Gieo mầm tình yêu thiên nhiên cho con trẻ

Trái đất là mẹ thiên nhiên nuôi dưỡng muôn loài. Ngày nay, hệ sinh thái tự nhiên đang bị đe dọa bởi các tác động của con người. Ngày Trái đất sắp đến gần, cha mẹ hãy gieo mầm tình yêu thiên nhiên tới con mình từ những hành động nhỏ nhất.

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Tạo cơ hội giúp con khám phá nhiều điều mới lạ bên ngoài
Giới thiệu cho con các loài vật khác
Hãy để con cảm nhận được tình yêu từ thiên nhiên
Sẽ thật tuyệt vời khi con có bạn đồng hành
Khi con đã sẵn sàng, hãy giúp con tìm cách bảo tồn không gian tự nhiên

Tiến sĩ Stanley Temple, một nhà bảo tồn thiên nhiên và cũng là Giáo sư sinh thái học động vật hoang dã tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) chia sẻ, vào năm 1954 khi mới 8 tuổi, ông đã bắt đầu tham gia các chuyến đi thực địa của Hiệp hội Audubon ở Washington DC.

Tại đây, ông đã có cơ hội kết bạn với cô Carson, nhà động vật học đã làm nên lịch sử với cuốn sách nói về sự nguy hiểm của thuốc trừ sâu DDT có tựa đề “Mùa xuân vắng lặng”.

Tiến sĩ Temple cho biết, cô Carson đối xử với ông nghiêm túc như một người yêu mến loài chim. Ông nói: “Hầu hết các nhà tự nhiên học mà tôi biết đều muốn dạy tôi cách xác định mọi thứ, nhưng cô ấy lại dạy tôi cách dừng lại và nhìn xung quanh”.

Theo các nhà bảo tồn, ngày nay nhu cầu con người cùng tồn tại với các loài khác thậm chí còn rõ ràng hơn so với thời kỳ trong cuốn "Silent Spring" (tạm dịch: "Mùa xuân vắng lặng"). Đại dịch Covid-19 chính là một lời nhắc nhở cho việc loài người phải gắn liền với các loài khác.

Theo báo cáo đánh giá về sự Đa dạng Sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái toàn cầu (Báo cáo của IPBES) được công bố tại Paris (Pháp) năm 2019, ước tính có khoảng một triệu loài thực vật và động vật hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Báo cáo này được biên soạn bởi hàng trăm chuyên gia quốc tế dựa trên hàng nghìn các nghiên cứu khoa học và đã được chấp thuận bởi hơn 130 quốc gia.

Và để đạt được sự cân bằng sinh thái, các phong trào bảo tồn đã khuyến khích việc chăm sóc cho tất cả các loài. Cô Michelle Nijhuis, nhà báo khoa học người Mỹ, tác giả của một cuốn sách về lịch sử bảo tồn có tựa đề “Beloved Beasts” (tạm dịch "Yêu thú") chia sẻ, lời khuyên tốt nhất để đạt được sự cân bằng thường đến từ chính những câu chuyện trong cuộc đời của các nhà tự nhiên học.

Cha mẹ hãy khuyến khích con vui chơi, khám phá bên ngoài, tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên (Ảnh: Pinterest).

Dưới đây là một số lời khuyên từ các nhà tự nhiên học dành cho cha mẹ để giúp con gần gũi và yêu thiên nhiên.

Tạo cơ hội giúp con khám phá nhiều điều mới lạ bên ngoài

Các bậc cha mẹ thường được khuyên về việc giảm thời gian xem màn hình của con và khuyến khích con chơi ngoài trời nhiều hơn. Nhưng cha mẹ hãy nhớ rằng, bất kể một khoảnh khắc đời thường nào cũng có thể truyền cảm hứng suốt đời cho con về tinh thần bảo tồn thiên nhiên.

