Giây phút giao mùa trong thơ Giang Tiến Mỹ

Khác với những bài thơ viết về mùa thu, thường hướng vào toàn cảnh đất trời, nhà thơ Giang Tiến Mỹ chỉ chọn lấy một điểm đặc sắc của phong cảnh, đó là sen Tây Hồ, như một điểm nhấn tiêu biểu cho mùa thu Hà Nội.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Hà Nội đã vào thu

Cái nắng dùng dằng ở lại

Giao mùa, cánh sen cuối vụ

Thành con thuyền mùa thu

Chở đầy hương thơm và nắng gió.

Sóng lăn tăn

Như những đường nhăn

Vắng lặng. Hồ Tây trăn trở

Con sóng như vết rạn chân chim

Đuôi mắt người thanh nữ

Đi qua mùa rực rỡ

Vào thu.

Con thuyền và hương thơm đất trời

Đưa em về tinh khôi

Em rạng rỡ, mặn mà

Hồ thu xanh bao la

Từng áng mây bồng bềnh

Nâng con thuyền thu lãng du…

Lá sen tàn cuối vụ

Nao nao khúc giao mùa

Bát sen hạt chín vàng căng mẩy

Gieo mùa thơm vào thu.

Với cảm xúc tinh tế, tác giả như thấy được cả nỗi niềm của cảnh vật trong giây phút giao mùa. Đó là cái nắng hè như còn tiếc nuối điều gì đó mà cứ “dùng dằng ở lại”, không muốn nhạt mình đi, co mình lại một chút, để chuyển hóa thành nắng vàng thu.

Với hình thức nhân hóa này, thi nhân như đã thổi hồn cho cảnh vật, nhưng cũng là gửi vào đó một tâm trạng hai nửa, mà ta thường bắt gặp trong thơ.

Điểm nhìn của thi nhân, từ cái nắng tràn ngập trong bầu trời bỗng hạ thấp xuống, hướng vào những bông sen trên hồ nước đầy. Hình như mùa hè và mùa thu cũng đang có chuyện dùng dằng gì ở đấy.

Nhưng rồi sự dùng dằng chỉ là giây lát, không thể nào cưỡng được bàn tay vô hình của thời gian xô đẩy. Thời gian đã bứt từng cánh sen, trắng, sen hồng thả xuống mặt nước để cho mỗi cánh sen hóa thành một con thuyền chở thứ hương đặc trưng của mùa hạ vào trong lòng mùa thu:

“Hà Nội đã vào thu

Cái nắng dùng dằng ở lại

Giao mùa, cánh sen cuối vụ

Thành con thuyền mùa thu

Chở đầy hương thơm và nắng gió”.

Mặt Tây hồ rộng lớn, không nổi sóng cồn, mà chỉ gợn chút thôi, thành những vệt sóng lăn tăn đưa đẩy con thuyền thu về bến bờ vô tận:

“Sóng lăn tăn

Như những đường nhăn

Vắng lặng. Hồ Tây trăn trở”.

Trong giây phút giao mùa, mọi cảnh vật dường như khe khẽ cựa mình, để đổi hướng xoay chiều, như sự cựa mình của thiếu nữ kiều diễm vậy. Cho đến cả làn gió cũng chỉ như hơi thở nhẹ của mùa thu, để vừa đủ gợn lên làn sóng biếc lăn tăn.

Hồ Tây cũng trở mình, trong nỗi niềm trăn trở, qua hình thức nhân hóa, cũng không khác gì người thanh nữ đã đi qua mùa nhan sắc để vào những ngày thu của cuộc đời, mà những con sóng gợn lăn tăn kia cũng là những vết rạn chân chim của thời gian ghi dấu trên đuôi mắt biếc:

“Con sóng như vết rạn chân chim

Đuôi mắt người thanh nữ

Đi qua mùa rực rỡ

Vào thu”.

Người và phong cảnh như hóa vào nhau, để nói cảnh mà cũng là nói người, nói người mà cũng là nói cảnh:

“Con thuyền và hương thơm đất trời

Đưa em về tinh khôi

Em rạng rỡ, mặn mà”.

Từ cánh sen hóa thành con thuyền chở hương thơm và nắng gió, thì đó là điều dễ hiểu. Nhưng giờ đây lại là con thuyền đưa em về tinh khôi để cho em đẹp với vẻ đẹp mặn mà rực rỡ thì quả là điều huyền bí của thơ ca.

Qua hình thức nghịch lý này, người thơ muốn nói gì đây? Phải chăng con thuyền cánh sen đã hóa thành con thuyền lớn (qua hình thức cường điệu), đưa khách tình du ngoạn trên “hồ thu xanh bao la”? Hình như chưa đủ, mà tính phi logic này vẫn nối dài, để làm nên một tứ thơ lạ hoàn chỉnh:

“Hồ thu xanh bao la

Từng áng mây bồng bềnh

Nâng con thuyền thu lãng du”.

Mây bay trên trời, còn con thuyền trên mặt nước cách xa muôn trùng, vậy làm sao mây nâng được con thuyền trong cuộc lãng du? Tưởng là phi lý, nhưng không, đây là lúc người thơ đang rơi vào giây phút mơ màng, ngắm nhìn những áng mây trôi dưới bầu trời thăm thẳm lồng đáy nước.

Cánh sen trong cái nhìn nửa mơ nửa thực ấy, như đã hóa thành con thuyền tình, chở người tình trong giấc mộng về với bến đời mơ, trong vẻ trong trắng tinh khôi của buổi ban đầu.

Nhưng rồi mơ mãi cũng phải tỉnh! Cho dù tỉnh không bằng mộng, bởi có ai chìm mãi được trong giấc mộng vàng bao giờ đâu? Tây Hồ lại trở về trong cái nhìn của đời thực, với những lá sen tàn, cuống héo vật vờ, hôm qua xanh mơn mởn, sao nay đã phạc phờ! Khúc giao mùa thầm lặng tiếc nuối và xót xa, của cảnh sắc thiên nhiên như còn nao nao trên cuống sen nửa tươi, nửa héo:

“Lá sen tàn cuối vụ

Nao nao khúc giao mùa”.

Từ “nao nao” ở đây, đã nói lên được cái hồn của cảnh vật và chiều sâu tâm trạng nao nao chờ đợi của người thơ. Tuy nhiên, sen đẹp, sen thơm hương ngát, đâu có chịu tàn, để hổ thẹn với trời thu, nên sen lại hiện ra với vẻ đẹp khác, không yểu điệu mộng mơ như trước nữa mà chắc mẩy, hứa hẹn buổi sinh sôi tròn đầy:

“Bát sen hạt chín vàng căng mẩy

Gieo mùa thơm vào thu”.

Mang hương ngát của mùa hạ, gieo gửi vào mùa thu, một chút hương thơm giao mùa, cho lòng ai cũng vấn vương bịn rịn.

Cũng vẫn là vẻ đẹp mùa thu của Tây Hồ xưa nay, nhưng Giang Tiến Mỹ đã đem đến cho ta một vẻ đẹp khác, được cảm nhận trong giây phút mơ màng bên người tình trong mộng, cho nên Hồ Tây cũng hóa thành giấc mộng Tây Hồ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/giay-phut-giao-mua-trong-tho-giang-tien-my-zI6ZZMH7g.html