Giấy dó cuộc hành trình trở về: Muốn hồi sinh cần 'ba cây chụm lại'… (Kỳ cuối)

Nghề làm giấy dó truyền thống của ông cha sẽ đi về đâu? Liệu có giải pháp nào để ngăn ngừa sự mai một của làng nghề không? Trong một ngày tháng 5, nhiều họa sỹ, nhà quản lý văn hóa, nghệ nhân làng nghề, doanh nhân… đã ngồi lại với nhau tại di tích Đình Kim Ngân, phố cổ Hà Nội, để chia sẻ và luận bàn nhiều giải pháp 'hồi sinh' nghề giấy.

Theo họa sĩ Lý Trực Sơn, người Việt Nam từ xưa đến nay không ưa cái gì quá tinh, ví dụ lụa nếu quá tinh, quá mỏng như lụa tầu thì không thích, giấy công nghiệp rất mịn nhưng lại thích dùng loại hơi sần một chút. Cũng như giấy dó, cũng phải mang những nét sơ khai, hơi sù sì, chắc, bền, bỏ vào nước mà bỏ ra thì vẫn khô và phẳng. Có lẽ chính vì những cái sù sì thô ráp đó đã làm nên một sản phẩm mang đậm chất văn hóa Việt.

Họa sỹ Lý Trực Sơn đã nhiều lần triển lãm tranh giấy dó ở nước ngoài và nhận ra rằng người phương tây rất mê sản phẩm này, nhưng không phải ai cũng có thể tìm mua được loại giấy dó theo đúng phong cách cổ truyền mấy trăm năm trước. Ông nuối tiếc vì ở Việt Nam hiện nay không thể “cung” cái mà thế giới đang “cầu”. Ông cho rằng giấy dó cần được quảng bá nhiều hơn thì mới được biết đến.

Liệu nghề làm giấy dó có được hồi sinh? Ảnh: (Bảo Thoa)

Liệu nghề làm giấy dó có được hồi sinh? Ảnh: (Bảo Thoa)

Đưa ra một số về giải pháp tồn tại cho nghề giấy, ông cho rằng, làm cho nghệ thuật mỹ thuật phát triển tức là làm cho làng nghề tồn tại, bởi đó là tác động hai chiều. Khi càng có nhiều người mua và vẽ trên chất liệu giấy dó thì làng nghề càng có cơ hội phát triển. Theo họa sỹ Lý Trực Sơn, những tác phẩm hội họa làm trên giấy dó phải thật tinh, thật đẹp, bán với đúng với giá trị của nó, theo phương châm “làm tốt bán đắt”, vừa để nâng cao tay nghề, vừa có đủ thu nhập để nuôi nghề.

Để làm được đẹp thì giấy phải bền, kỹ thuật phải cao, đồng thời phải kiên trì quảng bá và có sự tương tác giữa các làng nghề để tạo ra những sản phẩm mới hơn, đa dạng hơn. Làm ít mà vẫn “chất”, không chỉ tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật và tôn vinh sản phẩm truyền thống mà còn giữ cho môi trường sạch sẽ, ít ô nhiễm hơn so với làm nhiều nhưng chất lượng kém và nguồn chất thải lại gây ô nhiễm môi trường.

Bổ sung ý kiến của họa sỹ Lý Trực Sơn, ông Nguyễn Phương Khánh Đại diện BQL Di tích lịch sử Đông Xã, phường Bưởi cho hay, làm giấy dó cần rất nhiều nước, cho nên địa điểm cũng vô cùng quan trọng. Phải là điểm gần sông, có quy trình xử lý nước thải đồng bộ. Việc sản xuất nhỏ lẻ sẽ vô cùng phức tạp và dẫn đến ô nhiễm môi trường cao. “Cần phải có các doanh nghiệp vào cuộc, thành phố vào cuộc, đầu tư để phục hồi nghề chứ không đơn thuần là sản xuất nhỏ lẻ.

Một cây thì làm chẳng lên non. Làng Bưởi còn rất nhiều nghệ nhân dẻo tay, vững nghề làm giấy, nếu được đầu tư chắc chắn sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng cao, duy trì được văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ tan biến. Chúng ta đang quan tâm đến môi trường, vì vậy tại sao không dùng giấy dó với độ bền, dai, để thay thế những túi nilon làm ô nhiễm môi trường?”, ông Khánh nhấn mạnh.

Xúc động trước những thứ được, mất của một nghề lâu đời đã tồn tại trên đất kinh kỳ hàng trăm năm, ông Khánh kể lại một kỷ niệm về Bác Hồ. Cách đây hơn 50 năm Bác Hồ về thăm làng An Thái đúng vào ngày 6/1/1946, ngày toàn quốc tưng bừng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hôm đó, dân làng đang nhộn nhịp, vui mừng như ngày hội.

