Giờ làm kết thúc, tin nhắn công việc thì không

Tại công ty của Đức Nam (25 tuổi, quận 8, TP.HCM), nhắn tin trao đổi công việc ngoài giờ hành chính được xem là chuyện bình thường.

Từ sếp đến nhân viên tại công ty Nam, dù không có ca trực, đều cần theo dõi các nhóm chat và nhanh chóng phản hồi.

Công ty hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ thủ tục visa, định cư nước ngoài, khách hàng liên hệ bất kể ngày đêm, cuối tuần, buộc Nam và đồng nghiệp phải túc trực xử lý nếu không muốn “thượng đế” tìm đến đơn vị khác.

Quá tải tin nhắn ngoài giờ làm

Khi mới vào công ty, Đức Nam nỗ lực thích ứng với văn hóa làm việc mới. Anh bật chuông báo tin nhắn ngay cả khi ngủ, không bỏ sót cuộc hội thoại nào vì sợ bỏ lỡ thông tin.

“Tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm khai hồ sơ visa, không có người thay thế. Nếu khách hàng muốn đi nước ngoài gấp, tôi buộc phải làm việc trong mọi khung giờ. Nhưng tôi cũng có cuộc sống riêng, không thể kè kè điện thoại bên người liên tục”, Nam nói thêm.

Nhiều nhân sự nhận tin nhắn ngoài giờ làm việc, bao gồm nội dung công việc, chuyện phiếm hoặc yêu cầu gấp từ cấp trên.

Trong khi đó, Khánh An (28 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) cho rằng mình càng khó bỏ lỡ tin nhắn ngoài giờ hơn khi ở vị trí quản lý.

Ban đầu, khi mới vào công ty, cô bất ngờ khi biết hết giờ hành chính không có nghĩa là hết việc. 22h, sếp vẫn nhắn tin yêu cầu cô sắp xếp buổi họp vào chiều hôm sau. Cùng lúc, cấp dưới của cô liên hệ hỏi về dự án, nhờ hướng dẫn cách trình bày.

Không những vậy, trong các nhóm chat phòng ban, nhiều người vẫn đang nói chuyện về ý tưởng, kế hoạch.

"Đôi khi có cả chuyện phiếm trong nhóm làm việc vào lúc nửa đêm", An liệt kê.

“Tôi thường sẽ không trả lời những tin nhắn quá muộn, không gấp gáp hoặc chuyện phiếm như vậy, nhưng vẫn có cảm giác bị làm phiền, trong người bứt rứt”, cô nói thêm.

Cầm điện thoại ngay cả trong lúc ngủ là thói quen của Quốc Trung (27 tuổi, quận 3, TP.HCM), nhân viên thiết kế.

Anh làm việc 8 tiếng tại công sở, từ 9h đến 18h mỗi ngày. Tuy nhiên, giờ cơm tối, lúc tắm giặt, nghỉ ngơi hoặc đang ngủ, tin nhắn công việc cũng đến.

Với một số nhiệm vụ gấp, anh lại phải tiếp nối sự phiền phức cho đồng nghiệp: nhắn tin, gọi điện cho họ để trao đổi.

Với nhiều nhân sự, giờ làm việc kết thúc không đồng nghĩa với chấm dứt các tin nhắn trong nhóm công việc.

Làm sao để lập ranh giới?

Sự phát triển của công nghệ thông tin liên lạc, điện thoại thông minh giúp việc giao tiếp hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những phương tiện này cũng làm mờ ranh giới giữa công việc - cuộc sống, khiến người lao động dễ dàng nhượng bộ và làm việc bất cứ lúc nào.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia nhân sự Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc công ty Quản trị tri thức cộng đồng Nhân sự KC24, thành viên mạng lưới tư vấn Bộ Kế hoạch đầu tư, giảng viên bộ môn Quản trị Kinh doanh - Đại học Hòa Bình (Hà Nội), cho biết lý do dẫn đến tình trạng này tương đối đa dạng, song đều bắt nguồn từ công việc phát sinh hoặc các nhiệm vụ chưa giải quyết xong trong ngày làm việc.

