Gìn giữ Tết cổ truyền của người Việt ở nước ngoài

Sự trân quý, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của Tết cổ truyền từ những kiều bào xa quê đã góp phần không nhỏ lan tỏa những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và tình yêu quê hương đất nước trong các thế hệ người Việt ở nước ngoài.

Không khí gói bánh chưng tại Nam Úc.

Trong không khí vui tươi tràn ngập sắc xuân của quê hương Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Giáp Thìn, những người con xa quê hương dù sinh sống và làm việc ở nơi đâu, gia đình, nguồn cội vẫn luôn là nơi người hướng về, đong đầy những yêu thương và hoài niệm. Ở nước Úc xa xôi, không khí chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cũng rất nhộn nhịp, đón chào năm mới với những nguyện ước tốt đẹp. Những kiều bào năm nay không có điều kiện về quê đón Tết với gia đình, đã cùng nhau tổ chức hoạt động ý nghĩa, đặc biệt qua việc gói bánh chưng để thêm gắn kết tình thân, tình đồng hương và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bánh chưng gói bằng lá chuối.

Những chiếc bánh chưng xinh xắn.

Chị Bình, một kiều bào đã ở Melbourne hơn chục năm, chia sẻ: “Tết phải có bánh chưng, không thì không gọi là Tết. Mình đi mua cũng được nhưng tự gói thì có ý nghĩa hơn mà lại còn tiết kiệm nữa. Một kg gạo nếp, 300 gram đậu, 300 gram thịt và một túi lá chuối là gói được 3 cái bánh rồi, vì nồi áp suất chỉ luộc được 3 chiếc nên mình không gói nhiều. Ở Úc đang mùa hè nên không được đốt lửa để luộc cả nồi to như ở Việt Nam được”.

Anh John tập gói bánh chưng.

Anh John, một người gốc Úc hiện đang làm việc ở Viện Nông nghiệp, rất yêu đất nước, con người và ẩm thực Việt Nam, anh nói tiếng Việt rất giỏi. Anh cho biết đã đi thăm Việt Nam nhiều lần, nhưng chưa bao giờ vào dịp Tết và được chứng kiến cách thức người Việt Nam chuẩn bị Tết. Đây là dịp vô cùng quý báu đối với anh. Được bạn bè mời cùng gói bánh chưng, anh rất phấn khởi đến từ sớm và giúp đỡ rửa lá, trộn gạo... Anh thích thú học cách làm một chiếc bánh chưng truyền thống như một cách trải nghiệm sâu sắc về văn hóa của ngày Tết Việt. Anh hy vọng sẽ còn có thể nấu được nhiều món ăn Việt Nam hơn nữa. Việc gói bánh chưng trở thành một cánh cửa mở ra để anh và những người nước ngoài yêu Việt Nam hiểu rõ hơn về cộng đồng Việt Nam, tìm thấy sự gắn kết và sự đa dạng mà chỉ có trong không khí Tết.

Gia đình anh Nam, chị Thảo.

Chị Thảo và anh Nam đang sống ở Adelaide dự định sẽ về Việt Nam đón Tết cùng ông bà. Chị đã đặt vé cho cả nhà từ đầu năm nhưng do có công việc đột xuất nên chị phải hoãn lại. “Không được về Việt Nam đón Tết, các cháu nhà tôi ai cũng buồn mà nhất là ông bà cứ mong đến ngày về. Nhưng được tổ chức gói bánh chưng và đón Tết ở đây chúng tôi cũng thấy đỡ nhớ quê hơn”.

Bài tập viết của cháu Huy.

Vẽ tranh ngày Tết.

Cháu Đoàn Anh Huy, học sinh lớp 3 được bố mẹ dạy cho học tiếng Việt. Cháu đã tập viết một bài và vẽ tranh về Tết. “Đây là cách để chúng tôi dạy cháu luôn nhớ về quê hương, cội nguồn và phong tục Tết cổ truyền”, anh Toàn, bố của cháu chia sẻ.

Sự trân quý, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của Tết cổ truyền từ những kiều bào xa quê đã góp phần không nhỏ lan tỏa những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và tình yêu quê hương đất nước trong các thế hệ người Việt ở nước ngoài, là nguồn nội lực lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, sự trường tồn của dân tộc.

Huy Toàn

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gin-giu-tet-co-truyen-cua-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-705298.html