Đến thăm làng Bưởi, bác quan tâm đến nghề làm giấy dó. Thấy giấy dó có chất lượng tốt Bác đã yêu cầu in truyện Kiều lên giấy dó làng Bưởi để lưu giữ. Bởi vậy, khi Bác mất, người dân làng An Thái – Bưởi đã lưu giữ đời đời Lời Di chúc thiêng liêng của Bác trên trang giấy cổ truyền làng Bưởi. Nhưng cho đến nay, làng nghề không còn giữ được nghề như kỳ vọng của Bác…

Đã có nhiều năm vẽ tranh trên giấy dó, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức đánh giá, giấy sắc phong có độ bền cao nhất thế giới, có thể lên đến 600 đến 700 năm, trong khi giấy dó của Nhật Bản hay Trung Quốc chỉ có độ bền từ 400 đến 500 năm, dù điều kiện bảo quản của họ tốt hơn ta. Điều đang buồn là ngay cả những thông tin về chất liệu giấy này cũng ít người biết đến.

Theo họa sỹ Mạnh Đức, “chúng ta sử dụng giấy dó là chúng ta đang tạo ra một nhu cầu cần làng nghề, nếu để chinh phục được người dùng thì cần những nhà khoa học nghiên cứu chất liệu tạo ra một công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó còn cần sự phối hợp của các làng nghề với nhau. Hiện nay nhiều làng nghề vẫn còn đang giữ nghề, không giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nên chưa thể tạo ra những sản phẩm đa dạng và có chất lượng tốt hơn nữa.

Ví dụ về màu sắc của giấy nên đa dạng hơn, thay vì trắng đơn thuần như hiện nay thì nên có thêm hồng, cánh sen,… đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta cần sự phát triển nhưng giá trị văn hóa cũng phải giữ được bởi tinh thần văn hóa luôn quan trọng hơn cách tạo ra sản phẩm. Làng nghè hiện nay rất loay hoay, hiện nay từ Bát Tràng đến Đồng Kỵ, Sơn Đồng…hiện nay sống được là nhờ sản xuất mẫu của các khách hàng nước ngoài, sản phẩm đã không còn thuần Việt và chúng ta trở thành người phục vụ cho văn hóa nước ngoài.

Những đơn vị sống được sống tốt là họ làm sản phẩm cho nước ngoài chứ không phải trong nước, bởi thế cho nên văn hóa trong nước biến mất rất nhiều, chỉ còn rất ít giữ được tinh thần truyền thống. Thông qua giấy dó có thế thấy chúng ta cần định hướng vừa làm giầu cho các làng nghề, vừa phát triển tinh thần văn hóa.

PGS.Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nôi là một nhà nghiên cứu về Hán Nôm, bên cạnh đó bà còn là một người có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn các giá trị của làng nghề Việt Nam. Đối với giấy dó, bà cũng nhiều năm trăn trở để đưa ra giải đáp và đồng thời đưa ra các quan điểm cá nhân của mình đóng góp cho sự bảo tồn và phát huy nghề truyền thống.

Tiến sỹ cho biết: Không phải giấy dó bị cho là xuất phát từ Trung Quốc mà do tổ tiên chúng ta sáng tạo ra nghề, theo thư tịch cổ thì thì thế kỷ thứ 2 chúng ta đã có những nhà sư viết bộ kinh trên giấy dó. Trước đây, cả nước có duy nhất dòng họ Lại được vua ban cho đặc ân làm giấy sắc rồng, cho đến nay, chúng tôi vẫn giữ được sắc phong hơn 600 năm không bị phai nhạt. Sắc phong là di sản thiêng liêng chứ không đơn thuần là một từ giấy viết chữ Hán Nôm.

Nhiều năm nay chúng tôi đã đề nghị với bộ văn hóa dùng giấy sắc để công nhận di tích lịch sử văn hóa ở miếu mạo đền chùa trên khắp cả nước. Tuy nhiên mấy chục năm nay vẫn chưa có hồi đáp. Ông cha chúng ta đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý tại sao chúng ta không kế thừa và phát triển? Tuy nhiều họa sỹ, nhà văn, nhà thơ.. sử dụng giấy dó để viết tác phẩm nhưng muốn nghề giấy dó phát triển thì cần phải có thị trường lớn hơn chứ không chỉ bó hẹp ở một vài lĩnh vực sử dụng.

Trăn trở với giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, Tiến sỹ Đỗ Thị Hảo cho rằng, từ làng An Cốc, Yên Thái, Nghĩa Đô, Dương Ổ… người dân vẫn còn nhớ đến tổ nghề. Hàng năm vào mùa lễ hội dân các làng vẫn giỗ tổ nghề và tái hiện nghề làm giấy, thế nhưng người dân lại không thể sống được bằng nghề của tổ tiên để lại. Chúng ta đang trông chờ vào những nhà khoa học, các nhà kinh tế, cơ quan chức năng và những doanh nghiệp, nghệ nhân có tâm huyết để làm thế nào tất cả các nghề truyền thống đều có đầu ra thì nghề mới tồn tại được.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giay-do-cuoc-hanh-trinh-tro-ve-muon-hoi-sinh-can-ba-cay-chum-lai-ky-cuoi-91233.html