'Gieo chữ' trên đỉnh đèo mây phủ

Gần một năm nay, trên hai bản vùng cao xa xôi nhất của xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, vào các buổi tối, có rất nhiều học viên là người dân tộc Mông ở các bản vùng cao của xã, trong đó, nhiều người đã làm cha, làm mẹ vẫn nhiệt tình rủ nhau đi học các lớp xóa mù chữ do thầy giáo mang quân hàm xanh đứng lớp. Không chỉ chắc tay súng bảo vệ từng đất biên cương của Tổ quốc thân yêu, các chiến sĩ quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Mường Lạn còn tình nguyện cắm bản, bằng tâm huyết của mình lặng thầm mang những con chữ đến với đồng bào các dân tộc thiểu số trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.

Lớp học xóa mù chữ của Thiếu úy Vàng Lao Lừ tại bản Co Muông. Ảnh: Thanh Thuận

Lớp học ở bản “năm không”

Đầu mùa đông, đất trời, Tây Bắc như được khoác lên mình tấm áo vàng rực của màu lúa chín. Tôi thực hiện chuyến công tác lên Đồn Biên phòng Mường Lạn (BĐBP Sơn La) trong cái se se lạnh thấm vào lòng người. Khi nghe Ðồn trưởng Phạm Thái Hòa nhắc đến hai lớp xóa mù chữ do cán bộ của dồn đứng lớp tại hai bản vùng cao xa xôi nhất của xã Mường Lạn, được mệnh danh là hai bản “năm không” (không điện lưới, không đường, không trường, không trạm y tế, không chợ), tôi đã ngỏ ý muốn được “mục sở thị” hai lớp học ấy.

Từ trung tâm xã Mường Lạn, chúng tôi chạy xe máy lên bản Nặm Lạn để đến với lớp học xóa mù chữ của Trung úy Lò Văn Thoại. Thời tiết vùng cao mùa này mới 5 giờ rưỡi chiều mà trời đã tối sầm. Từ trung tâm xã lên bản Nặm Lạn khoảng 20km. Đường vào bản là đường đất hẹp, lổn nhổn đá, trong đó có những đoạn có độ dốc cao, người yếu tay lái không dám đi xe máy trên đường này.

Sau hơn một tiếng đồng hồ, Nặm Lạn cũng hiện ra trước mắt tôi. Bản nhỏ nằm chênh vênh giữa mây trời Tây Bắc. Bản có 38 hộ/224 nhân khẩu trong đó 100% là đồng bào dân tộc Mông định cư. Hiện, bản chưa có điện lưới, nước sinh hoạt phải dẫn từ khe suối, nhưng không phải lúc nào cũng đủ dùng mà tùy theo thời tiết. Cuộc sống gian khó của bà con như nhuốm vào cây cỏ, theo năm tháng vun đầy trên từng dãy núi chon von ở độ cao 1.200m so với mực nước biển.

Cả không gian mịt mùng chỉ có một lớp học duy nhất sáng đèn. Lớp học được làm bằng gỗ, lợp ngói phi-brô xi măng. Bên trong lớp, ánh sáng điện phát ra từ chiếc bóng điện công suất nhỏ có được từ dàn năng lượng mặt trời, soi rõ những gương mặt người đang chăm chú đọc theo thầy. Thầy giáo đứng lớp mang quân phục xanh màu lá, được các học viên gọi bằng ba tiếng thân thương - thầy giáo Thoại.

Trung úy Lò Văn Thoại vốn là người dân tộc Lào nhưng đã học và nói thành thạo tiếng Mông từ khi trở thành cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn. Cũng nhờ biết tiếng địa phương mà học viên hiểu được nhiều hơn “cái chữ”, “cái bụng” của thầy giáo sau mỗi buổi dạy. Sau nhiều lần trở lại Nặm Lạn nắm tình hình, thấy tỷ lệ mù chữ và tái mù cao, Trung úy Thoại đã đề xuất, tham mưu với Ban lãnh đạo đơn vị mở lớp xóa mù chữ cho dân bản. Đến tháng 1-2017, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Sốp Cộp khai giảng, đồng thời mở hai lớp xóa mù chữ cho người dân tại bản Nặm Lạn và Co Muông do hai cán bộ của đơn vị đứng lớp.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Lò Văn Thoại cho biết, lớp học vốn là nhà văn hóa của bản. Lớp có 20 học viên, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, có người đã làm cha, làm mẹ của mấy đứa con vẫn đến lớp mỗi tối với ước mơ được biết chữ.

