Gió Ayun Pa dịu dàng…

Tôi đã dành cả tháng cuối năm để về với núi, với rừng, với bà con Jrai ở Ayun Pa, nơi cao nguyên Gia Lai.

Đây cũng là vùng đất bắt đầu từ tên hai dòng sông, sông Ayun và sông Pa (sông Ba) hợp lại, là nơi khắc dấu lòng tôi những đêm rừng đại ngàn phía đầu nguồn cùng đồng đội và bà con Khu 5 bám trụ thời chống Mỹ.

Mới đấy mà đã đây, kể từ sau 1975, gần nửa thế kỷ trôi qua rồi! Thuở ấy, tôi đầu xanh tuổi trẻ, bây giờ là một lão già U80, nhưng vẫn nhớ mồn một hai bên dòng sông là những cánh rừng già. Chúng tôi, tôi và anh Nay Pha ngồi bên ghè rượu cần trước sàn cửa nghe ông già Nay Đer kể về thời xa xưa. Nơi đây, ngày ấy còn sình lầy với bao nhiêu truyền thuyết về những cuộc chiến tranh bộ tộc, về các bậc bô lão cùng với những đoàn người sống du canh du cư trên triền núi, ven các con suối chảy ra sông. Tôi hình dung thấy những cuộc đi săn tập thể với tiếng hú vang rừng, những chàng trai Jrai cưỡi ngựa phóng rạp mình trên đồng cỏ. Và gió. Gió hú trên những nóc nhà, tàn tro bay, bụi xám mặt người. Tôi nghe rõ tiếng dây ná bật, tiếng những mũi tên xé gió cắm chụm vào đầu một hình nộm nơi cuối bãi sông trong những ngày lễ hội của buôn làng. Tôi nhận ra trên đỉnh núi cao Chư Mố tiếng trống hội quân và những đoàn tráng sĩ lực lưỡng với tấm lưng trần cuồn cuộn cơ bắp, hò reo theo lệnh của người tù trưởng. Rồi tiếng cồng chiêng âm vang, tiếng tù và sừng trâu hú lên tiếng hú thời hoang sử. Rồi tiếng chó sủa, tiếng ngựa hí, tiếng người hét, tiếng cây đổ, tiếng heo éc, tiếng bò rừng rống. Những con thú quăng mình vào vách đá, thân cây. Ban đêm, đuốc sáng rực trời và bóng những đoàn người hối hả chặt cây bắc dàn săn trong khu rừng nguyên sinh sình lầy. Những chàng trai uốn mình phóng lao. Những con bò tót hung hãn bị trúng lao, cắm cổ phóng xuống vực. Tôi nhận ra đám người vây quanh đống lửa vít cong cần rượu, cùng với những bài dân ca trầm đục đượm buồn, những lời ca chứa chất niềm tâm sự của những người dân thời mất rẫy mất rừng, mất tự do...

Và kia nữa, những đàn voi hiền lành tung vòi đùa nghịch với những chú khỉ ranh mãnh làm trò mua vui cho bọn chủ làng theo giặc. Đâu đó có tiếng khiên va chạm, tiếng gươm giáo khua vùn vụt của trai làng luyện võ. Mùi thịt rừng nướng khét, tiếng mỡ rỏ xuống lửa xèo xèo, tiếng hát sáng dần về sáng sau khi tai nghe được lời từ bài hát kể chuyện của già làng và giọng hát thao thiết của ai đó xa xa gần gần: “Em nhớ cheo Reo…”, bài hát của nhạc sĩ Kpa Pui ca ngợi rừng núi, đồng cỏ xưa, nhắc nhở cánh trai làng gái làng rằng quê ta đẹp đẽ đến nhường nào…

***

Người Ayun Pa xa xưa với rừng núi điệp trùng, với xứ sở của những đồng cỏ sình lầy ngút tầm mắt. Miền quê của hàng trăm loài muông thú quý hiếm. Vùng đất của những bản nhạc cồng chiêng, của hàng trăm nhạc cụ đặc sắc và chính nơi đây đã nuôi dưỡng những người con yêu dấu của mình ra đi làm cách mạng từ thuở còn đầu xanh tuổi trẻ, từ thuở cách mạng còn trong bóng tối, muôn ngàn khó khăn, muôn ngàn trắc trở. Chàng trai Nay Đer của miền quê Cheo Reo, một cái nôi của văn hóa dân tộc Jrai, người trí thức đầu tiên được người Pháp đào tạo, đã sớm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc trở thành người thầy giáo đầu tiên, nhà trí thức đầu tiên. Cụ Nay Đer như bóng cây Kơ - nia, như cái trống cái trong dàn nhạc cồng chiêng lớn, như con sông lớn Ia Pa, như đỉnh Chư Prông, như nóc nhà rông… Từ cụ đã tạo nên một sức hút cực kỳ lớn lao và mạnh mẽ với cộng đồng. Cũng chính từ cụ đã tạo ra một lớp các nhà trí thức Jrai đàn em, đàn con, đàn cháu lần lượt được thức tỉnh: Nay Phin, Ksor Kơ Rơn, Ksor Ní, Nay Pha… Ý thức sớm được vai trò của các nhà trí thức với quê hương xứ sở của mình, ngay từ khi còn trẻ, các nhà trí thức Jrai đã làm nên bao điều kỳ diệu.

Về Ayn Pa bây giờ, ta sẽ được chính các già làng vít cần mời rượu, được dự đêm hội làng, thưởng thức cảnh sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cái không khí vừa linh thiêng vừa hồn nhiên dân dã ấy được truyền lan từ các làn điệu dân ca, các điệu múa, điệu hát dân gian theo nhịp cồng chiêng thấm vào lòng người. Ayun Pa, đó là thời tuổi trẻ của tôi!

Ayun và Pa, hai dòng sông thơ mộng và hùng tráng được lịch sử chọn làm nơi chứng kiến cuộc tháo lui tới nút tận cùng của quân đội Sài Gòn trên đất Tây Nguyên tháng Ba năm 1975. Nơi đây chính là nơi các dòng sông tụ về một điểm, đuợc gọi là thị trấn Ayun Pa, thủ đô của hoa trái cao nguyên, cái nôi của văn hóa Jrai với những bài sử thi dài theo con nước, với những dàn cồng chiêng đêm lễ hội của dân các làng rừng, những làn điệu dân ca mềm như ngọn lửa, giờ đây đã khởi sắc tươi màu sau nhiều chục năm thanh bình. Mẹ Lúa về kho không chỉ còn là Mẹ Lúa nương, Lúa rẫy, mà có cả Mẹ Lúa nước cùng về về buôn làng. Điện tuôn sáng khắp thị trấn giờ đã lên thị xã. Tiếng máy xay xát, tiếng máy cày, máy dệt, cánh đồng mẫu lớn tạo nên âm sắc mới, nhịp sống mới. Và gió. Gió Ayun Pa dường như cũng dịu dàng hơn, hòa tan trong ánh điện, ánh trăng, dập dìu đây đó tiếng học bài con trẻ, dập dìu tiếng hát thanh niên, và ta nghe được cả lời hát của người già, lời hát trầm và ấm và tha thiết quá. Lời hát nhắc ta đừng quên quá khứ, đừng quên những tháng năm nước sông đục ngầu vì bóng giặc…

Trung Trung Đỉnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gio-ayun-pa-diu-dang-239585.html