Gieo chữ vùng biên

Mường Lát là huyện biên giới phía Tây Thanh Hóa, dẫu còn nhiều gian khó, thiếu thốn, song tình yêu trẻ, yêu nghề đã giúp những cô giáo Trường Tiểu học Tây Tiến (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) vượt lên mọi khó khăn để cùng các em học sinh vững bước trên hành trình mang cái chữ về với bản làng…

Cô Quách Thị Chi cùng các em học sinh điểm trường Sài Khao

Cô Quách Thị Chi cùng các em học sinh điểm trường Sài Khao

Mỗi ngày dạy một điểm trường

Nằm trên khu vực núi đồi hiểm trở, ở độ cao hơn nghìn mét so với mực nước biển, bản Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) luôn để lại ấn tượng với bất kỳ ai khi đặt chân đến vùng đất này. Để ươm mầm ước mơ cho học trò vùng cao, những thầy cô giáo nơi đây đang từng ngày bền trí, nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thử thách để cắm bản, bám trường hoàn thành nhiệm vụ gieo con chữ nơi vùng cao đại ngàn.

9 năm gắn bó với Trường Tiểu học Tây Tiến, cô Quách Thị Chi, sinh năm 1981, (quê ở Thạch Thành) tốt nghiệp Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa, cô tình nguyện lên vùng cao dạy học. Lúc mới nhận quyết định, cô hào hứng bởi tuổi trẻ với nhiều hoài bão, được trải nghiệm với những khó khăn vất vả nơi vùng cao. Nhưng cuộc sống vùng cao không hề giống như trong tưởng tượng của cô. Không có thông tin liên lạc, những đêm cô quạnh giữa rừng sâu, không ánh điện khiến cô giáo trẻ không khỏi chạnh lòng.

Từ nhà đến trường gần 200km, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Những năm đầu mới nhận công tác, một năm cô mới về nhà vài ba lần. Thế nhưng, sau những ngày tháng khó khăn ban đầu, cô dần gắn bó với trẻ, yêu thương và thích nghi dần với người dân bản Xi Lô.

Trường Tiểu học Tây Tiến có 7 điểm trường gồm khu Chà Lan, Chiềng Nưa, Xi Lô, Trung Tiến 1, Suối Ủn, Trung Thắng, Sài Khao. Từ điểm trường chính nằm ở bản Xi Lô đến các điểm trường xa nhất như Trung Thắng, Sài Khao khoảng 13 km. Vì dạy môn Mỹ thuật nên cô Chi phải đi dạy khắp các điểm trường. Mỗi ngày cô dạy ở một điểm trường. Trước đây đường sá đi lại khó khăn, cô thường xuyên phải đi bộ hàng chục km đường rừng đến với các điểm trường dạy học.

Năm 2010, cô lập gia đình. Cuộc sống giáo viên nơi vùng cao càng trở nên khó khăn gấp bội. Sinh con được 7 tháng tuổi, cô phải cai sữa để con ở quê cho ông bà nội chăm sóc. “Ở nơi vùng cao này, khí hậu khắc nghiệp lắm! Vào những ngày mùa đông, nhiệt độ luôn dưới 10 độ C, những ngày rét đậm rét hại, nhiệt độ xuống thấp dưới âm 2 độ C. Đưa con gái lên cùng mẹ, bé không chịu được rét nên bị ốm suốt, thế nên đành gửi con dưới xuôi”, cô Chi tâm sự.

Nhớ lại những năm mới lên đây công tác, đường đi toàn đèo dốc nên 3 - 4 tháng cô Chi mới về thăm gia đình. Mỗi lần về, thường tranh thủ đèo thêm cá khô, mắm muối, thuốc men để dùng cho khoảng thời gian dài cắm bản. Có lần cuối tuần ra bắt xe về quê, nhưng không có xe về xuôi, cô giáo lại ngậm ngùi quay lại trường. Nỗi nhớ con hằng đêm cứ gặm nhấm người mẹ trẻ. Rồi sinh bé thứ 2 đến nay được 3 tuổi, cô cũng gửi lại ông bà nội lên dạy học vùng cao.

