Gieo tình yêu di sản

Chương trình giáo dục di sản văn hóa trong trường học góp phần 'mềm hóa' lịch sử, khơi dậy tình yêu di sản của các em học sinh trên chính quê hương mình.

Mô hình di tích từ vật liệu tái chế và tranh vẽ thu hoạch của các em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà

Mô hình di tích từ vật liệu tái chế và tranh vẽ thu hoạch của các em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà

Chương trình giáo dục di sản văn hóa trong trường học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đã góp phần khơi dậy tình yêu di sản tới các em học sinh trên chính quê hương mình.

"Mềm hóa" lịch sử

Trong buổi tổng kết chương trình giáo dục di sản (GDDS) trong nhà trường năm 2020 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức tại Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà vừa qua, ai có mặt cũng ấn tượng với tiết mục trình diễn rối nước “Tễu giáo đầu” do em Trần Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 5C biểu diễn. Chất giọng đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn rối nước vang lên, thu hút mọi ánh nhìn, nếu không xem trực tiếp, thật khó mà tin đó là tiết mục của cô bé 11 tuổi. Đây cũng chính là một trong những kết quả mà chương trình GDDS mang lại. Ngọc Ánh chia sẻ, sau khi đến thăm di tích lịch sử và xem múa rối nước, được bác nghệ nhân hướng dẫn tập các tiết mục, em rất thích nên đã tập luyện để biểu diễn cho mọi người xem. “Em mong sẽ được đi thăm nhiều nơi thú vị như vậy nữa”, Ánh nói.

Trong tháng 10.2020, hơn 800 học sinh Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà được tham gia chương trình GDDS. Với sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn Sở VHTTDL, nhà trường đã triển khai chương trình cho toàn bộ các khối lớp thông qua nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn. Học sinh lớp 1, lớp 2 được tham gia trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi. Học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 được tham quan, trải nghiệm tại di tích chùa Minh Khánh và phường múa rối nước Thanh Hải. Sau khi tham quan, các em được hướng dẫn cách nặn tượng, vẽ tranh theo chủ đề về di tích lịch sử, viết cảm nhận và làm mô hình di tích từ các vật liệu tái chế. Kết quả, trong buổi tổng kết đã có hàng chục bài viết thu hoạch, tranh vẽ và mô hình hay, ấn tượng từ các em học sinh.

Cô Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà đánh giá đây là chương trình thực sự hữu ích, giáo viên được cung cấp thêm tài liệu về di sản văn hóa cụ thể ở địa phương, giúp việc đưa thông tin để tích hợp vào các môn học sẽ dễ dàng hơn. “Thời gian tới nhà trường sẽ triển khai sâu hơn nữa, lồng ghép nội dung GDDS phù hợp vào các môn học khác, đặc biệt là môn giáo dục kỹ năng sống”, cô Chính nói.

Chương trình GDDS văn hóa trong nhà trường được Sở VHTTDL triển khai từ năm 2015. Đến nay đã có khoảng 3.000 học sinh ở các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Thanh Hà và TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn được trải nghiệm. Cái hay của chương trình ở chỗ không chỉ lý thuyết mà các em còn được tham gia trải nghiệm thực tế thông qua việc tìm hiểu về các di tích lịch sử nổi tiếng chính tại địa phương mình. Kết thúc mỗi chuyến tham quan thực tế, các em phải trao đổi, thảo luận để viết bài thu hoạch, vẽ tranh hay kể chuyện về cảm nhận, suy nghĩ của bản thân về chuyến đi. Điều này tăng tính tương tác và phát hiện của học sinh. Những bài học lịch sử về di tích, di sản vì thế cũng dễ tiếp nhận, vừa trang bị cho các em kiến thức, vừa giúp học sinh có cơ hội để phát huy sự sáng tạo qua các sản phẩm thu hoạch.

Các em học sinh Trường Tiểu học xã Nghĩa An (Ninh Giang) thuyết minh về di sản văn hóa

Cần nhân rộng

Từ lâu, việc GDDS cho giới trẻ thông qua hệ thống di tích, thiết chế văn hóa tiêu biểu là phương pháp được các chuyên gia văn hóa, chuyên gia giáo dục đánh giá cao và nhận định thực sự cần thiết. Hưởng ứng phát động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường cũng đều có chương trình ngoại khóa để học sinh được tham quan, dã ngoại đến các di tích lịch sử, văn hóa. Dù vậy, vì nhiều lý do mà đa phần chưa thực sự hiệu quả. Bởi thực tế, những chuyến thăm bảo tàng, tham quan di tích của học sinh gần với ý nghĩa vui chơi hơn là học, nhất là ít có sự tương tác và cũng ít thầy cô yêu cầu các em viết bài, hoặc có sản phẩm thu hoạch sau mỗi chuyến đi nên rất khó để lại trong giới trẻ bài học thực tế thật sự sâu sắc. Vì thế những yêu cầu mà chương trình GDDS của Sở VHTTDL đang triển khai phần nào khắc phục được nhược điểm này.

Tham gia chương trình, công tác giảng dạy của giáo viên sẽ được các chuyên viên của sở hỗ trợ về tư liệu sách vở, tranh ảnh, băng đĩa hay bản đồ về các di tích lịch sử, văn hóa để thầy cô có đầy đủ thông tin giảng dạy. Ngoài ra, để bảo đảm việc giảng dạy đạt hiệu quả tốt nhất, thầy cô giáo còn được tổ chức tập huấn về phương pháp tích hợp chương trình này để lồng ghép với các môn học chính khóa. Tất cả học sinh được tham gia đều phải có sản phẩm là bài viết, tranh vẽ… về mỗi chuyến đi, nhưng cái khó mà chương trình đang gặp phải là thiếu kinh phí cũng như nguồn nhân lực nên dù có mang tham vọng tổ chức rộng rãi trên địa bàn tỉnh thì mỗi năm sở cũng chỉ thực hiện được ở 1-2 trường. Thêm nữa, các nhà trường không thể dành quá nhiều thời gian ngoài khung chương trình đã ấn định để thường xuyên tổ chức chương trình học tập ngoại khóa, trong khi mỗi chương trình Sở VHTTDL xây dựng thường kéo dài khoảng một tháng.

Vì vậy, để GDDS đi vào thực chất, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ liên ngành văn hóa và giáo dục. Mong rằng, thời gian tới cơ quan liên ngành sẽ có những biện pháp phù hợp để phát huy hơn nữa hiệu quả từ chương trình, góp phần nhân rộng tình yêu di sản và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thế hệ trẻ.

HUYỀN ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc---tuyen-sinh/gieo-tinh-yeu-di-san-157193