Gió rừng

Khi tôi ra đời, cả cha mẹ tôi đều trở thành những người thất nghiệp. Không nhà cửa. Không ruộng vườn. Mẹ tôi mỗi sớm bày cà phê ra bán ngoài vỉa hè cho những người lao động. Cha tôi chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi vợ con.

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

Nói như bác Tư Kèn - “Cô chú ấy đều là những người có danh, có giá, biên chế nhà nước, có lương đàng hoàng… Ấy vậy mà họ dám rũ bỏ tất cả để làm dân thường. Thiệt là uổng - Rít xong hơi thuốc lá cuốn tổ sâu, bác tặc lưỡi - Người ta bỏ ra cả đống tiền xin việc còn chả được. Cô chú Hào bỏ việc như không. Đúng thiệt là trẻ người non dạ, coi trời bằng vung”. Bác Tư Kèn giương mắt nhìn soi vào mặt tôi như nhìn con chim công trong vườn kiểng. Như thể không tin bác hỏi: “Vậy cháu là con cô Ba Hiền, thiệt hả?”.

Đấy là cuộc trò chuyện đầu tiên của tôi với bác Tư Kèn sau 15 năm tôi trở lại cao nguyên. 15 tuổi, tôi lớn phổng phao, xinh đẹp, nói giọng Bắc đặc sệt, không nói ngọng n với l. Ấy là cũng bởi tôi luôn được mẹ rèn giủa bằng phẩm chất và nghề nghiệp của cô giáo dạy văn cấp II. Bữa ấy xuống xe, tôi say nôn ra mật xanh, mật vàng. Bác Tư Kèn chở tôi trên chiếc xe đạp thồ, nhem nhúa, cũ nát từ bến xe về tá túc tại nhà ông bà ngoại. Thỉnh thoảng bác lại khen tôi “giống mẹ như chang!”.

Ngoại tôi, một người đàn bà xuất thân trong gia đình khá giả, sống bằng nghề buôn bán, lần đầu tiên nhìn thấy đứa cháu sau nhiều năm xa cách, ứa nước mắt thương cảm. Thương cho sự nghèo khổ của một đứa cháu ngoại mà bà nâng đỡ, cưu mang tôi từ khi còn trong bụng mẹ. Còn trong ánh mắt của đám anh chị em con dì, con cậu họ hàng ruột thịt của mẹ tôi, chúng vừa tỏ ra ngạc nhiên thích thú vì có một người chị họ dân Bắc, vừa có ý coi thường cái cách ăn mặc tuyềnh toàng, đơn giản của tôi, vốn quen sống nghèo khổ, tằn tiện.

Thêm một vài năm nữa, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều về cuộc tình của cha mẹ. Trong suy nghĩ của nhiều người quen biết cha mẹ tôi ở thành phố này, việc hai người yêu nhau và đi đến hôn nhân là chuyện động trời. Một anh sĩ quan quân đội làm nghề đặc biệt, đảng viên, đang sống và công tác ở một vùng mới giải phóng, trong rừng còn đầy rãy Phun-rô, phản động chống phá cách mạng, thiếu gì đối tượng lại đi yêu một cô giáo dạy văn có gia đình thành phần tiểu thương, gia đình có người đi lính cho chính quyền cũ. Chỉ riêng cái chuyện lý lịch, gốc tích nhà vợ là không được. Là mất lập trường. Là không thuận lẽ đời.

Ông nội tôi, một cán bộ tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp ở vùng địch hậu Hà Nam Ninh, từng có chân trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Một hôm, ông nhận thư của anh con trai trưởng báo tin sắp cưới vợ là người như thế… như thế. Trong bữa cơm chiều, ông gầm lên như con thú bị trọng thương. “Không được! Ai ngờ nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”. Bàn tay sần sùi gầy guộc của ông không kìm nén được sự tức giận, đập mạnh lên chiếc bàn gỗ cũ kĩ, long đinh. Be rượu đặt trên mặt bàn rung lên bần bật. Ly rượu mới rót ra chưa kịp uống sóng sánh trào ra mặt bàn. Bà nội tôi vốn là người nhà quê, đến lúc về già mới được hầu hạ chồng sợ xanh mắt mèo, đứng co rúm sau hàng cột, không dám hé răng. Hình như chưa hả giận, ông chửi “Thằng con bất hiếu, nó phản bội tổ tông, phản bội công lao nhà trường XHCN nuôi dạy nó… Tôi phải bắt nó về quê chứ không để đi tha phương cầu thực, trở thành đứa bất lương như thế này”.