“Bản rộng, địa hình cheo leo, dân cư phân tán lại không có điện nên nhiều học viên phải đi khá xa, vất vả mới đến được lớp học”. Trung úy Thoại cho biết. Theo Thoại, để có được những học viên đến lớp, anh đã phải mất thời gian đến từng nhà vận động bà con. Ban đầu, do nhận thức còn hạn chế, các bậc phụ huynh không cho con đi học mà chỉ muốn con đi làm nương rẫy. Khi thấy anh đến, nhiều người còn lẩn trốn. “Bà con nói rằng, cái tay đã quen cầm cuốc, cầm xẻng rồi, không hợp cầm bút đâu. Ngại đi học lắm. Do đó, lớp học được chọn mở vào buổi tối để bà con có điều kiện đi học”- Trung úy Thoại chia sẻ.

Không chỉ dạy mà còn phải “dỗ”

Rời bản Nặm Lạn, chúng tôi đến với lớp học xóa mù của Thiếu úy Vàng Lao Lừ tại bản Co Muông, cách bản Nặm Lạn khoảng 15km trong cơn mưa dai dẳng mãi không dứt. Con đường đất gặp mưa lầy lội, trơn trượt, nhiều chỗ dốc khiến chúng tôi phải đi bộ. Do không quen đường nên tôi bị trượt ngã, bẩn hết áo quần. Khi gần đến lớp học, khó khăn lắm, chúng tôi mới lên được lớp vì đường dốc trơn trượt, phải đẩy xe máy lên cao là một thử thách không nhỏ. Sau, phải có sự hỗ trợ của Thiếu úy Vàng Lao Lừ vốn đã quen với đường đèo dốc trơn trượt, đoàn chúng tôi mới lên được lớp học xóa mù chữ.

Trung úy Lò Văn Thoại dạy các học viên học môn Tiếng Việt tại lớp học ở bản Nặm Lạn. Ảnh: Thanh Thuận

Giữa heo hút của núi rừng, lớp học được làm từ ván ghép, dựng ngay đầu bản Co Muông. Ban ngày, lớp được dành để dạy các em tiểu học. Ban đêm là địa điểm dạy xóa mù. Phòng ở của thầy giáo “cắm bản” Vàng Lao Lừ được làm liền kề với lớp học. Căn phòng được phủ kín bởi bạt ni lông để che những cơn gió rét và hơi lạnh của mùa đông sơn cước.Trong phòng chẳng có đồ đạc gì đáng giá, chỉ có chiếc giường kê tạm từ những miếng gỗ ghép lại, cái bàn cũ để thầy giáo ngồi soạn giáo án. Một chiếc bếp gas được đặt để nấu ăn luôn trong phòng.

Thiếu úy Vàng Lao Lừ là người dân tộc Mông, quê ở huyện Yên Châu, Sơn La. Đã bước sang tuổi 28, nhưng do vóc người nhỏ nhắn nên trông Lừ trẻ hơn so với tuổi. Khi đi làm công tác tuyên truyền cho dân bản, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con mong muốn được học chữ, xã lại thiếu giáo viên nên Vàng Lao Lừ đã xung phong lên điểm Co Muông, vừa làm công tác an ninh, vừa là “giáo viên dạy cho dân chữ”.

