Gió bên hồ

Mặt đê cao rộng vững chãi thành con đường, xe gắn máy và ô tô có thể lưu thông từng đoạn. Bến đò trong sương sớm cho du khách nghe chút se lạnh mà hào hứng hơn với ánh bình minh nhô dần giữa mặt nước mênh mông.

Vùng bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Đ.H.T

Ánh vàng bừng sáng trên mặt hồ đánh thức một ngày mới. Bến đò vào đảo Nhím thật khác với lần đến trước. Cách đây chỉ hơn hai năm thôi, bến thật chân quê chỉ với những ghe bầu chuyển củ mì sang các xe trâu dầm mình trong nước.

Ai muốn vào đảo phải đi nhờ những ghe này, vừa chậm lại vừa bất tiện với nắng mưa trên hồ. Còn bây giờ là những thân ghe composite thon dài, trong lòng có ghế ngồi, trên có mái che. Hành khách có áo phao, ghe được đẩy với máy công suất lớn như lướt trên mặt hồ. Nhìn lại phía lưng đê, bên dưới là con đường nhựa rộng lớn thật phẳng, chạy thẳng song song cùng mặt đê, nhà nối nhà hình thành phố chợ.

Chỉ mấy năm thôi mà thay đổi nhiều quá. Chưa kịp suy nghĩ gì thêm thì tiếng máy gầm lên, đẩy thân ghe xé nước lao đi, chỉ phần đuôi còn chạm nước tạo những con sóng bị bỏ lại phía sau. Ghe lướt thật nhanh nhưng cũng đủ cho ta nhìn ngắm cảnh đẹp xung quanh.

Những thân cây thật xanh vươn lên giữa trời nước mà gốc rễ chẳng thấy đâu, cho ta biết bên dưới là những đảo ngầm mà một lúc hạn hán nào đó đã cho sự sống nảy mầm, để giờ trước mắt là sự sống thật diệu kỳ.

Chỗ một cây, chỗ đôi cây, chỗ lại là một khóm như khu rừng nhỏ. Xanh tươi chào mừng du khách giữa mênh mông trời và nước. Lại chợt nhớ 27km2 mặt nước ngày xưa là rừng nguyên sinh, bị chặn dòng làm nên hồ thủy lợi chứa hơn một tỷ năm trăm ngàn mét khối nước, lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Thì những cây này có thể là chòm rừng cao của ngày nào còn sót lại, cố tỏa bóng để kể với người đời về nguồn cội.

Dòng suy nghĩ đứt ngang bởi tiếng máy ghe nhỏ lại, anh tài công cho ghe uốn một đường cong gối đầu lên bãi cát. Trước mắt là một triền cỏ xanh từ mép nước đến phía rừng cây, hơn chục chú trâu vô tư gặm cỏ, nhưng đàn cò thì thận trọng bay lên khi thấy dáng người. Một hàng tre bên đường đi thẳng tắp hướng đến căn nhà dưới những tán cây to, cho thấy sự sắp xếp công phu trong phong cảnh tuyệt vời giữa rừng và nước.

Chủ nhà và chúng tôi niềm nở chào nhau, tất cả cùng ngồi vào một bàn tròn có trà nóng được rót với lời mời ân cần từ chủ nhà. Tôi chọn vị trí lưng hướng rừng, mặt nhìn hồ tận hưởng ngọn gió từng cơn như mát đến linh hồn.

Chủ nhà là anh Tám Tơ- Bí thư Chi bộ ấp Phước Lợi 2, là cựu chiến binh. Rời quân ngũ, anh là một trong những người đầu tiên chọn đảo Nhím làm điểm khởi nghiệp sau khi lòng hồ vừa tích nước.

Đúng chất dân đảo chân thành, cởi mở, anh chia sẻ về những ngày lập nghiệp. Không điện, giao thông khó khăn, phải cố gắng trong mọi khâu sản xuất. Rồi đất không phụ người, anh Tám trở thành nông dân thành đạt của đảo, sở hữu gần mười héc-ta/năm trăm héc-ta đất gò và hơn năm mươi héc-ta đất bán ngập/một ngàn héc-ta của đảo. Với đầy đủ công cụ sản xuất như trâu, ghe và máy móc, cho nguồn thu nhập cao và ổn định.