Ông bà ngoại tôi nghe tin con gái yêu người xứ Bắc đang làm việc nhà nước cũng không vui vẻ gì. Nhưng ông vốn hiền lành, không nói gì. Bà ngoại cắn răng, đành chịu thua đứa con gái ương bướng. Hai gia đình không thuận tình cho đôi trai gái lấy nhau. Nhiệm sở cha tôi đang làm việc càng phản đối quyết liệt. Mấy phen ông phải làm kiểm điểm. Lời to nhỏ, khuyên can khôn dại nhưng không thể nào thuyết phục nổi, tính gan lì của cha tôi. Đám cưới diễn ra. Phía bên nội lấy cớ tàu xe đi lại khó khăn, đường đi cách trở không ai vào dự. Một lễ ăn hỏi đơn giản. Không đưa dâu, đón dâu, không một tiếng pháo nổ. Không xe con chăng đèn, kết hoa. Một đám cưới với dăm bảy mâm cỗ bày trong không gian nhà ngoại. Đơn vị cha tôi chỉ có một vài người bạn chí cốt dự đám cưới và không khỏi ngậm ngùi. Cưới xong, bà ngoại cho cha mẹ tôi ở tạm trong gian nhà ngang vốn trước đây làm nhà kho. Đã nhiều lần, tôi tự hỏi, tự cắt nghĩa mối tình đầy tai ương, trắc trở này. Và chỉ có một cách trả lời: đó là sức mạnh của tình yêu. Vì chỉ có yêu, một tình yêu mãnh liệt và không tính toán hơn thiệt mới giúp cho cả cha tôi, mẹ tôi có đủ dũng khí đạp qua mọi điều ong, tiếng ve, qua cả sự ngăn cách, kỳ thị xã hội áp đặt, định kiến. Cha tôi không phiền lòng khi nhận quyết định ra khỏi ngành. Mẹ tôi sau mấy năm đi dạy học cũng giã từ đám trò nhỏ dễ thương để được sống với người mình yêu thương. Mẹ tôi ngày ngày không còn được mặc chiếc áo dài, đạp xe tới trường là buồn lắm. Đi dạy học là nghề mẹ tôi đã từng ao ước từ khi còn là một nữ sinh yêu kiều, mơ mộng.

Đã có lần vào ngày nghỉ tôi về thăm nhà ngoại. Tôi lén nhìn gian nhà nhỏ lợp tôn phía sau, liền kề với nhà bếp, bây giờ không ai ở trống vắng, lạnh lẽo. Bức tường rêu phong ẩm mốc. Những chiếc lá khô rơi lả tả xuống mái tôn, trong cái nắng bỏng rát giữa ngày hè. Tôi tự hỏi: chả lẽ ta ra đời từ đây? Vào những năm “tám mươi, chín mươi” cuộc sống còn nhiều khó khăn, đường sá xa xôi cách trở, người Nam kẻ Bắc trong gia đình nhà ngoại chả mấy ai nhắc nhở quan tâm tới cha mẹ tôi. Có lần, tôi hỏi mẹ: “Sao mẹ dám theo cha về Bắc?”. Mẹ tôi cười độ lượng. Mãi sau mẹ tôi mới bảo: “Ông nội dọa tự tử, nếu ba con không về. Còn mẹ… Mẹ muốn chứng tỏ cho mọi người biết-cuộc sống cơ cực đến mấy, còn có một tình yêu”. Tôi phì cười nghe mẹ nói. Mẹ tôi vốn là một người đa cảm, sống có phần lãng mạn. Từ lúc còn là thanh nữ bà đã chất chứa biết bao những mối tình chỉ có trong tiểu thuyết. Nhưng tình yêu trong sách vở không bao giờ là cuộc đời. Tôi nghĩ vậy. Đã có lần tôi to tiếng đôi co với chồng về chuyện dạy con, về chuyện chọn màu gạch lát nền, chúng tôi cãi nhau ra trò. Khi đã nguôi ngoai cơn giận, tôi nửa đùa, nửa thật bảo anh: “Anh có tin là khi yêu nhau, ta mới chỉ hiểu nhau được 10%, nhiều nhất là 20% không?”. Chồng tôi, trợn tròn mắt bảo: “Em chỉ vẽ chuyện. Đã lấy nhau thì phải lo cho con cái, lo làm thật nhiều tiền… Anh là một người làm kinh tế việc tính toán lỗ lãi bây giờ là quan trọng nhất. Anh không có suy nghĩ theo kiểu nghệ sĩ như em!”. Hết chuyện! Tôi chỉ biết cười trừ.

