'Gieo chữ' nơi rẻo cao Nam Trà My

Ở nơi xa xôi, nhiều cách trở như huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), thời gian qua, nhiều nữ giáo viên vẫn không ngừng nỗ lực, miệt mài bám trường, bám lớp để thực hiện sự nghiệp 'trồng người'.

PV Báo CAND tìm về Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vào một buổi sáng đầu tháng 3, trong cơn mưa rừng lất phất. Con đường từ trung tâm huyện Tắk Pỏ, Nam Trà My lên Trà Nam thêm phần trơn trượt, khó khăn. Sau hơn 30 phút di chuyển qua nhiều đèo dốc quanh co, trước mắt chúng tôi là ngôi trường nằm ở lưng chừng đồi, giữa bốn bề mây phủ.

Đang giờ ra chơi, tranh thủ trò chuyện cùng chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà (quê xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My) chia sẻ, ngày trước cô học tại Đại học Quảng Nam. Năm 2013, ra trường, cô lên công tác tại vùng cao Nam Trà My này. “Hiện lớp 1 do tôi chủ nhiệm có 29 học sinh thì có 28 em là người Xơ Đăng địa phương. Niềm vui lớn nhất của tôi là mỗi ngày được lên lớp, được dạy và dỗ các em, giúp các em ngày càng trưởng thành và có kết quả học tập tốt hơn”, cô Hà tâm sự.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà tận tình chỉ dạy cho các em học sinh.

Thông thường, học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa rất dễ bỏ học vào những ngày sau Tết Nguyên đán hoặc khi gia đình vào mùa thu hoạch lúa rẫy. Hiểu được điều này nên để đảm bảo sĩ số học sinh ra lớp, cô Hà thường xuyên liên lạc với phụ huynh để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Bên cạnh đó, mỗi em học sinh đều được cô Hà chăm sóc, dạy dỗ như là con, là cháu nên đã tạo được sự gần gũi, yêu thương từ các em.

“Tôi đã có 2 con nhỏ gồm cháu gái học lớp 5 và cháu trai 5 tuổi. Do phải công tác ở địa bàn xa xôi, cách trở nên tôi gửi 2 con cho người thân tại huyện Phú Ninh chăm sóc. Thường thì 2-3 tuần tôi mới về thăm con được một lần. Gần 10 năm công tác ở huyện Nam Trà My, với tôi, đây đã là quê hương thứ hai và trường, lớp đã gắn bó, thân thuộc như ngôi nhà tự bao giờ vậy”, cô Hà chia sẻ.

Trong số các nữ giáo viên đang bám trường, bám lớp giảng dạy tại huyện Nam Trà My, ngoài giáo viên từ đồng bằng lên như cô Hà còn có nhiều giáo viên khác là người đồng bào thiểu số. Sau khi nỗ lực học tập, thi đỗ đại học, tốt nghiệp ra trường, họ lại tìm về quê hương để tham gia sự nghiệp “trồng người”. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng vào năm 2021, cô giáo Hồ Thị Tô (trú xã Trà Don, huyện Nam Trà My, đồng bào Ca Dong) đã trở về quê Trà Don làm giáo viên hợp đồng.

Tháng 2/2023, cô chuyển đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam công tác. Dù còn đang là giáo viên hợp đồng, cuộc sống nhiều vất vả, song cô Tô vẫn rất yêu thích công việc của mình “vì được mang những kiến thức đã học truyền đạt lại cho các em học sinh đồng bào thiểu số địa phương, mong muốn các em trưởng thành và được học hành đến nơi đến chốn như mình”.

Còn cô giáo Hồ Thị Loan Thảo (trú xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, đồng bào Ca Dong) thì chia sẻ rằng, sau khi tốt nghiệp khoa Tiếng Anh - Đại học Ngoại ngữ Huế, cô Thảo về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam. Dù có công việc tốt, thu nhập ổn định, song với tình yêu thương trẻ em nơi quê nhà cháy bỏng, mong muốn được thực hiện ước mơ “gõ đầu trẻ” nên tháng 3/2022, cô Thảo đã tham gia đợt thi tuyển viên chức ngành Giáo dục. Sau khi trúng tuyển, cô được phân công về giảng dạy cấp Tiểu học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam.

“Thật sự không gì hạnh phúc bằng việc mỗi ngày được lên lớp, được truyền thụ kiến thức cho các em học sinh. Ở đây hầu hết học sinh là người đồng bào thiểu số, còn nhiều khó khăn, vất vả, song tôi cũng như tập thể sư phạm nhà trường sẽ luôn phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “gieo chữ”, để mỗi ngày các em đến trường thực sự là một ngày vui”, cô Thảo bày tỏ.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My, các cô giáo đang công tác ở địa phương, dù là giáo viên biên chế hay hợp đồng, dù giáo viên miền xuôi lên hay giáo viên người địa phương đều rất gắn bó với công việc, tận tụy với học sinh. Riêng số giáo viên trẻ đang là giáo viên hợp đồng ở một số trường (chủ yếu là bậc mầm non, tiểu học), chờ đợt thi tuyển viên chức thì đa số là người đồng bào địa phương, sẵn sàng đi vào các thôn, nóc để bám trường, bám lớp thực hiện dạy tốt, học tốt. Nhờ vào lực lượng giáo viên hợp đồng này đã giải quyết được bài toán thiếu giáo viên tại huyện Nam Trà My thời gian gần đây.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/gieo-chu-noi-reo-cao-nam-tra-my-i685716/