Giấy triệu tập và sự 'ấm ức' của các lái xe qua trạm BOT

"Cuộc chiến tiền lẻ" ở các trạm thu phí BOT sẽ chưa có hồi kết nếu các cơ quan chức năng không đưa ra được giải pháp hợp lý.

Còn nhớ cách đây ít lâu, dư luận nóng lên với hình ảnh một cô gái cá tính có đăng clip ghi lại hình ảnh mình thanh toán tiền lẻ khi đi qua trạm thu phí BOT đường 5. Video của cô đã nhận được rất nhiều truy cập của bạn đọc và chia sẻ hình ảnh đó lan tỏa rộng khắp trên mạng xã hội. Trao đổi với PV, chị Phạm Mai Phương (1991), trú tại Hưng Yên cho biết, công an kinh tế tỉnh và PA83 tỉnh Hưng Yên có về cơ quan của chị Phương để trao đổi về việc chị thanh toán tiền lẻ khi qua trạm BOT.

Chị Phạm Mai Phương (1991), một trong những lái xe dùng tiền lẻ thanh toán khi qua trạm thu phí gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ảnh nhân vật cung cấp

Chị Phương cho biết: “Khi các đồng chí công an liên tục hỏi tôi về việc trả tiền lẻ như vậy có ai xúi giục không?Tôi làm vậy động cơ của tôi là gì? Tôi nói rõ là tôi muốn phản đối trạm thu phí BOT đó, trạm thu phí đó quá bất hợp lý và tôi cũng như các lái xe khác không đồng tình. Tôi không có ý gây cản trở giao thông hay làm theo ai xúi giục cả. Tuy nhiên, sau cuộc làm việc hôm đó, tôi đã không trả tiền lẻ thêm một lần nào nữa. Tôi nghĩ, mọi đúng sai của trạm BOT đó như thế nào đã có các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý”.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trạm thu phí Quốc lộ 5 (Hưng Yên) hiện vẫn có nhiều lái xe phản ứng bằng cách thanh toán tiền lẻ hoặc dừng đỗ lại khi qua trạm khiến quốc 5 bị tắc nghẽn.

Lái xe dùng tiền lẻ và dừng đỗ lại tại trạm thu phí dẫn đến tắc nghẽn trạm và quốc lộ 5. Ảnh tư liệu

Anh P.V.B trú tại Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) bức xúc: “Mỗi ngày qua trạm tôi mất hơn 100.000 đồng tiền phí như vâỵ một tháng tôi phải chi trả trên dưới 3 triệu đồng tiền phí qua trạm. Trong khi đó một năm tôi phải đóng 2.700.000 tiền phí bảo trì đường bộ mà nhà tôi chỉ ở khu vực này, công việc cũng chỉ loanh quanh ở đây, đóng một khoản phí lớn như vậy tôi thấy rất vô lý".

Anh P.V.B bày tỏ bức xúc.

Phân tích về phương diện pháp lý về động thái các lái xe sử dụng tiền lẻ và tiền xu để thanh toán khi qua trạm BOT, luật sư Ngô Văn Thắng – Văn phòng luật sư Đức Thuận cho biết: “Tài xế có quyền dùng bất cứ tiền mệnh giá nào để mua vé qua trạm, điều này luật cho phép. Việc cho tiền vào chai nhựa hay bịch nylon cũng không trái pháp luật, bởi đây là giao dịch dân sự (theo Điều 116, Bộ luật Dân sự). Nếu hành động trả tiền lẻ của tài xế bị cơ quan điều tra xác định có nhằm mục đích gây ách tắc giao thông thì họ có thể bị xử lý về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Tùy theo mức độ, hậu quả gây ra, tài xế sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng (theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP) hoặc phạt tù từ hai đến bảy năm (theo Điều 245 Bộ luật Hình sự)”.

Ngày 11/9, Công an tỉnh Hưng Yên chính thức lên tiếng cho hay trong 4 ngày (từ ngày 4 đến ngày 7/9), vào các buổi chiều mỗi ngày có hàng chục tài xế điều khiển ô tô con và ô tô tải cố tình gây ùn tắc để phản đối việc tăng phí.

Giấy triệu tập của các cơ quan công an khiến dư luận xôn xao trong thời gian qua.

Theo thông tin, Đại tá Đào Trọng Bằng, Trưởng Phòng Hình sự, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc lái xe trả tiền lẻ và hàng trăm người dân chặn xe tại trạm thu phí số 1, QL5 gây ách tắc giao thông vào chiều 4/9, lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo điều tra làm rõ yếu tố kích động, lôi kéo lái xe và người dân tham gia.

Phòng Cảnh sát Hình sự đã phối hợp với Công an huyện Văn Lâm và Văn Giang vào cuộc xác minh, điều tra các yếu tố cũng như đối tượng cầm đầu gây kích động, lôi kéo người dân chặn xe, lái xe trả tiền lẻ gây mất an toàn giao thông, mất an ninh trật tự. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục thu thập thông tin, chứng cứ. Nếu nhận thấy đủ căn cứ về việc có hành vi gây rối sẽ xử lý theo đúng luật định.

Đại tá Bằng khẳng định: “Việc lái xe dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm thu phí là việc cá nhân, cơ quan công an không điều tra. Chúng tôi chỉ điều tra có hay không đối tượng nào đó đứng sau kích động các tài xế trả tiền lẻ để cố ý gây rối vì mục đích khác. Phòng Hình sự chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan đến việc VIDIFI đề nghị công an làm rõ việc trả tiền lẻ qua trạm thu phí của lái xe hay hành vi chặn xe của người dân. Cơ quan Công an tỉnh Hưng Yên vào cuộc điều tra vì đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng an ninh quản lý địa bàn”.

Thông tin mới nhất, ngày 11/9, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính đề xuất miễn, giảm phí và di dời trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (nằm trên địa phận huyện Văn Lâm, Hưng Yên).

Quốc lộ 5 có chiều dài 100 km, được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6/1996 bằng nguồn ngân sách nhà nước. Hiện nay trên quốc lộ 5 có 2 trạm thu phí. Một trạm đặt tại Quán Toan, Hải Phòng và một trạm đặt tại Hưng Yên, cách nhau 70 km. Đây là tuyến giao thông quan trọng, trọng điểm của Hải Phòng – Hà Nội, hàng ngày lưu lượng xe tham gia rất đông, đặc biệt là các xe vận tải, container. Đây chính là nhóm xe đóng góp phí chủ yếu cho tuyến đường quốc lộ 5.

Trước khi có đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thì mức phí thu là 10.000 đồng/1 xe tiêu chuẩn/1 lần qua trạm. Cho đến khi bàn giao về cho Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (Vidifi – chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) thì mức phí đã được tăng lên 40.000 đồng. Điều đáng bàn ở đây là quốc lộ 5 không được nâng cấp, tu sửa, đường xuống cấp nhiều chỗ nhưng mức phí lại quá cao.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/giay-trieu-tap-va-su-am-uc-cua-cac-lai-xe-qua-tram-bot-p54031.html