Nhưng tôi thấm thía những năm được sống trong cái làng Lầm bé nhỏ ven bờ sông Đáy. Tôi vẫn không quên chuyến tàu Bắc Nam, cả gia đình tôi chuyển nhà với ba bốn cái bao tải chứa xoong chậu, bát đĩa, quần áo… và cả một tạ gạo, vài cân cà phê hạt mang về làm quà. Tôi như một chú mèo con ngoan ngoãn nằm lọt thỏm giữa cái khe hẹp của hai hàng ghế, chất đầy gạo ngô, xoài, cau, cá khô, nước mắm của cánh buôn chuyến đường dài. Tàu đi hai ngày ba đêm từ ga Nha Trang mới về tới ga Nam Định. Thêm một chuyến xe lam chạy về làng. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những con bò, con dê tha thẩn bên sườn núi đang tung tăng bứt lá ăn. Làng Lầm của tôi nằm lọt thỏm giữa một vùng đồng bằng bao quanh là những rặng núi đá vôi có những hình thù kỳ dị. Cuộc đón tiếp cha mẹ tôi và đứa cháu gái đứng đầu một tộc họ, diễn ra không mấy vui vẻ. Mẹ tôi giữ thái độ im lặng. Bà đã rũ bỏ tất cả những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ thời con gái để chấp nhận theo chồng về quê. Sau này tôi mới biết, trong ý niệm của ông tôi và những người có quyền chức ở làng, ở xã cho rằng: cha tôi - con trai cả của một ông Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ vì lấy vợ - con gái một gia đình không có lý lịch trong sạch, về làng “trắng tay, làm anh dân thường” đã là sự xỉ nhục cho làng mạc, dòng họ. Ông nội tôi ngậm đắng nuốt cay khi gặp con trai, con dâu và cháu nội. Không có tiệc rượu, bữa cơm cúng gia tiên chỉ có một số bà con thân thiết tới thăm, uống nước chè suông, nhai kẹo lạc. Cha tôi vốn gan lì, hệt như những lần khi xưa vác súng đi bắt cướp, đuổi Phun-rô, phá án, ông lầm lũi, cam chịu. Đến khi chỉ còn hai cha con, cha tôi nói với ông nội mỗi câu: “Thưa thầy mẹ, con đưa vợ con về. Có điều gì không phải xin thầy mẹ thông cảm!”. “Tùy anh chị!”. Ông nội tôi nói sẵng lạnh lùng và cầm chiếc đóm châm lửa hút thuốc. Còn tôi, bé bỏng như một cây nấm, ngơ ngác nhìn con chó vàng đang vẫy đuôi ngoài chân đống rơm, nhìn cây cau ở cạnh bể nước có chùm quả đeo nặng, chợt buông một câu thật ngô nghê: “Mẹ ơi, coi kìa, cây cau đẻ nhiều con quá”. Nội tôi đang nhả khói thuốc bật cười, rơi cả kiếng.