Xe trâu và ghe là phương tiện vận chuyển nông sản độc nhất của đảo Nhím trước đây. Những chú trâu kéo xe của đảo có đặc tính riêng, kéo những xe hàng mà phần lớn là củ mì, áp sát các ghe lớn phải đậu xa bờ cát để tránh mắc cạn, các chú trâu và phần bánh xe luôn ngập trong nước, chỉ phần đầu trâu là ngước khỏi mặt nước, vậy mà chúng luôn đứng yên chờ bốc dỡ hàng hóa lên xuống. Cuối buổi trà, anh Tám Tơ hào hứng với dự án ngàn tỷ, biến đảo Nhím thành khu du lịch lớn của Tây Ninh.

Rồi anh mời chúng tôi dùng cơm trưa. Trong buổi cơm thân tình, tôi được nghe về chương trình nông thôn mới của xã. Rồi mai này, dân toàn xã sẽ được ấm no, sung túc hơn khi dự án du lịch ngàn tỷ được triển khai. Ai đó dè dặt với môi trường đảo.

Nếu phát triển du lịch mà hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn chỉnh thì môi trường đảo và cả lòng hồ sẽ ra sao? Tôi cũng được nghe về dự án ngàn héc-ta điện mặt trời trên vùng bán ngập của mặt hồ đang triển khai, cũng như địa điểm xây hai bến thuyền cho đảo. Bến Đông hướng núi Cậu đón khách từ Bình Dương và Bình Phước, bến Tây hướng núi Bà đón khách Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Những cơn gió mát từ hồ đưa tôi miên man dòng suy tưởng về một tương lai không xa. Bến đò thay đổi, phố bên kia đê nhộn nhịp mua bán. Bên này đê những cano cao tốc tấp ngập vào ra đón và trả khách, tần suất có thể không bằng tuyến du lịch đảo Coral từ Pattaya, Thái Lan, nhưng không thua độ dậy sóng của đảo Kỳ Co, Eo Gió ở Quy Nhơn hay cù lao Chàm của Quảng Nam.

Bởi đảo Nhím nằm giữa một biển ngọt, cano có thể biểu diễn một vòng quanh đảo nếu khách có yêu cầu. Nhưng phần lớn đều thích ghé bến phía Tây của đảo, với nhà hàng Tám Tơ cùng những dịch vụ tham quan.

Những xe điện phục vụ du khách băng ngang đảo, cung đường hơn 3km nối hai bến Đông và bến Tây của đảo, cho du khách nhiều trải nghiệm rừng cây và thú, đất bán ngập và hoa cỏ được chăm sóc thật công phu. Bất chợt một chiếc lá rơi trong cơn gió nhẹ chặn dòng suy nghĩ.

Chiếc lá vàng ấy có thể là tôi, bạn hay anh Tám Tơ cùng yêu mến trông đợi đảo từng ngày phát triển. Nhưng mọi cái phải hài hòa bền vững cùng môi trường chung quanh. Nhất là nguồn nước hồ Dầu Tiếng ngoài nhiệm vụ tưới tiêu cho ba tỉnh lân cận, còn là nguồn nước chính cung cấp cho các nhà máy nước ở hạ nguồn phục vụ nhân dân.

Vẫy tay chào anh Tám Tơ, tôi luyến tiếc rời đảo. Bóng nắng đã nghiêng nhưng bầu trời xanh thẳm, mây đứng yên tạo hình những vảy rồng uốn khúc. Bầu trời như cao rộng hơn, cho ta cái cảm giác nhỏ bé giữa trời nước bao la.

Vài mươi con yến chiếm một khoảng không xoay tròn với vòng bay không mỏi như báo với mọi người xuân sắp về. Tiếng máy nổ giòn, vút qua những chòm cây. Núi Bà Đen hiện lên rõ dần, rõ dần trên mặt hồ. Thân ghe xé nước như đâm thẳng vào núi.

Một cái vẫy tay thay mọi thủ tục giã từ, một thích ứng khi Tây Ninh vẫn đang căng mình chống dịch Covid-19. Đứng trên đê mà luyến tiếc kéo tôi nhìn về hướng đảo, mênh mông biển nước mà rất đỗi thân quen. Sau lưng, những cơn gió hồ mát rượi như mời gọi và tôi cũng thầm hứa sẽ trở lại để nhìn thấy đảo thay đổi đẹp hơn, giàu hơn và xanh, sạch hơn.

Hàm Chương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gio-ben-ho-a140910.html