiều ô lồng và các ô lồng được bao bọc bằng lưới ni lông. Toàn bộ hệ thống bè nuôi được cố định bằng dây neo và nổi trên mặt nước biển nhờ kết nối với các phao (thùng phuy). Cỡ cá giống thả nuôi tốt nhất 10 - 12cm, mật độ 23-30 con/m2. Thức ăn chủ yếu của cá là các loại cá nhỏ tươi (người dân gọi là cá phân), rửa sạch, cắt nhỏ, thường xuyên theo dõi cá ăn mồi để tăng hoặc giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ 1 - 1,5 tháng/1 lần thay lưới lồng nhằm “làm mới” môi trường cho cá phát triển tốt.

Chúng tôi đến thăm lồng bè cá mú của gia đình anh Nguyễn Xuân Phú, ở thị trấn An Thới (Phú Quốc), một ngư dân làm nghề đi biển mới đổi nghề nuôi cá mú được 1 vụ. Tâm sự với chúng tôi, anh Phú cho biết: Gần chục năm anh làm nghề đi biển, vất vả lắm cũng chỉ đủ ăn, khi sóng to gió lớn thì đói triền miên. Năm 2011, anh quyết tâm đầu tư nuôi cá mú sao. Vụ đầu, anh thả gần 1.000 con cá mú sao, sau khi trừ hết các chi phí, còn lãi trên 100 triệu đồng. Điều khó khăn nhất hiện nay đối với những người nuôi cá mú là nguồn cá giống, đa số người nuôi cá mú sao ở Phú Quốc đều chọn cá giống từ thiên nhiên nên giá giống rất cao (340.000 đồng/kg/cá mú sao).

Theo các ngư dân có kinh nghiệm, nuôi cá mú sao ở đảo Phú Quốc là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật đơn giản, nhu cầu thị trường lớn, nhưng vốn đầu tư khá cao, nhất là con giống. Do chưa chủ động được nguồn giống thả nuôi nên nhiều người chưa mạnh dạn nuôi loài cá này. Ngành Thủy sản tỉnh Kiên Giang đang có kế hoạch phát triển, nhân rộng mô hình nuôi cá mú sao nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, làm phong phú hơn nguồn thực phẩm phục vụ khách du lịch và xuất khẩu, giúp ngư dân Phú Quốc vươn lên làm giàu.

L. Tuấn - H. Kiên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giau-len-nho-nuoi-ca-long/