Tôi vẫn còn nhớ trận đòn của mẹ tôi năm tôi lên sáu, khi lần đầu được cắp sách đến trường. Tôi ghét đi học, phải đến ngồi cạnh những đứa trẻ con không hề quen biết. Cầm chiếc cặp bên trong có những cuốn vở, tôi đã vất ngay xuống nền sân ẩm ướt. Mẹ tôi trợn tròn đôi mắt, bà kéo tôi ra ngay sau bụi tre ở đầu cổng và phát đánh “đét” một cái vào lưng tôi. Tôi bặm môi “ứ” thèm khóc. Khóc là hèn - cha tôi bảo vậy! Tôi giương mắt nhìn lại mẹ. Chính mẹ tôi lại bật khóc. Bà ngồi sụp xuống và ôm tôi vào lòng, nói: “Con ơi, chỉ vì con, vì em con mà mẹ phải chịu đựng như thế này đây. Ba mẹ chịu nhục, chịu khổ để cố cho các con có miếng cơm, manh áo hơn người. Để nói với người ta rằng - ba mẹ đã thương nhau thì có thể làm được tất cả. Con phải thương mẹ, con phải đi học, học cho giỏi nhất cái làng này”.

Có thể, hôm đó tôi chưa hiểu hết những điều mẹ tôi nói nhưng tôi cũng nghe lời bà, đeo cặp đến lớp học trường làng. Bản tính của tôi ham chơi, hơn là ngồi học. Năm tuổi tôi đã biết theo bà nội dắt con trâu được hợp tác xã nông nghiệp làng Lầm “ưu ái” ông nội là lão thành cách mạng, phân cho chăn dắt, chăm bẵm để lấy mỗi năm vài trăm điểm. Nuôi trâu còn có cái lợi là có phân để bón ruộng. Tôi cũng là những đứa trẻ lanh mắt, lẹ tay vào mỗi buổi sáng chạy nhanh trên con đường làng để cắm cành tre vào bãi phân trâu còn nóng hổi, bốc khói, ngai ngái mùi cỏ khô. Bà nội, các cô tôi lát nữa sẽ ra xúc đống phân trâu vào chiếc rổ sảo, đưa về nhà ủ phân xanh, bón ruộng. Buổi chiều, theo mấy đứa trẻ trong xóm ra bờ mương be bờ, tát cá. Mặt mũi lấm lem bùn đất.

Nhưng điều này là có thật: Mẹ tôi đã chứng minh cho ông bà nội tôi, cả dòng họ Vũ cho bà con làng Lầm, bà không phải là một đứa con gái quen ăn chơi đua đòi, chỉ biết ăn bám chồng, móng tay móng chân sơn xanh, sơn đỏ “đi ra quét ngõ cũng phải bôi kem, son phấn” - như những kẻ xấu miệng truyền tụng, loang ra làng trên xóm dưới.

Làng Lầm, quê tôi - một điển hình của làng quê xứ Bắc. Gần như cả làng đều là nông dân. Quá nửa số gia đình đều có con, em đi bộ đội. Nhiều người là thương binh, liệt sĩ. Thương binh, bộ đội phục viên về làng cũng lại làm anh dân cày. Tháng ba, ngày tám đàn ông ngồi bế con cho vợ đi làm thuê, cuốc mướn. Họa hoằn lắm mới có một vài người đi “thoát ly”, cũng chỉ làm anh công nhân cầu đường hoặc ngồi bơm xe, vá lốp ở ngoài cây đa đầu cổng làng. Trong làng, hàng quán duy nhất là gánh hàng xén của mụ Mến ở gần đình bán vài ba cuốn vở, cây bút, cây kim, sợi chỉ. Ai muốn mua thứ khác thì ra “bách hóa” của hợp tác xã bán theo sổ, theo hộ khẩu. Hàng hóa cũng không có gì nhiều. Làng Lầm không có chợ. Ngay gốc đa đầu làng, mỗi buổi sáng có vài ba người đi buôn hàng rong quanh các làng sang bán mớ tép khô, cá khô, bìa đậu, nước mắm, muối… Một vài anh đi câu cá đêm, đi đánh dậm, đi cất vó tôm có được con tôm, con tép, xâu cá nào cũng mang tới gốc đa, đổ tôm cá ra mấy tàu lá chuối ngồi bán. Món điểm tâm sang nhất là gánh bánh đúc lạc, bánh bèo của bà Quy người làng. Bánh bèo đổ ra bát lót lá chuối. Chỉ những người ốm, người già, trẻ con gia đình khá giả mới có tiền ăn thứ quà quê ấy. Nội tôi, có lương hưu, cả tháng ông cũng chỉ dám mua bánh đúc, bánh bèo một đôi lần, ăn sáng. Tôi là cháu gái nội, đầu bảng được ông cho nửa cái bánh bèo hoặc một miếng bánh đúc có vài hạt lạc, đã là oách lắm! Bà nội, ba mẹ tôi, các cô tôi thì đừng hòng mơ tưởng được ông cho ăn bánh đúc, bánh bèo. Họ lót dạ bằng khoai lang, ngô hầm để đi làm đồng.

