Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa: Nâng đôi cánh Hà Nội bay lên

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thủ đô Hà Nội cũng là địa phương có số lượng di tích, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống lớn nhất cả nước; nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn di sản, phát triển văn hóa trong những năm qua luôn được thành phố Hà Nội coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Vậy thời gian qua, các cấp, ngành bản thân mỗi đơn vị đã làm gì để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa này?

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội:

Nâng tầm văn hóa Thăng Long

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức tốt các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao kỷ niệm các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và Thủ đô, trong đó nhiều hoạt động đổi mới về hình thức và quy mô như: Lễ hội bơi chải truyền thống Hà Nội mở rộng năm 2018, Hội chữ Xuân Mậu Tuất, hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản… được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia.

Chất lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tiếp tục được nâng cao. Các nhà hát nghệ thuật thuộc Sở đã tổ chức hơn 1.500 buổi biểu diễn. Tham gia Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018 đứng Nhất toàn đoàn với 10 Huy chương các loại. Hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng phát huy hiệu quả thông qua Liên hoan ca múa nhạc “Đảng - Mùa Xuân - Dân tộc”, Liên hoan hát Văn và hát Chầu Văn Hà Nội 2018…

Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố được tăng cường. Hầu hết các lễ hội diễn ra văn minh, trật tự, an toàn. Một số điểm nóng về Lễ hội như: Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức)… được quản lý tốt, cơ bản khắc phục được hạn chế, tồn tại của các năm trước. Hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và tu bổ, tôn tạo di tích tiếp tục được quan tâm; những vụ việc vi phạm trong quản lý về di sản ngày càng giảm, được phát hiện, xử lý và giải quyết kịp thời, không còn điểm nóng vi phạm về di tích.

Công tác trang trí, tuyên truyền cổ động trực quan tiếp tục có nhiều đổi mới, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, được thực hiện đồng bộ từ Thành phố tới cơ sở, trong đó công tác xã hội hóa được tăng cường. Các mẫu thiết kế ngày càng đa dạng, đã đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền trên địa bàn Thành phố. Hệ thống thư viện và hoạt động điện ảnh ngày càng phát triển, phục vụ tốt nhu cầu của bạn đọc và đông đảo người dân.

Ông Trần Văn Hà, Giám đốc Thư viện Hà Nội:

Đến với tri thức đọc

Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua (từ năm 1959), sự phát triển của Thư viện Hà Nội luôn gắn liền với sự phát triển của văn hóa, chính trị, kinh tế Thủ đô. Thư viện đã trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc và để lại dấu ấn tốt đẹp trong ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội. Ghi nhận kết quả hoạt động đối với sự phát triển chung của Thủ đô, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như UBND TP. Hà Nội đã trao cờ, bằng khen cho Thư viện Hà Nội trong nhiều năm liền. Năm 2006, Thư viện Hà Nội vinh dự được nhận Huân chương Độc lập Hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng.

Từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, Thư viện Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động đưa công nghệ thông tin và hiện đại hóa các hoạt động của thư viện để phục vụ người dân cho nên số lượng người đọc tăng lên đến hàng trăm nghìn lượt. Ngoài các hoạt động tại chỗ, thư viện còn tăng cường luân chuyển sách báo và xe đọc sách lưu động đến khắp nơi trong thành phố, trong đó có những địa bàn huyện xa đến 100km để tiếp tục duy trì văn hóa đọc đến với những người dân ở vùng xa. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là kéo bạn đọc đến với sách.

NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà Hát kịch Hà Nội:

Để thực sự xứng tầm văn hóa

Nhà Hát Kịch Hà Nội được thành lập năm 1959. Trải qua 59 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, từ một đội kịch trong Đoàn văn công nhân dân Thủ đô. Năm 1993, Đoàn kịch nói Hà Nội được chuyển thành Nhà Hát Kịch Hà Nội. Với sự nỗ lực vượt bậc về biểu diễn. Năm 2005, Nhà hát đã được UBND thành phố Hà Nội quyết định nâng hạng thành Nhà hát hạng I.

