Giấy nợ viết tay, không công chứng có thể kiện ra Tòa được không?

Giấy mượn tiền viết tay có thể được coi là chứng cứ về việc vay tài sản. Người khởi kiện có thể nộp cùng hồ sơ khởi kiện thu hồi nợ tại Tòa án có thẩm quyền.

Cách đây 5 tháng, tôi có cho một người hàng xóm mượn 200 triệu đồng. Lúc giao nhận tiền, có làm giấy nợ nhưng chỉ viết tay, ghi hẹn ngày trả tiền trong 3 tháng, có chữ ký của người mượn. Vì là hàng xóm thân thiết nên tôi không ra công chứng giấy nợ.

Hôm nay đã quá hẹn 02 tháng, tôi đòi nhiều lần nhưng người mượn không chịu trả. Như vậy để thu hồi nợ, tôi có thể dùng giấy nợ viết tay để khởi kiện ra tòa thu hồi nợ được không?

(Anh Hà Văn Tâm ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)

Trả lời:

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 không yêu cầu hình thức cụ thể của hợp đồng vay tài sản. Về bản chất, cho vay tài sản, tiền là một hình thức giao dịch dân sư. Do đó, hợp đồng vay tài sản có thể được lập thành văn bản, thể hiện qua lời nói hoặc hành vi cụ thể.

Do vậy, giấy nợ viết tay cũng được coi là một hợp đồng vay tài sản hợp pháp.

Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định chứng cứ trong vụ việc dân sự được hiểu là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Theo đó, nguồn chứng cứ là bao gồm các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; vật chứng, lời khai của đương sự…

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận của các bên. Đồng thời, cũng không có yêu cầu bắt buộc phải được công chứng hay chứng thực, chứng thực hay có người làm chứng.

Do đó, trong trường hợp người hàng xóm của anh Tâm cho mượn tiền qua giấy viết tay là có hiệu lực pháp luật. Đây được xem là bằng chứng chứng minh trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc anh Tâm đã cho người hàng xóm mượn 200 triệu đồng.

Anh Tâm có thể làm đơn khởi kiện tới TAND huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang theo quy định tại khoản 3 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, để Tòa án xem xét, giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, nếu anh Tâm nhận thấy người hàng xóm hiện nay không có khả năng trả tiền, cũng như không có tài sản để thanh lý, bán đấu giá để trả nợ hoặc không có công việc ổn định thì tốt nhất không nên làm đơn khởi kiện lên Tòa án. Bởi lẽ nếu không có tài sản thì người khởi kiện có thắn cũng không thể đòi được tiền ngay được, việc làm đơn khởi kiện lên Tòa án chỉ tốn thời gian, chi phí, tiền bạc mà khả năng lấy được lại tiền rất thấp.

Huỳnh Minh Đức

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/tu-van-luat/giay-no-viet-tay-khong-cong-chung-co-the-kien-ra-toa-duoc-khong-38252.html