Cô Chi cho hay, khó khăn nhất của giáo viên cắm bản nơi đây là giao tiếp với bà con và học trò. Phải lên lớp 2, lớp 3 các em mới bập bẹ tiếng phổ thông, còn lớp 1, đôi khi thầy phải dùng ký hiệu hoặc dụng cụ trực quan tự chế để giảng bài. Mùa đông ở Mường Lát thường rất lạnh và kéo dài. Vì vậy, những ngày mưa rét buốt, số học sinh nghỉ học nhiều hơn, các thầy luôn là người thường xuyên đôn đốc, đến tận nhà để động viên các em đến trường.

Thầm lặng “gieo” từng con chữ

Nhà ở của các thầy cô giáo điểm trường Sài Khao

Phần lớn các thầy giáo, cô giáo nơi đây đều chung cảnh xa nhà, vài ba tháng mới về thăm vợ, thăm chồng, thăm con được một lần. Không được sớm hôm cùng nhau gánh vác việc gia đình, thông tin liên lạc cũng rất ít, tình cảm vợ chồng của những giáo viên vùng cao này chỉ có thể được vun đắp bằng niềm tin tưởng, lạc quan và sự cảm thông.

Cô Trần Thị Phượng, người gắn bó với Trường Tiểu học Tây Tiến 11 năm tâm sự: Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Thanh Hóa, cô về dạy hợp đồng tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Năm 2007, khi tỉnh có chế độ biên chế cho giáo viên vùng cao, cô tình nguyên lên Mường Lát dạy học.

Ngày trước, đây là vùng biên giới nghèo, hẻo lánh, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, điều kiện đi lại rất khó khăn, các con đường chỉ toàn đá đỏ, mịt mù bụi khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa. Căn nhà ở của các thầy cô giáo cắm bản chỉ là những mảnh ván ghép, trời lạnh gió lùa qua khe. Thế nhưng, các thầy cô giáo của trường quyết tâm bám trụ, tận tụy với nghề “đưa đò” và biết bao thế hệ học trò trưởng thành từ ngôi trường này.

Ở vùng cao này, bao năm rồi mùa khô thiếu nước, không có điện, không có sóng điện thoại liên lạc với gia đình. Muốn gọi điện về nhà các cô phải đi 12 km ra bưu điện thị trấn. Giờ đây, điểm trường vùng cao đã có nhiều đổi khác. Đầu năm 2018, trường đã có điện lưới quốc gia cách đây 2 tháng sóng điện thoại cũng đã đến các điểm trường, các cô dễ dàng liên hệ về gia đình.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc học tiếng phổ thông của học sinh nơi đây, cô giáo Trần Thị Phượng khẽ thở dài: “Đó quả là công việc gian nan. Bất đồng ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất. Có những buổi học, tôi cố gắng giảng chậm, giảng đi giảng lại nhiều lần nhưng học trò vẫn ngồi ngơ ngác không hiểu được bài. Đôi khi, sự bất lực khiến tôi buồn, bỏ ra ngoài đứng một mình. Thế rồi, nhìn những đứa trẻ lem luốc, quần áo tả tơi đang đánh vật với từng con chữ, lòng tôi quặn thắt”.

Khu nhà ở của thầy cô giáo điểm trường Suối Ủn (Trường Tiểu học Tây Tiến)

Nhiều năm qua, việc dạy và học nơi biên giới hết sức gian nan từ việc ăn, ở, đi lại của giáo viên đến việc vận động các em ra lớp, chuẩn bị giáo án và truyền đạt kiến thức, phòng học, trang thiết bị... đều hạn chế. Để mang được con chữ đến với các em, các cô giáo của trường phải vất vả sớm hôm, cần mẫn trên bục giảng để dạy các em đánh vần từng chữ một.

Khi được hỏi về mong ước, cô Phượng tâm sự: Dẫu rằng, trước khi lên với bản, với trường, các cô, các thầy vẫn nuôi hi vọng, rồi sẽ sớm được luân chuyển về xuôi. Tuy nhiên, khó khăn của ngành, của cơ chế, các thầy cô giáo nơi đây vẫn không quản nhọc nhằn, nỗ lực để đem hết nhiệt huyết, tri thức của bản thân nhằm giúp các em tiếp xúc với con chữ, với mong muốn giản dị sau này các em có thể thay đổi cuộc sống, có một tương lai tốt hơn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gieo-chu-vung-bien-3965156-b.html