Giờ học giữa đồng ngô

Những năm học cấp 3, chúng tôi may mắn được theo học văn của thầy. Bố thầy là liệt sĩ, thầy sống với mẹ từ nhỏ.

Gia đình neo người nên những ngày mùa bận rộn trở nên vất vả hơn. Ban cán sự lớp chúng tôi đã trao đổi với nhau, đề xuất ý kiến những bạn gần nhà sẽ chủ động đến giúp thầy thu hoạch ngô cuối vụ.

Thầy khá bất ngờ khi bắt gặp lũ học trò trong những bộ quần áo thùng thình đủ màu đang lố nhố trước cổng. Đôi mắt thầy ái ngại khi biết chúng tôi muốn giúp gia đình thầy thu hoạch ngô. Tôi phải đứng ra thuyết phục hồi lâu, thầy đành miễn cưỡng đồng ý cho chúng tôi giúp. Dù vậy, chúng tôi phải "cam kết" chỉ được làm việc vừa sức của mình.

Nhận từ tay mẹ thầy tích nước vối vừa hãm, chúng tôi rong ruổi trên những chiếc xe đạp theo thầy ra cánh đồng ngô ven sông Đuống. Triền đê sông thoai thoải dốc, gió từ sông nổi lên mát lạnh. Làng nằm ven bãi bồi sông Đuống, gia đình thầy và nhiều người dân được giao đất đã tận dụng trồng thêm ngô, khoai. Cũng thật diệu kỳ, dù không được chăm sóc thường xuyên nhưng những cây trồng trên bãi bồi vẫn phát triển tốt, cho thu hoạch sản lượng cao. Người mẹ phù sa đã ban tặng cho mảnh đất nơi đây lớp đất màu mỡ hiếm nơi nào có được.

Từ đê nhìn xuống, bãi ngô cuối vụ lá khô một màu xám trắng cả cánh đồng. Nhưng thấp thoáng giữa ngút ngàn màu sắc ảm đạm ấy là những bắp ngô chắc mẩy đang đợi người nông dân thu hoạch. Ven mảnh ruộng nhà thầy, mọi người đã thu hoạch gần hết, chỉ còn lưa thưa đôi ba khoảnh ruộng còn nguyên vẹn. Người dân sau khi thu hoạch bắp đều chặt ngả cây ngô, phơi khô giữa luống để dùng làm chất đốt sau này.

Ruộng ngô nhà thầy nằm ngay chân đê. Luống ngô đánh thành ụ nổi chừng một gang tay trên mặt ruộng tạo nên những bờ đất chạy dài thẳng đến ven sông. Cứ hai người một luống ngô, chúng tôi len lỏi giữa rãnh ngô để thu hoạch bắp. Từng bắp ngô nằm xen kẽ, ẩn mình giữa những thân ngô nhạt màu. Dưới ánh nắng vàng ruộm, phải tinh mắt mới phát hiện được bắp ngô giữa mảng màu xám trắng trộn đều khắp ruộng. Chúng tôi quan sát cẩn thận, tỉ mỉ nếu không muốn để sót lại những bắp ngô ẩn hiện ấy.

Ánh nắng xiên qua lá ngô khô vàng rọi. Mới chỉ đi được hơn nửa luống, hai bì ngô đã đầy chặt, buộc chúng tôi phải chuyển lên đặt đầu bờ. Như sợ những đứa trẻ của mình mệt, thầy bắt chúng tôi nghỉ tay uống nước. Ở quãng cuối ruộng ngô, chúng tôi nghỉ dưới tán những cây xoan lớn tuổi tỏa bóng mát. Đón chén nước vối mát lành trong tay, chúng tôi nghe thầy kể những câu chuyện văn chương. Đó là bờ bãi "Xanh xanh bãi mía bờ dâu/ Ngô khoai biêng biếc" đậm chất văn hóa Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm, là định nghĩa mới lạ về “Đất nước” trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Câu chuyện văn chương trở nên gần gũi giữa cánh đồng ngô thân thuộc. Lau những giọt mồ hôi lăn dài trên má, thầy truyền cho chúng tôi tình yêu văn hóa, quê hương qua từng câu chuyện cụ thể. Dạy chúng tôi bài học trân quý những giá trị do lớp người đi trước và chính bản thân mình tạo dựng.

Trưa đứng nắng, chúng tôi chuyển những tải ngô đã xếp đầy lên xe đạp. Con đường đê trải dài như tấm lụa bạch uốn lượn giữa những vạt cỏ xanh mướt. Dáng thầy mảnh mai gò mình trên chiếc xe đạp cũ. Những vòng quay chở nặng thành quả của buổi lao động lăn đều trên con đường đê. Nơi ấy, bài học văn chương của thầy theo chúng tôi mãi đến sau này.

NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/gio-hoc-giua-dong-ngo-554887