Giấy thông hành để măng cụt Dầu Tiếng vươn xa

Từ một vùng đất khô cằn, gánh trên mình nhiều bom mìn trong thời kỳ kháng chiến, đến nay, Dầu Tiếng đã vươn lên mạnh mẽ. Theo thời gian, cây măng cụt cũng đã thích nghi và phát triển trên vùng đất này, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ đồng bào.

Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) vừa phối hợp với Phòng Kinh tế huyện và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ công bố nhãn hiệu tập thể “Măng cụt huyện Dầu Tiếng”. Kể từ đây, măng cụt Dầu Tiếng đã có giấy thông hành để vươn ra thị trường xa hơn, bền vững hơn.

Sau hơn 2 năm thực hiện, cuối tháng 6/2019, nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng đã chính thức được trao tận tay những người nông dân trồng măng cụt của tỉnh Bình Dương. Đây là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với nông dân trên địa bàn huyện Dầu Tiếng bởi sản phẩm họ bỏ công trồng trọt, chăm sóc đã được dán tem đúng quy chuẩn và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép lưu hành. Điều này khẳng định, măng cụt Dầu Tiếng không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp thuần túy mà còn được bảo vệ thương hiệu khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể còn là một tấm giấy thông hành để các sản phẩm măng cụt Dầu Tiếng vươn ra thị trường thế giới. Có thể nói, việc phát triển tài sản trí tuệ đối với măng cụt Dầu Tiếng không chỉ hứa hẹn nâng tầm trái măng cụt mà còn tạo bước đệm cho nhiều sản phẩm khác của tỉnh khẳng định thương hiệu của mình. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của người dân và doanh nghiệp, khuyến khích từng địa phương, doanh nghiệp và hộ nông dân nâng cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau gìn giữ và phát triển sản phẩm nông sản đặc trưng.

Thu mua măng cụt

Thu mua măng cụt

Nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng được huyện Dầu Tiếng tổ chức thực hiện từ năm 2016 tại các vườn măng cụt chất lượng cao ở 2 xã Thanh Tuyền và Thanh An với mô hình “Nhà quản lý - Nhà vườn - Nhà khai thác” theo các quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng quả, độ đường, an toàn thực phẩm theo quy trình, tiêu chuẩn thực hiện nông nghiệp tốt (GAP). Đặc biệt, tại xã Thanh Tuyền, những năm gần đây, măng cụt trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân trong xã. Hiện toàn xã có khoảng 200 hộ trồng măng cụt. Trong đó, trên địa bàn xã có 6,6 héc-ta măng cụt của 9 hộ dân được cấp chứng nhận VietGAP. Năm nay, các chủ vườn cây măng cụt ở Thanh Tuyền rất phấn khởi vì măng cụt cho sản lượng cao, lại bán được giá. Hiện giá bán tại vườn là 50.000 - 55.000 đồng/kg, mang về lợi nhuận hàng chục triệu đồng, thậm chí hơn trăm triệu đồng cho mỗi gia đình.

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã phối hợp triển khai nhiều chương trình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ phân bón cho người nông dân. Chính những chính sách hỗ trợ thiết thực này đã góp phần hình thành và phát huy vai trò của mô hình trồng cây măng cụt tại Dầu Tiếng.

Toàn huyện Dầu Tiếng hiện có 650 héc-ta cây ăn quả, trong đó được tỉnh Bình Dương quan tâm đầu tư Dự án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản (măng cụt) tại xã Thanh Tuyền. Đến nay, cơ quan chức năng đã cấp chứng nhận VietGAP cho 6,6 héc-ta măng cụt tại xã Thanh Tuyền đạt yêu cầu tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt. Dự án này hướng dẫn người dân chăm sóc cây măng cụt áp dụng kỹ thuật theo quy trình sản xuất sạch.

Mai Liên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giay-thong-hanh-de-mang-cut-dau-tieng-vuon-xa-122816.html