Gìn giữ nét duyên trang phục phụ nữ dân tộc Thái

Trang phục của phụ nữ dân tộc Thái được xem là đẹp nhất trong trang phục của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Với truyền thống văn hóa giàu bản sắc và nếp cư trú quần tụ, tính cộng đồng cao, đồng bào Thái vốn luôn tự sản xuất và mặc trang phục truyền thống của mình hằng ngày.

Phụ nữ Thái mặc trang phục thường ngày khi đi làm đồng. Ảnh: TTH

Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái gồm: Áo ngắn, áo dài, váy, thắt lưng, khăn piêu, nón và xà cạp. Đồ trang sức có hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thái, hai hàng cúc trên hai vạt áo cóm là tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, tạo nên sự sinh sôi trường tồn của nòi giống, của dân tộc. Vì vậy, bộ trang phục của phụ nữ càng có ý nghĩa, có giá trị. Ngày thường, phụ nữ tự lược bỏ bớt những rườm rà của trang phục, nhưng chiếc áo cóm và khăn piêu không thể thiếu. Khăn piêu là vật dụng riêng tư nhất của các cô gái Thái. Chiếc khăn piêu được thêu thùa rất cầu kì, nó thể hiện sự khéo léo của mỗi cô gái, được dùng như tín vật, như trang sức cầm tay của các cô gái. Đó là hình ảnh của phụ nữ dân tộc Thái đã đi vào văn thơ, nghệ thuật, đồng thời được phổ biến đến độ sử dụng như hình ảnh của vùng Tây Bắc, hình ảnh duyên dáng của phụ nữ cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tôi muốn mua một chiếc khăn piêu của phụ nữ dân tộc Thái. Chiếc khăn với tầm ảnh hưởng đối với các dân tộc khác, cũng đã trở thành trang phục của phụ nữ các dân tộc có vùng cư trú gần cộng đồng người Thái như người dân tộc Lào, dân tộc Si La... Được một người dân sống tại vùng Sông Mã, Sơn La chỉ dẫn, tôi tìm tới các phiên chợ biên giới. Ở đây, người dân hai bên biên giới Việt - Lào thường vào mỗi chợ phiên vẫn mang hàng hóa sang mua bán trao đổi. Số lượng váy áo, đồ dùng trang sức, khăn piêu thêu tay... là những mặt hàng không bao giờ ế. Các bản làng ở các xã biên giới nước bạn Lào thường có những xưởng sản xuất thủ công. Họ làm ra các trang phục này bằng vải nhập từ Thái Lan, và nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhân công rẻ hơn, vì vậy sản phẩm làm ra bán rẻ hơn ở Việt Nam. Dần dà, hàng hóa may mặc từ Lào chiếm lĩnh thị trường rộng rãi, trở thành mặt hàng phổ biến trong các phiên chợ và được dùng thường xuyên trong đời sống của phụ nữ dân tộc Thái ở Tây Bắc.

Còn những bộ trang phục cầu kỳ thực sự do phụ nữ lớn tuổi ở Tây Bắc bây giờ làm ra có giá cao hơn nhiều lần so với trang phục mua ở ngoài chợ. Họ dày công thêu thùa, chọn lựa nguyên liệu và ít khi bán cho ai mà chỉ để dùng trong các dịp lễ, tết.

Trên thực tế, chỉ có phụ nữ người Thái lớn tuổi, hiểu biết về phong tục và văn hóa của dân tộc mình mới biết theo tục lệ, phụ nữ ăn mặc như thế nào trong dịp cưới xin, hội hè. Phụ nữ Thái từ khi còn trẻ đã biết may các loại áo cho mình, dùng trong các dịp khác nhau, hoặc dành biếu mẹ chồng khi về làm dâu. Các cụ già chỉ khi chết mới mặc một loại áo theo quy tắc tâm linh của dân tộc, khác với áo mặc ngày thường.

Phụ nữ Thái xưa kia buộc phải học thêu thùa và làm ra trang phục cho chính mình và cho chồng. Họ còn phải làm rất nhiều trang phục để khi đi lấy chồng thì biếu mẹ chồng, bố chồng và các anh chị em chồng. Tại chợ phiên, cô gái Lò Thị Thanh, dân tộc Thái, ở Thuận Châu, Sơn La đang mua rất nhiều loại trang phục. Thanh cho biết, mua những trang phục này cho ngày cưới của mình. Người Thái không bỏ tục lệ của ông bà tổ tiên, có điều giờ đây giới trẻ đi ra chợ mua cho nhanh thay vì mất rất nhiều thời gian ngồi làm ra những bộ trang phục dẫn cưới này. Lò Thị Thanh nói: “Để làm ra một bộ trang phục bằng tay cần sự kiên trì, tỉ mỉ và mất không ít thời gian. Mà nhà chú rể bây giờ cũng không quá cầu kỳ lễ nghĩa như xưa. Họ không thách cưới, chỉ có nhà gái muốn biếu đồ để tỏ tình cảm hai bên gia đình mà thôi”. Một số những vật dụng trong nhà như ghế mây, mâm cơm đan bằng mây, đệm ngồi bông lau, rèm cửa, đệm ngủ bông lau giờ các cô gái cũng ra chợ mua cho nhanh.

Nói đến trang phục người Thái thì không thể không nhắc tới các đồ trang sức đeo trên người như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài tóc trên đầu, xà tích và cả cúc bạc... Tuy nhiên, nghề làm trang sức đòi hỏi sự khéo tay cũng như nét tài hoa của người thợ. Bây giờ nghề đã dần thất truyền. Lý do đơn giản nhất vẫn là hàng chợ rẻ hơn, tiện hơn, không thể đẹp và quý như hàng làm riêng, làm bằng tay nhưng đỡ mất thời gian rất nhiều.

Với đặc trưng vùng cư trú Tây Bắc, người dân tộc Thái ở hai bên biên giới Việt - Lào có chung phong tục tập quán, vì vậy có những lý do tự nhiên, việc sản xuất hàng tiêu dùng chuyển dần sang bên kia biên giới. Bản làng của người Thái trở nên trù phú và văn minh hơn, nhưng nét duyên trang phục dân tộc đang dần dần mai một đi và đôi khi vắng bóng trong ngày thường. Đây là lúc các hội, đoàn thể ở các bản làng cần ra tay gìn giữ vốn cổ văn hóa dân tộc mình, để bản sắc riêng của Tây Bắc không thể và không bị trộn lẫn, mai một đi.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gin-giu-net-duyen-trang-phuc-phu-nu-dan-toc-thai/