Gìn giữ di sản kiến trúc đô thị

Với lịch sử hơn 320 năm, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có nhiều di sản kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, không ít những 'viên ngọc quý' này đã thay đổi hình dạng, thậm chí biến mất. Vì vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ đang được các ngành chức năng nỗ lực thực hiện...

Ông Phạm Văn Công (64 tuổi, ở phường 7, quận 3) cho biết, do lịch sử để lại, trung tâm thành phố Hồ Chí Minh có nhiều công trình cổ có giá trị về kiến trúc, văn hóa. Nhưng đến nay nhiều công trình, đặc biệt là biệt thự cổ đã không còn tồn tại, một số thay đổi kiến trúc so với nguyên bản. Điều này khiến người dân thành phố cảm thấy mất đi một phần nào đó ký ức, lịch sử đô thị.

Khoảng 3 năm trước, trung tâm thương mại có lịch sử lâu đời tại thành phố Hồ Chí Minh - Thương xá Tax đã bị phá dỡ, phục vụ việc xây dựng công trình mới. Trước khi phá dỡ, nhiều ý kiến cho rằng cần giữ lại một phần công trình để bảo tồn những giá trị lịch sử. Tiếp thu ý kiến, đơn vị thi công đã lưu giữ bảng hiệu Thương xá Tax, cầu thang đi từ tầng 1 lên tầng 2; tại sảnh chính có tay vịn, lan can bằng đồng, biểu tượng con gà trống… để nghiên cứu, thiết kế phù hợp với công trình mới. Riêng phần mái vòm hình cầu tại góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi sẽ được phục dựng gần như nguyên bản trên công trình mới.

Thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố có khoảng 1.227 ngôi biệt thự cổ (xây dựng trước năm 1975) và hơn 400 công trình ngoài biệt thự cần nghiên cứu, bảo tồn. Tuy nhiên, không ít di sản kiến trúc, đặc biệt là biệt thự cổ, đã không còn tồn tại. Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị này đã tổ chức khảo sát, lập phiếu kiểm kê và đánh giá các loại biệt thự. Từ danh sách ban đầu là 1.227 địa điểm, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc đã kiểm kê được 1.104 địa chỉ; trong đó, có tới 560 địa chỉ không còn tồn tại biệt thự.

Nhiều kiến trúc sư cho rằng, giá trị của những công trình cổ là vô giá về mặt kiến trúc cũng như kinh tế. Do đó, phải bảo tồn để giữ lại “hồn cốt” của một thành phố năng động, hiện đại nhưng vẫn không mất đi ký ức, lịch sử đã làm nên “thương hiệu” của thành phố. Góp ý về công tác bảo tồn, kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Sở Xây dựng cần hướng dẫn thẩm định chất lượng công trình biệt thự cổ. Qua đó, có giải pháp tài chính, chính sách hỗ trợ chủ đầu tư chuyển đổi công năng chứ không thay đổi kiến trúc.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2013, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 2751/QĐ-UBND về ban hành Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hơn 6 năm trôi qua, UBND thành phố vẫn chưa xây dựng quy chế và các giải pháp để bảo tồn di sản kiến trúc đô thị.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để UBND thành phố xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thực hiện cho mọi đối tượng liên quan. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, công bố thông tin dữ liệu về bảo tồn đến cộng đồng; xây dựng cơ chế và chính sách, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia bảo tồn với chính quyền thành phố.

Trước mắt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao bảo tồn nguyên trạng 172 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc; trong đó có khoảng 40 di tích có thể phát huy thành điểm đến du lịch. Về lâu dài, để tạo hành lang pháp lý trong công tác bảo tồn, các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất để UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về công tác bảo tồn di tích và cảnh quan kiến trúc, trong đó nói rõ lộ trình, ngân sách đầu tư.

Trọng Ngôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/951262/gin-giu-di-san-kien-truc-do-thi