'Giấy thông hành' cho nông sản vươn xa

Mới đây, quả sơn tra (táo mèo) của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã chính thức mang nhãn hiệu 'Sơn tra Mù Cang Chải'. Ðây không chỉ là tin vui cho người trồng sơn tra, mà còn cho thấy, sự quan tâm của địa phương trong việc tích cực đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.

Sản phẩm sơn tra Mù Cang Chải

Chứng nhận nhãn hiệu như là một tờ “giấy thông hành” giúp nông sản của địa phương này dễ dàng xâm nhập vào các thị trường khác trong nước cũng như vươn ra thị trường quốc tế.

Sơn tra Mù Cang Chải đã có nhãn hiệu riêng

Với địa hình chủ yếu là núi cao, quanh năm khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho cây sơn tra sinh trưởng và phát triển, nên huyện Mù Cang Chải hiện có trên 200 héc-ta diện tích cây sơn tra - vừa mọc tự nhiên, vừa được nông dân trồng tại khu vực đồi núi thấp. Hàng năm, diện tích cây sơn tra này cho thu hoạch tới hơn 2.000 tấn quả tươi. Với đặc điểm ưa lạnh, có thể phát triển trên đất khô cằn, không cần phân bón và chăm sóc nhiều… nên những năm gần đây, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã tập trung đầu tư phát triển cây sơn tra và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Vào mùa thu hoạch sơn tra (từ tháng 9 đến tháng 11), các lái buôn từ thành phố Yên Bái lên tận huyện Mù Cang Chải để thu mua quả, tập trung ở chợ Ngã Ba Kim, chợ trung tâm thị trấn… Trái sơn tra được phân thành nhiều loại khác nhau. Loại quả to đẹp bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, loại trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi gia đình đồng bào Mông có thể thu vài chục triệu đồng/năm từ thu hái sơn tra.

Không chỉ phát triển cây sơn tra gắn với kinh tế hộ gia đình, hiện sơn tra đang được Mù Cang Chải phát triển gắn với du lịch. Đây là một trong những lợi thế quan trọng để huyện Mù Cang Chải thu hút du khách ở mọi nơi, mang lại thu nhập cho người dân.

Với mục tiêu này, việc đăng ký nhãn hiệu “Sơn tra Mù Cang Chải” được kỳ vọng sẽ góp phần không nhỏ vào việc khẳng định chất lượng, quyền sở hữu, nâng cao giá trị và giúp phân biệt sơn tra của Mù Cang Chải với sơn tra của các địa phương khác.

Nhãn hiệu hàng hóa - Tăng giá trị nông sản

Nếu như đến nay, sơn tra Mù Cang Chải mới có nhãn hiệu riêng, thì trước đó, nhiều tỉnh đã chủ động xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản từ rất sớm. Câu chuyện của tỉnh Bắc Giang là một ví dụ. Tính đến năm 2016, toàn tỉnh Bắc Giang có 29 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Tiêu biểu như: Gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, bánh đa Kế, nem Thổ Hà, mật ong rừng, miến dong Sơn Động, vải thiều Lục Ngạn… sau khi được bảo hộ, các sản phẩm này đã gây dựng thương hiệu, tiêu thụ thuận lợi và tăng thu nhập cho người sản xuất. Cụ thể như, nhờ được bảo hộ, 5 năm qua, mỗi héc-ta lúa thơm Yên Dũng cho thu nhập cao hơn khoảng 6 triệu đồng so với giống lúa thuần; trong khi chi phí đầu tư thấp, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi.

Việc xây dựng chỉ dẫn và nhãn hiệu tập thể cũng được tỉnh Hải Dương triển khai từ năm 2007. Đến nay, Hải Dương đã có 1 chỉ dẫn địa lý và 15 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản được hỗ trợ xây dựng. Cùng với gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, gà đồi Chí Linh, còn có nhiều sản phẩm khác như: cà rốt Đức Chính (Cẩm Giàng), củ đậu Kim Thành, ổi Thanh Hà, bánh gai Ninh Giang, rươi Tứ Kỳ, na Chí Linh... Sau khi có nhãn hiệu, các sản phẩm đều có giá bán cao hơn so với ngoài thị trường.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã có nhiều tác động tích cực đối với các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh việc giúp nâng cao giá trị nông sản, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ các nông sản trên thị trường. Đây cũng là cơ sở để xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả mạo hoặc lợi dụng danh tiếng nông sản để trục lợi. Từ đó, góp phần định vị thương hiệu trên thương trường cho một số nông sản, giúp người tiêu dùng nhận diện được các nông sản mang nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý của riêng địa phương đó. Đồng thời, việc xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đã góp phần thúc đẩy và định hướng quá trình sản xuất, kinh doanh một số nông sản theo hướng chuyên nghiệp, ổn định, an toàn hơn.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giay-thong-hanh-cho-nong-san-vuon-xa-79072.html