Julian Huxley, nhà sinh vật học người Anh kể lại trong hồi ký rằng, vào năm 1891 khi ông chỉ mới 4 tuổi, một con cóc mắt híp đã khiến ông ngạc nhiên lúc nó nhảy ra khỏi hàng rào gần đó. Ông viết: “Con cóc đó đã giúp tôi xác định sự nghiệp với tư cách là một nhà tự nhiên học”.

Hơn 7 thập kỷ sau, Tiến sĩ Scott Sampson, Giám đốc điều hành tương lai của Viện Hàn lâm Khoa học California cho biết, ông cũng có ấn tượng tương tự vào lúc 4-5 tuổi khi bước vào một cái ao ở thành phố Vancouver thuộc tỉnh bang British Columbia (Canada), và nhìn thấy những con nòng nọc bơi quanh ủng cao su của mình.

Trong cuốn sách “Làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ hoang dã”, Tiến sĩ Sampson viết: “Có lẽ lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy một cảm giác hòa hợp sâu sắc đến thế với thiên nhiên”.

Những điều kỳ diệu không thể được viết sẵn trong sách, do đó cha mẹ nên khuyến khích con mình “dừng lại và quan sát” khi ở ngoài trời hay bất kể ở đâu. Video về các loài vật quen thuộc làm những điều phi thường như quạ trượt xe trên mái nhà đô thị, nấm mọc ra từ rác trong rừng, nòng nọc di cư qua hồ,... đều giúp con khơi dậy sự tìm tòi, học hỏi về những điều mới lạ đầy ngạc nhiên.

Giới thiệu cho con các loài vật khác

Cha mẹ không cần phải là những nhà tự nhiên học chuyên nghiệp để khơi dậy ham muốn học hỏi của con đối với các loài vật khác.

J. Drew Lanham, nhà sinh thái học động vật hoang dã tại Đại học Clemson (Mỹ) cho biết, ông rất thích việc học về các loài chim địa phương bằng các biệt danh mà ngày nhỏ bà ngoại ông đã dạy như chim đỏ, ong chiến binh, quạ mưa,…

Ông viết trong cuốn hồi ký “The Home Place” rằng: “Lúc đầu, danh tính của những loài này không thực sự quan trọng đối với tôi. Mãi về sau, tôi mới tham gia một hướng dẫn thực địa về các loài chim ở Mỹ”.

Trong một bài luận được xuất bản năm 1954, cô Rachel Carson cũng đã mô tả chuyến đi thực địa với Tiến sĩ Temple ngày còn bé. Cô chỉ đơn giản gọi sự chú ý của Tiến sĩ Temple là “cái này hay cái kia”. Cô cho hay, Tiến sĩ Temple lúc này đã học cách nhận ra các loại cây khác nhau rất nhanh, và đặt tên cho những thứ ông yêu thích.

Cô Carson chia sẻ: “Tôi chắc rằng, không có một bài tập nào có thể giúp trẻ ghi nhớ tên của các loài cây một cách chắc chắn như là việc cùng bạn mình đi xuyên qua khu rừng trong một chuyến thám hiểm thú vị”.

Đối với các gia đình muốn học cùng nhau, cha mẹ cũng có thể tham khảo ứng dụng Seek by iNaturalist (một ứng dụng thân thiện với trẻ em do iNaturalist phát triển, sử dụng tính năng nhận dạng hình ảnh để xác định các loài động vật, thực vật và nấm từ ảnh chụp trên điện thoại thông minh).

Hãy để con cảm nhận được tình yêu từ thiên nhiên

Nhiều nhà bảo tồn phát hiện ra, thực vật và động vật có thể là nguồn an ủi khi con người gặp phải khó khăn.

Rosalie Edge, người đã chiến đấu để bảo vệ diều hâu và đại bàng trong những năm 1920 và 1930 cho biết, cô đã bắt đầu quan sát những chú chim ở công viên sau cuộc hôn nhân đổ vỡ năm 1921. Cô cho biết, cảnh tượng những chú chim bay như là một niềm an ủi trong nỗi buồn và sự cô đơn, hoặc mang lại sự bình yên cho những ai đang bị nỗi đau bao trùm.

