Gieo yêu thương để các em tự tin bước tiếp

Trung tâm Nuôi dạy trẻ em đường phố Đông Hà (Mái ấm Tình hồng) tại Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà thuộc Hội Chữ thập đỏ TP. Đông Hà 24 năm qua đã nuôi dưỡng, dạy dỗ hơn 250 trẻ em bất hạnh, mồ côi, trẻ lang thang không nơi nương tựa. Đây thực sự là mái ấm chở che, yêu thương, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh để các em có thêm niềm tin bước tiếp vào đời.

Các em ở Mái ấm Tình hồng tìm tài liệu học tập trên mạng bằng máy tính xách tay do nhà hảo tâm tặng -Ảnh: T.L

Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi đến Mái ấm Tình hồng là hình ảnh những đứa trẻ vui cười, nô đùa trước sân, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc; khuôn viên của mái ấm gọn gàng, sạch sẽ. Các em rất lễ phép chào hỏi khách lạ. Phó giám đốc Phụ trách Mái ấm Tình hồng Ngô Quang Mành cho biết, cơ sở này đang che chở, nuôi dưỡng 18 em với 18 hoàn cảnh khác nhau. Em nhỏ nhất vừa mới vào được 9 tuổi, em lớn nhất là 18 tuổi, đang học lớp 12. Hoàn cảnh chung các em khi đến với mái ấm rất éo le, bất hạnh như: Mồ côi từ nhỏ, cha mẹ ly hôn, trọng bệnh, ở với ông bà nội, ngoại nhưng điều kiện gia đình thuộc hộ nghèo dẫn đến các em thiếu nơi nương tựa vững chắc.

Vì vậy thông điệp Mái ấm Tình hồng hướng đến các em là: Giáo dục, yêu thương và chia sẻ. Những cán bộ, nhân viên công tác ở đây luôn tận tâm yêu thương các em như con đẻ của mình, hiểu cặn kẽ hoàn cảnh cũng như tính cách của từng em để có những điều chỉnh về cách thức giáo dục phù hợp nhằm hướng các em đến chân thiện mỹ của cuộc sống. Các em cũng luôn kính trọng, yêu thương các cô, chú, bác của mái ấm như người thân yêu nhất của mình.

Được sống trong Mái ấm Tình hồng có cơ sở vật chất khá đầy đủ với môi trường tràn ngập yêu thương, dạy dỗ, các em đều ý thức được bản thân mình khá may mắn hơn nhiều bạn có cùng hoàn cảnh nên các em rất ngoan, lễ phép, không đua đòi, chơi game, khiến nhiều người đến thăm, chia sẻ vật chất với mái ấm góp thêm phần nuôi dưỡng các em đều hài lòng. Từ Mái ấm Tình hồng, tùy vào độ tuổi, các em được gửi đến học tập ở các trường trên địa bàn, đảm bảo em nào cũng được học hành đàng hoàng.

Em Nguyễn Mạnh Hoàng, học sinh lớp 12, Trường THPT Chế Lan Viên, huyện Cam Lộ chia sẻ, em ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, mồ côi bố mẹ, được người họ hàng gửi đến Mái ấm Tình hồng khi em vừa học lớp 1. Gắn bó với mái ấm tròn 12 năm, Hoàng cảm thấy mình may mắn khi được sống trong tình yêu thương, chăm sóc tận tình của các cô, chú cán bộ, sự sẻ chia, đoàn kết của các bạn. Mái ấm Tình hồng luôn quan tâm tặng quà mừng sinh nhật, quà năm mới, mua quần áo mới cho các em.

Cũng như các bạn, Hoàng được chăm sóc từ cơm ăn, áo mặc; được gieo yêu thương, sự tử tế; dạy dỗ phép tắc, cư xử lễ độ. Lớn tuổi nhất trong số các em ở đây, Hoàng luôn làm gương trong mọi sinh hoạt và học tập nên luôn được yêu quý. Những ngày này Hoàng đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mơ ước của Hoàng là được vào đại học như các bạn cùng lớp nhưng em ý thức được hoàn cảnh của mình vì không có người nuôi dưỡng để tiếp tục đi học. Sau tốt nghiệp THPT em sẽ học nghề cắt tóc để sớm có việc làm nuôi sống bản thân. Hoàng mong muốn có được nghề, sẽ hỗ trợ dạy lại cho các em ở trung tâm.