Những ngày đầu về làm dâu, lần đầu tiên mẹ tôi vào bếp nấu cơm. Cơm nấu nồi đồng, đun bằng rơm suýt làm cháy nhà. Mùa tháng năm trời nóng, để nấu chín được một nồi cơm to cho cánh thợ gặt ăn đâu phải dễ. Mẹ tôi nhét đầy rơm vào trong chiếc bếp được kê bằng ba ông đầu rau đen nhẻm. Rơm khô bén lửa bốc cháy đùng đùng. Mẹ tôi sợ quá hét toáng lên, may mà cha tôi ở gần đấy, hắt nước dập tắt được ngọn lửa. Ấy vậy mà chỉ một thời gian ngắn, mẹ tôi đã có thể làm được mọi việc từ chuyện cơm nước, giã cua, làm lươn, làm ốc, phụ giúp cha tôi việc đồng áng, cày cuốc, tát nước, chở phân ra đồng, chăm sóc vườn cây, luống khoai, trồng rau trên mảnh đất phần trăm của nhà. Không bao giờ tôi còn được nhìn thấy mẹ tôi tha thướt trong những chiếc áo dài như đã từng nhìn thấy bà mặc trong những tấm ảnh cất ở album, thỉnh thoảng lại giở ra xem vào những lúc cả nhà ngồi trên chiếc giường gỗ xoan ọp ẹp ở gian nhà ngang, vừa ăn ngô rang vừa coi ảnh trong ánh điện đỏ quạch. Làng Lầm gần đường quốc lộ, gần ga xe lửa. Đứng từ cổng nhà tôi, vào mỗi buổi chiều nhìn thấy rõ những toa tàu đen trũi, lầm lũi nhả khói đen trời. Ban đêm tiếng còi tàu vào ga nghe càng róng riết, heo hắt.

