Giờ làm thêm bao nhiêu là hợp lý?

Làm thêm giờ là một vấn đề lớn đang được chuyên gia và người lao động (NLĐ) tiếp tục tranh luận.

Đa số ý kiến đề nghị các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm nhưng không trả lương lũy tiến.

Tại kỳ họp vào tháng 10 này, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi, trong đó có nội dung làm thêm giờ. Theo các chuyên gia, khi năng suất lao động cao, tiền lương đảm bảo cuộc sống cho NLĐ thì phải rút ngắn thời gian làm việc.

Tuy nhiên, hiện nay và trong nhiều năm tới, nhu cầu làm thêm giờ là thực tế khách quan từ phía DN cũng như NLĐ. Bởi vậy, Bộ LĐTB&XH đề xuất quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ, các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm.

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức làm thêm giờ. Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đại diện cho giới chủ sử dụng lao động đề nghị trường hợp bình thường được làm thêm 500 giờ/năm, trường hợp đặc biệt 500 – 600 giờ/năm.

Việc xem xét mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm để bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất cho người sử dụng lao động, cũng như tăng tính cạnh tranh của thị trường việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ là cần thiết. Vì thế, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: Việc tăng giờ làm thêm lên bao nhiêu phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho NLĐ.Hiện nay, quy định thời gian làm việc chính thức của Việt Nam rất cao (48 giờ/tuần) trong khi chỉ có 10 ngày nghỉ lễ, Tết, rất thấp so với với các nước trong khu vực và thế giới. Ông Quảng đề xuất quy định chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ theo lũy tiến. Vào ngày thường, tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho những giờ tiếp theo.

Tương tự, vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200 - 250%; ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương 300 - 350%. “Trả lương làm thêm giờ theo lũy tiến nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ đồng thời góp phần khắc phục tình trạng DN không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực mà huy động làm thêm giờ” – ông Quảng giải thích.

Nhiều chuyên gia lao động cũng đồng tình với đề xuất của Bộ LĐTB&XH nới giờ làm thêm lên 400 giờ/năm cho một số ngành nghề đặc biệt, cơ bản vẫn giữ mức 300 giờ/năm để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.

“Trong trường hợp số giờ làm thêm được tăng lên thành 400, không thực hiện trả lương lũy tiến, do trước đây đã tính rất cao. Nên giữ nguyên mức tiền lương làm thêm giờ như hiện hành 150% - 200% - 300% và tính làm thêm giờ theo năm. Nếu quy định trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ nữa sẽ rất khó cho DN” – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân nêu ý kiến.

TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – xã hội, Bộ LĐTB&XH đề nghị tiền lương làm thêm giờ, về nguyên tắc phải theo cơ chế thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu, lương làm vào ban đêm, ngày nghỉ theo quy định. Không nên quy định trả lương lũy tiến đưa vào phần lương cơ bản sẽ làm cho chi phí của DN tăng lên. DN lại lách luật bằng cách cắt giờ tiền thưởng, ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại... cuối cùng NLĐ bị thiệt.

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gio-lam-them-bao-nhieu-la-hop-ly-353795.html