Ban ngày, anh tăng gia trồng rau, nuôi gà, vịt, buổi tối đứng lớp dạy xóa mù chữ. Chỉ ngày thứ Hai, Lừ có mặt sinh hoạt ở đơn vị ngoài xã Mường Lạn. Thiếu úy Lừ tâm sự: “Bản chưa có điện, đường sá vất vả nên đời sống, sinh hoạt của đồng bào gặp nhiều khó khăn. Có lên đây, ăn ở với dân, sống với học viên mới thấu hết được những cảnh khốn khổ của đồng bào các dân tộc vùng cao. Với mảnh đất cần gì thiếu nấy này chẳng phải giáo viên nào cũng chịu được”.

Anh Giàng A Chinh bộc bạch: "Mình đã ngoài 30 tuổi rồi, đi học cũng ngại lắm. Cách đây 7 năm, mình cũng từng học một khóa xóa mù, sau một thời gian không học đến là quên hết. Nay được thầy giáo là BĐBP đến tuyên truyền, mình thấy cần phải học chữ để đỡ xấu hổ khi giao tiếp bên ngoài. Hiện nay, mình đã học được phép tính cộng, trừ, nhân, chia và có thể đọc được văn bản thành thạo”.

Sau một ngày lao động mệt nhọc ngoài nương rẫy và ăn xong bữa cơm tối, đúng 7 giờ, những người phụ nữ, đàn ông dân tộc Mông kéo nhau tới lớp học xóa mù chữ của Thiếu úy Vàng Lao Lừ. Do bản Co Muông chưa có điện lưới quốc gia nên người nào đi học cũng phải đeo một chiếc đèn pin trên trán như thợ mỏ soi đường. Mặc dù con đường trong bản lầy lội bùn đất do những ngày mưa kéo dài, nhưng các học viên vẫn đến lớp đầy đủ. Cái nắng, cái mưa của vùng cao không làm khó được bước chân của các học viên trên hành trình đến với con chữ. Em Sồng Thị Hạ cho biết: “Đi học buổi tối vất vả nhất là những hôm mưa vì đường trơn trượt, có khi em và các bạn bị ngã đau lắm. Nhưng được đến lớp, được đi học cùng các bạn là em thấy vui rồi nên không thấy mệt nữa”.

Trong lớp, học viên lớn tuổi nhất cũng bước sang tuổi 39, học viên nhỏ tuổi nhất mới 13 tuổi, nhưng ai cũng vui vẻ, thoải mái. Những gương mặt non nớt có, chững chạc có, cặm cụi uốn từng nét chữ cho thẳng, cố gắng phát âm từng con chữ cho rõ... là những nét đặc trưng của lớp học xóa mù nơi đây. Em Giàng Thị So (sinh năm 2002) cho biết: “Em được học hết lớp hai thì gia đình không cho đi học nữa, phải ở nhà đi làm nương. Khi lớp của thầy Lừ mở ra, em rất vui vì được tiếp tục đi học, cũng nhớ lại được mặt chữ, đánh vần đọc không còn khó khăn nữa”.

Thiếu úy Vàng Lao Lừ còn cho hay, để học viên đến lớp, ngoài việc thường xuyên đến từng gia đình vận động, đôi khi anh còn phải “xuống nước” dỗ dành học viên không bỏ học giữa chừng. Tại lớp học xóa mù đó, tôi đã từng chứng kiến một học viên do mâu thuẫn với bạn cùng lớp đã trả sách vở, giấy bút cho thầy giáo và cho biết sẽ bỏ học. Sau đó, thầy giáo Vàng Lao Lừ đã phải bỏ công thuyết phục học viên này mới chịu đi học trở lại.

Chia tay đỉnh đèo Co Muông trên con đường gập ghềnh cheo leo giữa heo hút đại ngàn, chúng tôi hiểu rằng, con đường đi tìm cái chữ của người Mông ở Co Muông và Nặm Lạn sẽ còn nhiều gian nan. Nhưng chúng tôi tin rằng, tương lai không xa, nơi đây sẽ đổi thay tích cực khi những học viên cùng những con chữ được các thầy giáo mang quân hàm xanh ươm mầm từ hôm nay sẽ lớn lên, phát huy tốt trong đời sống bản làng.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gieo-chu-tren-dinh-deo-may-phu/