Nhưng cả cha và mẹ tôi đều có chung một ý tưởng là không chịu chấp nhận phận nghèo. Đã có lần, tôi nghe ông bảo mẹ tôi: “Mình đã mất tất cả: nghề nghiệp, danh dự, sĩ diện với bà con làng xóm thì mình ngại gì không bung ra làm ăn để kiếm tiền”. Danh dự và sĩ diện của ông, sau này tôi hiểu, ý ông muốn nói đến mình không phải người nhà nước, không có lương, không có tem phiếu, không được bà con trong làng kính trọng (!). Cha mẹ còn được chút ít vốn còm cõi nhờ buôn bán thuốc tây, thuốc lá ngày ở Tây Nguyên. Vàng đổi ra tiền đem đi buôn. Buôn vải, buôn áo quần, thuốc lá, phân đạm, buôn gạo, buôn xoài, từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Có chuyến một vốn bốn lời, cũng có chuyến mất sạch. Nhưng tôi biết chắc một điều, nhờ buôn bán mà cuộc sống gia đình tôi khá lên. Ngôi nhà mái rạ, tường đắp đất trộn rơm được cha tôi dỡ ra thay thế bằng một ngôi nhà xây ba gian, đổ mái bằng, có cầu thang leo lên sân thượng. Vào mỗi buổi tối oi nồng, nóng bức cả nhà tôi leo lên đấy, rải chiếu ngồi ngắm trăng. Cha tôi đã mua được một chiếc Hon đa 67, thỉnh thoảng chở cả nhà ra thị xã Ninh Bình hay vào Tam Điệp ăn phở bò. Có lần ông còn đưa hai mẹ con vào tận trong núi coi đền thờ vua Đinh, vua Lê và cho ăn thịt dê. Vào những năm “chín mươi”, khi chiếc ti vi còn là thứ xa xỉ cha mẹ đã sắm được ti vi màu và đầu máy chiếu video, để kinh doanh chiếu phim cho cả làng xem. Nội tôi thấy thằng con “trời đánh, thánh vật” - như ông thường nói, ăn lên làm ra, lại tỏ ra bực bội, luôn mồm chửi: “Tiên sư mày! Đi cho lắm vào, cái hay cái tốt không học, toàn mang những thứ “văn hóa đồi trụy” về phá nát làng…”. Chửi vậy thôi, nhưng vào những tối thứ bảy, chủ nhật chiếu phim “Công lý và báo thù”, “Tam quốc diễn nghĩa”, phim chưởng Hồng Kông, ồn ào không ngủ được, ông nội lại lững thững ghé mắt vào xem. Và chỉ đến khi tên tuổi cụ Vũ Đào làng Lầm được réo to trên chiếc loa treo ở cây gạo đầu làng, ông mới ngã ngửa người ra, ngỡ ngàng. Cô phát thanh viên còn nói rõ: Cụ Vũ Đào là người có công đóng góp hơn một nửa số tiền xây lại nhà thờ tổ đã bị phá đi từ chống Pháp và một khoản tiền lớn để dựng lại đình làng. Buổi đêm, lúc vắng người, ông căn vặn hỏi con trai “Tiền đâu? Vợ chồng anh ăn cắp hả?”. Ông con trời đánh trả lời: “Tiền mồ hôi nước mắt của vợ chồng con làm ra, cũng là tiền của thầy mẹ! Con thay thầy dựng lại nhà thờ tổ? Cúng giỗ hàng năm, kẻo con cháu quên tổ tông, ông bà!”. Đúng quá, nội tôi cứng họng, thở dài. Những ao đầm ở làng Lầm xưa nay hợp tác xã bỏ hoang, giao cho xã viên “nuôi cá cá chết, thả bèo bèo tan”. Cha tôi đấu thầu với hợp tác xã, ông thuê người, thuê máy xúc nạo vét mua cá giống, ba ba, lươn đem về nuôi… Ba ba, tôm cá xuất khẩu, bán cho nhà hàng Hà Nội. Trúng to! Vào ngày giỗ tổ, cha tôi là người tập hợp anh em họ mạc mổ lợn, làm vài chục mâm cơm mời anh em trong họ và đãi khách.

Có một chuyện mà cha tôi và chú Thoản sẽ ân hận suốt đời. Chú Thoản gọi cha tôi bằng anh, nhưng hơn cha tôi tới mươi tuổi. Chú Thoản là thương binh, bộ đội chống Mỹ về làng được bà con tín nhiệm bầu vào chức Chủ tịch xã, Phó Bí thư Đảng ủy. Một hôm, chú Thoản đến gặp cha tôi bàn công chuyện làm ăn. Ông nội tôi đang ngồi dí sát tai vào chiếc đài pin nghe tin tức. Thấy cháu đến chơi, ông ra ngồi ghé hút thuốc lào hóng chuyện. Bất chợt chú Thoản bảo ông nội: “Ông này, kỳ tới họp chi bộ chúng con có ý xin phục hồi đảng viên cho anh Hào. (Hào là tên cha tôi)”. Nghe thủng câu nói, chợt mắt ông tôi trợn ngược: “Anh nói thật hay đùa?”. “Lại chả thật! Chú ấy nuôi sống nửa cái làng này bằng nghề phụ. Không tham ô, tham nhũng, hết lòng với người bà con… Đảng viên thì cũng chỉ đến vậy!”. Nội tôi vụt đứng dậy. Ông cầm chiếc se điếu chỉ thẳng vào mặt anh Chủ tịch xã: “Cái thằng này mà là đảng viên ư? Nó thoái hóa, biến chất… Các anh láo… Các anh định phá đảng hử… Tôi… Tôi sẽ kiện…!”. Nói chưa dứt câu, nội tôi ngã vật xuống nền nhà, mắt trợn ngược, sùi bọt mép. Ông nội phải đi nằm viện ở tỉnh mất nửa tháng. Mẹ tôi, cha tôi lo thuốc men, cơm nước chu toàn, nhưng từ dạo ấy nội tôi liệt hẳn một bên cánh tay, tiếng nói méo, không còn tròn vành rõ chữ. Ông không bao giờ nói chuyện với cha tôi nữa. Có việc nhà, ông gọi mẹ tôi vào nói lại với cha tôi.