Tác giả của cuốn sách “World of Wonders”, nhà thơ Aimee Nezhukumatathil kể lại rằng, khi lớn lên ở thành phố Phoenix (Mỹ) với nhiều cảnh báo về “sự nguy hiểm của người lạ” vào những năm 1980, cô cảm thấy như thể những cây xương rồng Saguaro cao trong khu phố đang dõi theo và bảo vệ cô cùng những người bạn.

Tiến sĩ Sampson cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, mỗi người trong chúng ta dù là người lớn, thanh thiếu niên hay trẻ em đều đã trải qua một số chấn thương hoặc đau khổ. Tất cả chúng ta đều cần được chữa lành những vết thương, và một trong những cách dễ nhất để làm điều đó là bước ra ngoài”.

Sẽ thật tuyệt vời khi con có bạn đồng hành

Bảo tồn chính là giữ gìn mối quan hệ giữa các loài với nhau, giữa các loài và môi trường sống của chúng, và cả giữa các loài với con người. Vì vậy, các nhà bảo tồn thường cùng bạn bè và người thân học cách chăm sóc thực vật, động vật và môi trường sống.

Emmanuel Frimpong, Giáo sư tại Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ), người chuyên nghiên cứu về hệ sinh thái và bảo tồn loài cá nước ngọt cho biết, ông bắt đầu thích các con suối kể từ thời thơ ấu ở Ghana khi thường theo cha và các chú của mình đi bộ đến những nơi này để khám phá ra nhiều loài cá.

Nhà sinh thái học Michael Soulé, người đã sáng lập nên lĩnh vực sinh học bảo tồn cũng dành phần lớn thời niên thiếu của mình để rong ruổi trên sa mạc Nam California với những người bạn cùng tham gia trong chương trình Nhà tự nhiên học cấp cơ sở tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên San Diego.

Khi con khám phá thiên nhiên, cha mẹ nên mời bạn bè của con đi cùng. Hãy để những đứa trẻ dạo chơi cùng nhau. Hãy để con có bạn đồng hành cùng khám phá ra nhiều điều mới lạ từ môi trường sống bên ngoài.

Khi con đã sẵn sàng, hãy giúp con tìm cách bảo tồn không gian tự nhiên

Nhiều ý kiến cho rằng, nên tránh giảng cho trẻ em về biến đổi khí hậu và sự tuyệt chủng, đặc biệt là những năm tháng đầu đời của trẻ. David Sobel, một nhà giáo dục môi trường đề nghị phụ huynh và giáo viên sử dụng quy tắc “không có bi kịch trước lớp 4” như một quy tắc chung.

Tuy nhiên, Louise Chawla, một nhà nghiên cứu về sự gắn kết của giới trẻ với thiên nhiên tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ) đã chỉ ra rằng, trong xã hội tràn ngập phương tiện truyền thông này, ngay cả trẻ nhỏ cũng nghe được nhiều điều về tác động của biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng môi trường khác.

Vì vậy, khi trẻ bày tỏ mong muốn làm điều gì đó để giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng đối với các loài và môi trường sống, hãy khuyến khích trẻ nhìn xa hơn các hành động ở cấp độ cá nhân hoặc hộ gia đình như tái chế hoặc làm vườn (càng có giá trị càng tốt).

Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể bắt đầu mối quan hệ với các loài khác. Trẻ có thể học cách quan sát và lắng nghe kỹ lưỡng, đồng thời nhìn thấy điều phi thường trong những thứ quen thuộc.

Bất kể con đường tương lai của con bạn là gì, phần thưởng có thể rất phong phú. Tác giả Carson viết: “Giữa những vẻ đẹp và bí ẩn của Trái đất, chúng ta không bao giờ cô đơn hay mệt mỏi trong cuộc sống này”.

Phạm Hương

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/gieo-mam-tinh-yeu-thien-nhien-cho-con-tre-d2061.html