Nhà hát Kịch Hà Nội có chức năng, nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật kịch nói; sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật kịch nói; biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn phục vụ khán giả trong nước và ngoài nước góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ của người xem. Có thể nói, Nhà hát Kịch Hà Nội là một Nhà hát rất lâu đời, có bề dày truyền thống so với cả nước - không chỉ riêng Hà Nội, một “thương hiệu”, một đơn vị biểu diễn nghệ thuật kịch nói chính luận xuất sắc, được Đảng và Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Ba…

Năm vừa qua trong Hội diễn liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà hát Kịch Hà Nội là được Huy chương Vàng và dẫn đầu về số lượng huy chương trong toàn quốc về thể loại kịch nói. Đặc biệt trong 4 kỳ hội diễn liên tiếp (2009, 2012, 2015, 2018), Nhà hát luôn là đơn vị đứng đầu trong cả nước về thành tích nghệ thuật.

Từ gần 60 năm qua, có bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu của các nghệ sỹ đổ xuống từ chiến trường để có được Nhà hát Kịch Hà Nội ngày hôm nay. Bởi thế, Hà Nội cần giữ được những đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu để xứng tầm văn hóa Thủ đô. Nếu như Hà Nội mất đi kịch, mất đi chèo, mất đi múa rối thì thật sự rất đáng buồn.

NSND Quốc Anh, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội:

Tinh túy văn hóa Việt

Nhà hát Chèo Hà Nội ra đời đã 64 năm (1954-2018) - là một chặng trong lịch sử hình thành và phát triển ngót nghìn năm của môn nghệ thuật sân khấu mang hồn Việt này. Chặng đường của sân khấu Chèo đã trải qua những tháng năm đẹp đẽ, rực rỡ nhưng cũng đầy thách thức. Chèo là một nghệ thuật thuần Việt, thể hiện tình cảm, tâm hồn, đạo đức thẩm mỹ của người nông dân Việt Nam.

Cho đến nay, Nhà hát Chèo Hà Nội khẳng định là cánh chim đầu đàn trong nghệ thuật Chèo, nổi danh là nơi quy tụ những tinh hoa của chiếng chèo đất Bắc. Trong 12 năm qua trải qua 3 kỳ Hội diễn, Nhà hát Chèo đã đứng đầu vê số lượng huy chương Vàng, đứng số 1 trong ngành Chèo của cả nước. Dàn diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội cho đến bây giờ là dàn diễn viên giỏi nhất trong làng Chèo. Ngay từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, Nhà hát đã có những vở phản ánh những vấn đề thời sự của đất nước, hơi thở thời đại. Để nghệ thuật Chèo đến gần hơn với khán giả hôm nay, là nỗ lực chưa bao giờ ngưng nghỉ ở Nhà hát.

Tuy nhiên nghệ thuật truyền thống luôn có đặc thù riêng. Hát chèo cũng vậy. Đặc thù của nghệ thuật hát chèo là thế hệ đi trước truyền vai cho thế hệ đi sau. Trong cơ chế thị trường hiện nay, nghệ thuật truyền thống lép vế hơn nghệ thuật giải trí, các phương tiện thông tin đại chúng không mặn mà với nghệ thuật truyền thống.

Nhưng nhiều năm qua, nhà hát chèo đã cố gắng bằng mọi giá giữ lại lớp diễn viên trẻ ở lại với nghệ thuật chèo bởi đồng lương thấp, chỉ có những diễn viên cháy bỏng với nghệ thuật chèo mới còn ở lại. Bởi vậy, để giữ lại được những diễn viên trẻ, có tài, phát huy tài năng chèo thì cần được sự quan tâm giúp đỡ của thành phố để có những cơ chế cho lớp diễn viên trẻ (diễn viên chính) sống được với nghề.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám:

Cần nghiên cứu có bãi gửi xe ngầm

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Hiện nay, nơi đây đã được Thủ tướng chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám. Kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: Cổng Văn Miếu, Đại Trung, Đại Thành và cổng Thái Học. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi.