Người nhỏ tuổi nhất của mái ấm là em Lê Hoàng Thiên Đạt, vào trung tâm được 5 năm, nay em là học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Hòa Bình, TP. Đông Hà. Đạt cho biết nhà em ở huyện Cam Lộ, bố mẹ em chia tay nhau và bỏ đi, bà ngoại đau ốm bệnh tật không thể nuôi cháu ăn học nên gửi cháu vào đây. Ngoài giờ đi học, ngày ngày Đạt được các cán bộ trung tâm dạy bảo từng nếp ăn, nếp ở, tạo lập những kỹ năng sống giúp em dần xây dựng cuộc sống tự lập.

Bên cạnh đó, Đạt được các anh chị thương yêu, chăm sóc hướng dẫn học bài, vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, gấp chăn màn… Đến nay, Đạt đã khá thuần thục với nếp sinh hoạt và đã có thể phụ giúp các anh chị vệ sinh khuôn viên trung tâm, dọn dẹp phòng ở ngăn nắp gọn gàng.

Từng có nhiều năm được chăm sóc, nuôi dưỡng và trưởng thành từ Mái ấm Tình hồng, chị Nguyễn Thị Thúy, ở TP. Đông Hà, đang là kế toán ở đây cho biết, từ sự dạy bảo yêu thương của các cán bộ mái ấm đã khơi dậy trong chị khát khao về một tương lai tốt đẹp. Tốt nghiệp THPT chị tiếp tục đi học, có nghề nghiệp trong tay, năm 2012 chị Thúy được Mái ấm Tình hồng nhận vào làm việc. Tại đây chị có thêm điều kiện góp một phần công sức giúp những hoàn cảnh đồng điệu với mình có thêm cơ hội tốt để khi lớn lên trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Đã lập gia đình và có hai con nhỏ, nhà lại ở xa mái ấm nhưng chị Thúy đã cố gắng khắc phục khó khăn để tròn vai người mẹ, người vợ của gia đình và cũng là người bảo mẫu chăm lo cho các em. Ngoài giờ làm việc theo quy định, chị và 4 cán bộ, lãnh đạo của mái ấm thay nhau trực đêm, kiểm tra, nhắc nhỡ các em giờ nào việc ấy; thăm hỏi, động viên mỗi khi các em có khó khăn để kịp thời tháo gỡ.

Theo ông Ngô Quang Mành, cán bộ của Mái ấm Tình hồng mỗi người phải làm việc gấp đôi, gấp ba bình thường, chăm sóc, dạy dỗ, coi các em ở đây như con ruột của mình. Nếu không có lòng trắc ẩn, lòng nhân ái thì khó mà làm việc được với đồng lương quá thấp. Khó khăn nhất của Mái ấm Tình hồng là bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ không lớn hằng năm của TP. Đông Hà, thì các cán bộ của mái ấm phải thường xuyên vận động các cá nhân, tập thể hảo tâm để góp phần trang trải, mua sắm bổ sung thực phẩm, đồ dùng học tập, sách vở, quần áo cho các em đến trường thêm ấm áp.

Mái ấm Tình hồng luôn thường trực với nhiều lo toan, vất vả vì các em trong độ tuổi đang phát triển nên nhu cầu được ăn, mặc, giáo dục hằng ngày rất lớn. Song không vì thế mà các cán bộ ở đây nản lòng. “Tài sản” mà Mái ấm Tình hồng để lại cho các gia đình, xã hội là các thế hệ em thơ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh được mái ấm giáo dục, chăm sóc đang từng ngày trưởng thành, hòa nhập với cuộc sống một cách tự tin. Thế hệ này khôn lớn, ra đi, rồi đón thế hệ nhỏ khác đến, Mái ấm Tình hồng luôn là ngôi nhà yêu thương, ấm ám, ý nghĩa, là môi trường tốt cho các em thơ thiếu may mắn.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167631&title=gieo-yeu-thuong-de-cac-em-tu-tin-buoc-tiep