Gìn giữ kiến trúc nghệ thuật 1.000 năm ở di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn

Di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng trên dưới 1.000 năm. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây vẫn luôn giữ gìn di tích với lòng ngưỡng mộ, biết ơn đối với vị vua có nhiều đóng góp lớn cho dân tộc.

Di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân.

Di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Hoàng đế Lê Đại Hành, húy là Lê Hoàn, sinh năm 941, tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, mất năm 1005, tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, 24 năm làm vua, Lê Đại Hành hoàng đế đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh.

Lê Đại Hành khi cai trị đã cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam.

Đường vào đền thờ Lê Hoàn.

Hoàng đế Lê Đại Hành cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông. Công trình đào sông Nhà Lê do Lê Hoàn khởi dựng là con đường giao thông thủy nội địa đầu tiên của Việt Nam. Vua Đại Hành là người anh minh, quả quyết, nhiều mưu trí, dụng binh khéo như thần. Sau khi vua Lê Hoàn mất, nhân dân đã lập đền thờ tại thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Năm 1990, Đền thờ Lê Hoàn được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Lê Hoàn nằm trong hệ thống di tích Quốc gia là một quần thể những công trình kiến trúc thờ tự tưởng nhớ liên quan đến Lê Hoàn và những bậc sinh thành và nuôi dưỡng ông, đó là Nền Sinh thánh (nơi sinh Lê Hoàn), lăng Quốc mẫu (nơi chôn cất mẹ Lê Hoàn), lăng Hoàng Khảo (nơi chôn cất cha Lê Hoàn), lăng mộ Lê Đột (nơi chôn cất cho nuôi Lê Hoàn).

Nghi môn nội, một công trình kiến trúc cổ trong quần thể di tích đền thờ Lê Hoàn còn bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay.

Ông Mai Văn Toàn, người trông coi đền thờ Lê Hoàn cho biết: Di tích kiến trúc đền thờ Lê Hoàn có kết cấu kiến trúc mặt bằng chữ Công, rộng 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung; có hệ vì kèo đặc trưng: giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc đã tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể ngôi đền. Đặc biệt hơn, tại đền thờ còn bảo tồn được hệ thống các mảng chạm khắc như chạm thủng, chạm nổi, chạm bong được trang trí trong kiến trúc của toàn bộ công trình với đề tài phong phú và đa dạng theo những mô tuýp truyền thống cùng những bức phù điêu, con giống làm bằng đất nung của thế kỷ XVIII đã tạo nên những giá trị nghệ thuật đặc sắc của di tích.

Đền chính của di tích đền thờ Lê Hoàn với kiến trúc điêu khắc độc đáo, tinh xảo cùng mái góc cong gắn phù điêu tượng rồng… khiến đền Lê Hoàn trở thành công trình kiến trúc đẹp của thế kỷ XVII còn lại rất hiếm hoi ở nước ta đến ngày nay.

Nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật như: văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, địa tự, hương án, chóe, đĩa, bát cổ, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674 – 1887 và một chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn... Trong số những hiện vật quý giá tại di tích Quốc gia đền thờ Lê Hoàn, còn có hai tấm bia đá cổ được dựng lên dưới thời Lê Trung Hưng. Một bia nhỏ dựng năm 1601 do Phùng Khắc Khoan soạn, khắc ghi ruộng đất hương hỏa thờ cúng vua nhà Tiền Lê. Bia thứ hai là “Lê Đại Hành Hoàng đế miếu điện bia” soạn năm 1626, khắc ghi công đức, sự nghiệp của đức vua Lê Đại Hành trong thời gian trị vì. Đây là những hiện vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, giúp đời sau hiểu thêm về nguồn gốc, quá trình hình thành phát triển truyền thống văn hóa của làng Trung Lập- một làng Việt cổ có lịch sử cư dân tụ cư lâu đời.

Bảo tồn và phát huy di tích

Ngày 24-12-2018, di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Để bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích, chính quyền, nhân dân địa phương cùng cơ quan chức năng đang tiếp tục gìn giữ những tư liệu quý hiện có. Đồng thời, sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan bị thất lạc, lưu tán để bổ sung vào lý lịch di tích cũng như phục vụ công tác tham quan của du khách và tìm hiểu của các nhà nghiên cứu.