Để phát huy giá trị văn hóa từ 700 năm cha ông để lại, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn có các hoạt động thiết thực để tiếp tục đưa di tích trở thành một trong những điểm nhấn văn hóa đặc sắc của Thủ đô như tổ chức các sự kiện văn hóa, mởi rộng hợp tác với các tổ chức, cá nhân để phát huy hiệu quả thực tế bằng số lượng khách đến thăm di tích ngày càng tăng và hài lòng hơn.

Tuy nhiên, để Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một điểm đến thuận tiện cho khách đến thăm quan, cần sự quan tâm giúp đỡ của Thành phố để giao thông quanh di tích được thông thoáng như: Cần có đèn đỏ ở các nút giao các con đường quanh di tích, nghiên cứu phương án có bãi đỗ xe ngầm, giải quyết vấn đề thiếu thẩm mỹ quanh vỉa hè của di tích và việc xuống cấp của vỉa hè cần có phương án tu bổ, tôn tạo.

NSƯT Chu Lượng, Quyền Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long:

Đưa hồn Việt đến bạn bè quốc tế

Nhà hát Múa rối Thăng Long ra đời năm 1969, nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng, bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm cổ kính giữa lòng Thủ đô Hà Nội, là “Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm” trong suốt 20 năm qua. Nhà hát đã trở thành thương hiệu hàng đầu của nghệ thuật múa rối Việt Nam, với những chuyến lưu diễn thành công trên 40 quốc gia, ghi dấu ấn trong lòng khán giả thế giới, từ Châu Á đến Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc…

Là một đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, Nhà hát đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa rối nước truyền thống, khẳng định – củng cố thương hiệu của mình, góp phần không nhỏ trong tiến trình quảng bá và thúc đẩy giao lưu hợp tác văn hóa nghệ thuật trên trường quốc tế. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, nghệ thuật múa rối nước – Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thực sự đổi mới về cả lượng và chất.

Sự ra đời của các vở diễn với nhiều hình thức, thể loại khác nhau đã góp phần tôn vinh nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, xứng đáng là tinh hoa văn hóa Việt. Nhà hát Thăng Long đang phát huy giá trị vốn có trong nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật múa rối, nghệ thuật dân gian. Nhà hát đang thừa hưởng một loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại, đó là vốn quý và là kết tinh văn hóa của Người Việt, cũng là kết tinh văn hóa Hà Nội, bao gồm những giá trị của người nông dân Việt Nam xưa.

Mỗi một đất nước, mỗi một quốc gia đều quan tâm đến bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, chính vì thế mới hiểu giá trị vốn có của nó, hiện nay Nhà hát Múa rối Thăng Long đang làm tốt vai trò bảo tồn và phát huy giá trị ấy của dân tộc. Thời gian qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã và đang được sự ủng hộ của báo chí trong nước và quốc tế, là đơn vị duy nhất được giới thiệu miễn phí trên kênh truyền hình lớn nhất thế giới CNN đến với bạn bè quốc tế.

Trong buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018 vừa qua, Bí thư nhấn mạnh: "Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa của cả nước, kết tinh văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đông, xứ Đoài. Chúng ta có trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vinh dự, đó là vai trò Thủ đô của cả nước.

Văn hóa Hà Nội phải phát triển xứng đáng với vị trí Thủ đô, phải thật đặc sắc, để người dân cả nước đặt lòng tin vào Thủ đô như người anh cả trong gia đình. Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao phải quan tâm sâu sắc đến chất lượng các hoạt động văn hóa; giúp thành phố xây dựng bằng được môi trường văn hóa và thể thao ngày càng tốt hơn. Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, văn hóa là nền tảng, nếu được khai thác tích cực sẽ tạo động lực cho sự phát triển mạnh về kinh tế.”

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gin-giu-va-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-nang-doi-canh-ha-noi-bay-len-79332.html