Nhưng từ ngày gia đình tôi trở nên khá giả, có chút vốn liếng, mẹ tôi lại là người không vui. Trong bà chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm. Bông hoa đầu tiên chào đời là tôi còn được cưng nựng, quý mến nhưng đến bông hoa thứ hai, em gái tôi ra đời đã nhìn thấy những ánh mắt ngán ngẩm của gia đình bên nội, của cha tôi, của bà con họ mạc. Họ mong mẹ tôi sinh hạ một hoàng tử để có đứa cháu nội đích tôn, tộc trưởng dòng họ Vũ cho thế kỷ XXI. Lần đẻ thứ hai, em Diệp phải mổ? Mẹ lại bị cắt dạ con. Niềm hy vọng có một đứa cháu đích tôn không còn nữa.

Nhiều ngày, nhiều tháng, cha tôi vắng nhà luôn. Phần thì mải lo công việc nuôi tôm cá, hùn tiền vay ngân hàng mua máy cày, máy bơm nước, mở doanh nghiệp dịch vụ sản xuất nông nghiệp, đi giao đãi với các quan chức hàng huyện, hàng tỉnh để nhờ họ giúp đỡ làm ăn. Cái tài nói chuyện và uống rượu của cha tôi được phát huy tối đa. Có bận ông đi dăm bữa, nửa tháng mới về nhà. Áo quần nồng nặc mùi rượu, thuốc lá và cả mùi son phấn. Kinh tế gia đình tôi khá giả. Khuôn viên nhà cũ chật hẹp, cũ kỹ. Ngôi nhà mái bằng trở nên lạc hậu, lố bịch so với những ngôi nhà tầng hiện đại đã bắt đầu mọc lên ở thành phố. Cha tôi quyết định đập đi căn nhà mái bằng. Trên mảnh vườn của nội tôi giờ được dựng lên một ngôi nhà xây ba tầng, kiểu dáng nhà hiện đại, thiết bị nội thất sang trọng. Nội tôi vẫn giữ ngôi nhà lợp ngói ta xưa kia, chỉ đồng ý cho cha tôi thay mấy cây cột đã bị mọt; lật hàng gạch đỏ luôn ẩm ướt thay bằng gạch hoa. Cha tôi dành hẳn một phòng tầng một ngôi nhà xây để làm chỗ ở cho ông bà nội, nhưng ông kiên quyết không ở ngôi nhà tây. Ông cũng chẳng mấy khi bước chân lên ngôi nhà “địa chủ” (!). Nhà “địa chủ” là chữ ông nội tôi gọi căn nhà của cha tôi với một giọng mỉa mai, thù ghét. Nhưng nội tôi không còn sức khỏe và tài lực gì để phế truất quyền thừa tự của anh con trai trưởng. Cha tôi bỗng dưng là người có tiếng nhất làng. Lãnh đạo cấp trên, thỉnh thoảng lại mời cha tôi đi họp, cấp dưới nể phục. Như thể trêu tức ông nội, cha tôi mua xe con, xe tải đủ cả. Hàng trăm hộ dân biết ơn cha đem lại việc làm cho con cháu họ, dù chỉ là làm công hưởng tiền theo thời vụ. Ở nhà quê, mỗi ngày đi làm kiếm được vài chục đồng đã là quý. Cha tôi còn lập ra tổ thợ xây, tập hợp những thợ nề giỏi quanh vùng, đấu thầu công trình xây dựng của huyện, của tỉnh. Nhiều người trong làng, trong xã vui vì kiếm được công ăn việc làm, có thêm tiền đưa về cho vợ con. Công việc cực khổ, vất vả nhưng còn hơn đói nhăn răng, không việc làm.