Hai tấm bia cổ, một trong những hiện vật quý giá tại di tích Quốc gia đền thờ Lê Hoàn.

Tương truyền, đền Lê Hoàn được dựng ngay trên nền nhà cũ của vua từ thời Lý. Lúc đầu có quy mô nhỏ bé, kiến trúc đơn giản. Đến niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), thời hậu Lê, đền được tu sửa có quy mô như ngày nay. Hiện trạng của ngôi đền về cơ bản còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn đến ngày nay. Trải qua trên dưới 1.000 năm tồn tại, ngôi đền đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng về cơ bản vẫn bảo tồn được các yếu tố gốc của di tích: kiểu dáng, vật liệu, đặc biệt là các mảng chạm khắc và kết cấu bộ khung gỗ thế kỷ XVIII còn bảo tồn khá nguyên vẹn.

Bức phù điêu được trạm khác tinh xảo với hình rồng chầu mặt nguyệt, rồng chầu ngậm ngọc…

Ngày nay, kế thừa và tiếp tục phát huy việc bảo tồn và gìn giữ tối đa sự nguyên vẹn của di tích gốc về kiến trúc, cảnh quan cũng như hiện vật trong di tích, UBND huyện Thọ Xuân cũng chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Xuân Lập, các tổ chức xã hội trên địa bàn làm tốt công tác an ninh trật tự, công tác vệ sinh môi trường ở di tích, xây dựng cảnh quan khu di tích xanh, sạch, đẹp, đảm bảo mỹ quan, thân thiện khi du khách đến hành lễ và tham quan di tích; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để quản lý tốt các hoạt động xây dựng công trình dân dụng của cộng đồng dân cư trên địa bàn; nghiêm cấm tình trạng công trình xây dựng của dân cư gần khu di tích vượt quá chiều cao che chắn, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan của khu di tích.

Chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn trên đĩa có ghi dòng chữ Hán: Giang Nam nhất phiến tuyết/ Trác khí vạn niên trân (Một phiến đá trắng ở Giang Nam, mài gọt nên vật quý vạn năm).

Theo nguyện vọng của nhân dân, được sự đồng ý của ban, ngành, cơ quan chức năng, ngày 26-12-2018, tại khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn đã tổ chức Lễ đúc tượng đồng vua Lê Hoàn nhằm để thay tượng gỗ do nhân dân cung tiến vào năm 1994. Lễ đúc tượng đồng vua Lê Hoàn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Anh hùng dân tộc Lê Đại Hành hoàng đế, tôn vinh công lao to lớn của đức vua và góp phần nâng cao giá trị của khu di tích Quốc gia Lê Hoàn. Dự kiến, tượng đồng vua Lê Hoàn sẽ dược hoàn thành trước dịp diễn ra lễ hội (ngày 7 đến 9-3 âm lịch, nhân ngày húy kỵ của vua Lê Hoàn ngày 8-3 âm lịch).

Ông Tống Cảnh Tiến, Cán bộ Văn hóa xã Xuân Lập, cho biết thêm: Với tấm lòng ngưỡng mộ vua Lê Đại Hành, nhân dân làng Trung Lập suốt nghìn năm qua không chỉ gìn giữ di tích vô cùng nghiêm cẩn, mà còn duy trì những lễ tục độc đáo. Hàng năm, khu di tích đón khoảng hơn 40.000 lượt khách đến thăm quan và dâng hương. Đặc biệt, vào ngày lễ hội, nhân dân Xuân Lập vẫn duy trì tổ chức các lễ tục như: tế xuân (4 năm tế 1 lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu), tục làm bánh răng bừa, tục cày ruộng tịch điền… để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc, đồng thời để nhắc nhớ thế hệ con cháu về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Hoàng Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/diem-den/gin-giu-kien-truc-nghe-thuat-1-000-nam-o-di-tich-quoc-gia-dac-biet-den-tho-le-hoan/97797.htm