Đối với quản lý, các cấp lãnh đạo có thể nhận tin nhắn yêu cầu cung cấp thêm thông tin để giải quyết công việc hoặc vấn đề gấp phát sinh.

Đối với nhân viên, họ thường tìm cách liên lạc với quản lý, đồng nghiệp yêu cầu hỗ trợ khi có việc gấp.

Hơn nữa, một số nhân sự lo ngại bị đánh giá thấp, thiếu chăm chỉ nên cố gắng trả lời tất cả tin nhắn của sếp, đồng nghiệp ngoài giờ hành chính.

Tình trạng nhắn tin ngoài giờ làm diễn ra trong thời gian dài có thể đem đến nhiều tác hại cả về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Về tinh thần: Sự áp lực, căng thẳng chắc chắn gia tăng.

Về thể chất: Khi tiếp xúc liên tục với ánh sáng xanh từ máy tính, điện thoại, nhãn lực dễ gặp các vấn đề đáng lo ngại.

Thời gian tái tạo sức đề kháng của con người kéo dài từ 23h đến 6h hôm sau. Nếu để công việc xen vào khoảng thời gian này trong thời gian dài, sức đề kháng lập tức bị suy yếu.

Để hạn chế những tác hại của hành động nhắn tin ngoài giờ hành chính, giải pháp chung nhất là giải quyết triệt để các nhiệm vụ trong giờ hành chính, gia tăng hiệu suất làm việc trong ngày.

Đối với doanh nghiệp, các công ty có thể đưa ra quy định cấm liên hệ bằng điện thoại, tin nhắn, email ngoài giờ hành chính. Đây là luật lệ đã được nhiều tổ chức nước ngoài ứng dụng.

Đối với cấp quản lý, các lãnh đạo cần phân quyền và ủy quyền nhiều hơn cho nhân viên, cho phép nhân sự tiếp cận nhiều nguồn thông tin, công cụ thực hiện hơn.

Đối với nhân viên, người lao động cần xây dựng thời gian biểu làm việc và nghỉ ngơi cụ thể, “giờ nào việc đó”.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần trao đổi với người thân, bạn bè để họ thấu hiểu và thông cảm nếu có công việc cần giải quyết ngoài giờ hành chính.

Việc loại bỏ tin nhắn ngoài giờ làm việc cần sự tham gia của lãnh đạo, quản lý và nhân viên.

Trong khi đó, về khía cạnh tâm lý, chuyên gia tâm lý Vera Xuân Hường, Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Tư vấn tâm lý Hạnh Phúc Việt, khẳng định rằng việc sử dụng điện thoại cho mục đích công việc ngoài giờ hành chính có thể khiến nhân viên văn phòng gặp chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Khi thực hiện công việc liên quan đến nhắn tin hàng ngày, dân công sở thường mang theo nỗi sợ bỏ qua tin quan trọng, không kịp trả lời gấp, để lỡ mất cơ hội làm việc, kinh doanh.

Vì thế, họ thường lôi điện thoại ra kiểm tra nhiều lần kể cả khi không nhận được thông báo. Hội chứng rung ảo xảy ra khi một số người lầm tưởng rằng điện thoại rung, báo tin nhắn hoặc cuộc gọi.

Nhìn chung, tình trạng trả lời tin nhắn công việc vào buổi tối, cuối tuần diễn ra thường xuyên, kéo dài có thể dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng như cáu gắt, nổi giận vô cớ khi tập trung nhắn tin, trả lời cuộc gọi; giảm mong muốn nhắn tin, gọi điện; căng thẳng, áp lực; mất tập trung, ngại giao tiếp...

Mỹ Trinh - Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/gio-lam-ket-thuc-tin-nhan-cong-viec-thi-khong-post1439818.html