GÌN GIỮ TINH HOA VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Khi cái mới, cái tiện dụng và thực dụng đến với chúng ta mỗi ngày và xô đẩy, lôi kéo chúng ta đi thì bỗng chốc nhìn lại, có những điều quen thuộc, gắn bó bao đời đã nhạt phai hay lùi sâu vào dĩ vãng.

Tục ăn trầu đi cùng nhuộm răng đen, tục tóc dài vấn khăn hay chiếc khăn mỏ quạ, chiếc quần lá tọa, chiếc váy thâm đen… nay thảng hoặc mới thấy. Trong những ngày lễ, tết, hội đám vùng cao, số thanh niên nam nữ còn mặc trang phục truyền thống cũng ít dần. Ngay đến tiếng nói, chữ viết, phong tục thờ cúng, cưới hỏi của đồng bào nhiều dân tộc thiểu số cũng không còn được dùng phổ biến. Ngày Tết, ngày xuân ở miền xuôi, tục dựng cây nêu hầu như không còn, những trò chơi đu tre, đấu vật, thi thổi cơm, bịt mắt đập niêu… cũng chỉ họa hoằn... Rồi bỗng một ngày có thông tin về ở đâu đó lập lờ, mạo nhận chiếc áo dài mềm mại, thướt tha của phụ nữ Việt Nam là phát minh của họ…

 Điệu xoang của người Bana trong lễ mừng nhà rông mới. Ảnh: baobinhdinh.com.vn

Điệu xoang của người Bana trong lễ mừng nhà rông mới. Ảnh: baobinhdinh.com.vn

Cuộc sống thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế diễn ra với tốc độ nhanh, cường độ mạnh đã sàng lọc, loại bớt những gì là không phù hợp, trong đó tiếc thay cũng đã làm nhạt nhòa và biến mất cả những lề thói, phong tục, đường nét văn hóa phi vật thể đẹp đẽ, độc đáo, vốn đã làm nên bản sắc, tâm hồn của các dân tộc Việt Nam.

Nguy cơ từ “thế giới phẳng” là có thật, từ sự mạo nhận, vơ vào như sự “xâm lăng văn hóa” là có thật, song, xu thế sống thực dụng và sính ngoại, nệ ngoại trong chính chúng ta mới là mối đe dọa lớn nhất làm mất đi những lề thói, lề lối, phong tục đặc trưng của dân tộc. Khác với di sản văn hóa vật thể là những vật chất không chuyển động, nhìn thấy được bên ngoài mỗi cộng đồng, mỗi con người, văn hóa phi vật thể tồn tại ngay chính chúng ta trong lao động sản xuất và sinh hoạt, mà con người xã hội thì luôn vận động, dễ thay đổi. Không phải chúng ta không có ý thức chọn lọc, gìn giữ, đã có rất nhiều hành động giáo dục, tôn vinh, quảng bá, bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản phi vật thể trong cuộc sống hôm nay. Những không gian, loại hình âm nhạc, mỹ tục hoặc đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hoặc được đưa vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp. Danh sách này mỗi năm mỗi dài thêm ra, song, với một nền văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước không thể một cơ quan, tổ chức nào ở cấp độ quốc gia hay quốc tế có thể cùng lúc nhận diện và đứng ra đầu tư bảo vệ, mà những công việc đó trước hết và mãi mãi là của mỗi cộng đồng, mỗi con người và mỗi cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong đất nước ta.

Giống với cuộc cạnh tranh và tranh đoạt quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu trong thương mại, cuộc cạnh tranh và "xâm lăng văn hóa" với nhiều hình thức, thủ đoạn đã và đang diễn ra khi tinh vi, khi trắng trợn. Đã từng có ngày chúng ta chợt thấy nhãn hàng nước mắm Phú Quốc, cà phê Tây Nguyên trên các kệ hàng siêu thị thế giới lại là của một công ty hoàn toàn nước ngoài. Câu chuyện xuất xứ chiếc áo dài hôm nay lặp lại như chuyện trống đồng Đông Sơn trước đây hay chuyện những linh vật thờ gần đây vậy.

Có thể chúng ta không giữ lại tục ăn trầu, thói quen hút thuốc lào cùng nhiều phong tục, thói quen lạc hậu, không phù hợp và có hại khác, song, những gì là bản sắc lành mạnh, văn minh thì phải quyết giữ, giữ để vẹn nguyên gốc rễ, hồn cốt nước nhà. Những lễ hội cần trở về với căn bản nguồn cội, trở về với việc của làng, của cộng đồng, thuộc về cộng đồng mới có thể bảo lưu, gìn giữ, mới đích thực trước hết đem lại niềm vui, sự cố kết trong dân. Những khăn-vòng-áo-váy, những tấm thổ cẩm, những điệu xòe, điệu xoang, những rước đám… những bí quyết sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, những loại hình làm tranh, thờ tranh dân gian, những bài bản dân ca, những trò chơi… cần được xây dựng hồ sơ đăng ký xuất xứ, bản quyền. Những tục đâm trâu, chọi trâu, chém lợn… không thể “phô ra” để kéo khách chuộng lạ nhưng cần duy trì như việc thiêng, việc kín của làng bản…

Bản quyền, thương hiệu văn hóa phi vật thể chính là tấm căn cước dân tộc, đất nước của thời hội nhập toàn cầu hóa, là cốt cách, cội rễ để mỗi thế hệ hôm nay và mai sau tự hào, tự tôn ta là người Việt Nam.

NGUYỄN MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/gin-giu-tinh-hoa-van-hoa-phi-vat-the-606424