Gibraltar thả tàu chở dầu Iran

Dữ liệu theo dõi hoạt động hàng hải Refinitiv cho thấy, tàu này đang hướng đến Kalamata ở Hy Lạp.

Dữ liệu theo dõi hoạt động hàng hải Refinitiv cho thấy, tàu này đang hướng đến Kalamata ở Hy Lạp.

Tàu chở dầu Grace 1, hiện đã đổi tên thành tàu Adrian Darya-1, rời Gibraltar trong đêm 18-8. Ảnh: REX

Tàu chở dầu Grace 1, hiện đã đổi tên thành tàu Adrian Darya-1, rời Gibraltar trong đêm 18-8. Ảnh: REX

Cuối cùng, trong động thái hạ nhiệt căng thẳng với Iran, chính quyền Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, quyết định thả tàu chở dầu tàu chở dầu Adrian Darya-1 (trước đây có tên là Grace 1), của quốc gia Hồi giáo.

Theo AFP, vào tối 18-8 (giờ địa phương), tàu chở dầu Adrian Darya-1 đã rời khỏi Gibraltar, sau khi chính quyền vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh này từ chối yêu cầu của Mỹ bắt giữ con tàu nói trên. Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad xác nhận tàu chở dầu của nước này đã rời khỏi lãnh hải Gibraltar sau hơn 1 tháng bị tạm giữ.

Iran cảnh báo Mỹ

Theo trang mạng giám sát Giao thông Hàng hải, siêu tàu chở dầu, bị bắt giữ từ ngày 4-7 ngoài khơi bờ biển Gibraltar, đã nhổ neo vào tối 18-8 và bắt đầu tiến xuống phía Nam. Dữ liệu theo dõi hoạt động hàng hải Refinitiv cho thấy, tàu này đang hướng đến Kalamata ở Hy Lạp.

Tàu này được thả sau khi Gibraltar ngày 18-8 đã từ chối một yêu cầu bắt giữ của Mỹ, đồng thời cho biết vùng lãnh thổ này không thể tuân theo bởi việc này do luật pháp Liên minh Châu Âu (EU) quy định. Một thông báo của chính quyền Gibraltar cho biết: “Chính quyền Trung ương không thể tuân theo chỉ thị được yêu cầu vì là kết quả từ hoạt động theo luật pháp EU và những khác biệt trong những cơ chế trừng phạt có thể được áp dụng với Iran tại EU và Mỹ. Cơ chế trừng phạt của EU nhằm vào Iran vốn có thể được áp dụng ở Gibraltar - hẹp hơn rất nhiều khi được áp dụng ở Mỹ”.

Trước đó, một tòa án liên bang ở Washington công bố lệnh bắt giữ tàu chở dầu nói trên vì lượng dầu mà tàu này chở có giá trị gần 1 triệu USD. Tuy nhiên, Tehran ngày 19-8 cảnh báo Washington không thực hiện mưu đồ khác nhằm bắt giữ tàu chở dầu của họ. Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói: “Iran đưa ra những lời cảnh báo cần thiết đến giới chức Mỹ thông qua các kênh chính thức... rằng, không được phạm sai lầm như vậy do việc này sẽ có các hậu quả nghiêm trọng”.

Iran có thả tàu của Anh?

Iran đã vướng vào cuộc tranh cãi căng thẳng với Anh, đồng minh của Mỹ kể từ khi Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 ở khu vực ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar hôm 4-7 do nghi tàu này đang vận chuyển dầu đến Syria vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.

Khoảng 2 tuần sau, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh trong vùng biển chiến lược, một động thái mà London gọi là “ăn miếng trả miếng”. Ngay sau khi Gibraltar ra lệnh thả tàu của Iran, câu hỏi đặt ra là liệu Tehran có phản ứng tương tự? Trong tuyên bố hôm 19-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết, tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Vương quốc Anh, vốn đã bị Tehran bắt giữ tại Eo biển Hormuz hồi tháng 7 với cáo buộc vi phạm các quy định hàng hải quốc tế, sẽ được thả nếu tòa án phán quyết như vậy.

Nhà chức trách Gibraltar và tòa án cho phép trả tự do cho con tàu này hôm 15-8. Phát biểu họp báo, ông Mousavi nêu rõ: “Để thả chiếc tàu chở dầu (Stena Impero) của Anh, quyết định của tòa án là điều kiện tiên quyết”. Ông nhấn mạnh, việc tạm giữ con tàu Stena Impero không liên quan gì đến vụ tàu chở dầu của Iran ở Gibraltar. Ông nói: “Chúng tôi đang đợi quyết định của tòa án. Nếu tòa án phán quyết như vậy, thì con tàu sẽ được thả”.

Theo AFP, trong quyết định ra lệnh thả tàu chở dầu, Gibraltar nói rằng, họ đã nhận được sự đảm bảo bằng văn bản từ Iran rằng, con tàu sẽ không hướng đến các quốc gia “chịu lệnh trừng phạt của EU”. Iran phủ nhận đã đưa ra bất kỳ lời hứa nào về điểm đến của con tàu để đảm bảo việc nó được thả tự do.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_211244_.aspx