Chỉ thương mẹ! Nỗi buồn của một kẻ tha hương luôn đeo bám bà. Từ khi tôi hiểu được vị mặn của nước mắt, tôi thường bắt gặp bà khóc thầm, nét mặt luôn u ám, ít nụ cười vui. Quan hệ giữa cha và mẹ không còn mặn nồng ấm áp như trước. Một hôm, chỉ có hai mẹ con ở nhà, mẹ bảo: “Dạo này mẹ không ngủ được con ạ!”. Tôi nhìn kỹ gương mặt bà. Mắt mẹ quầng thâm làn da trắng mịn, đôi mắt mơ mộng xưa kia giờ đuôi mắt đã xuất hiện những nếp nhăn. Mẹ lại bảo: “Đêm nào mẹ cũng mơ thấy cảnh đồi núi chập chùng. Có bận mẹ còn mơ thấy hai mẹ con đuổi nhau giữa sườn đồi mọc toàn hoa lau, hoa dã quỳ vàng rực… Đẹp ơi, là đẹp!”. Trong đáy mắt của bà lóng lánh ngấn nước.

Mẹ tôi bỏ nhà đi vào một ngày cuối năm. Dạo ấy, cha tôi có công chuyện, đánh xe đi biên giới mua hàng. Đến trưa, rồi chiều tìm khắp trong làng, ngoài bãi không thấy mẹ tôi. Không ai biết mẹ tôi đi đâu. Về sau phát hiện khi dời khỏi nhà, bà chỉ mang theo một túi nhỏ, đựng vài bộ áo quần và đồ nữ trang. Bà để lại một mảnh giấy nhỏ gửi cho cha tôi. Vỏn vẹn có mấy dòng: “Tôi sống với ông 15 năm. Đã có một tình yêu. Đã làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ, với ông bà nội, với con cái. Gia đình ta cũng đã đủ ăn, đủ mặc, đảm bảo cho con cái sống yên ổn, hạnh phúc. Giờ là lúc tôi phải ra đi”. Mẹ dành riêng cho 2 chị em tôi một dòng. “Uyên và Diệp thương! Mẹ yêu các con. Mẹ luôn che chở cho các con!”.

Diệp - em gái tôi chưa tới mười tuổi, đang đi học ở trường làng. Về nhà thấy mất mẹ, òa khóc. Ông nội, bà nội ngậm tăm. Thương cháu mà chả biết làm gì. Cha tôi vẫn chưa về. Con Diệp, vừa la hét, vừa khóc chạy ra ngoài cánh đồng tìm mẹ. Những mảnh ruộng cuối năm xanh mướt ngô, khoai, rau vụ đông. Ngan ngát một màu hoa cải vàng. Thảng thốt tiếng còi tàu vọng lại chìm trong màn mưa phùn trắng đục.

Cha tôi nhắn tin trong mục “Tìm người nhà mất tích” trên Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh. Cha cử người vào Tây Nguyên, dò hỏi tung tích mẹ tôi phía bên ngoại. Ông bà ngoại và các cô các dì hoảng loạn. Không một ai biết mẹ tôi ở đâu. Con người chứ đâu phải là hạt cát. Có một vài cái xác chết trôi sông, cả nhà túa đi tìm, nhưng không phải mẹ. Một thời gian sau, cha tôi đã có thể ung dung đi lại công khai giới thiệu với mọi người về người đàn bà trẻ chưa tới tuổi 30 đã đem đến cho ông một niềm hy vọng, là cái thai trong bụng, một bé trai 7 tháng tuổi, đủ để nối dõi tông đường. Nhưng “bà mẹ kế” của tôi sống ở thành phố chứ nhất quyết không cam chịu về làm dâu ở làng Lầm.

Thêm hai mùa đông nữa, khi tôi vào Tây Nguyên theo học ở một trường nghệ thuật, tôi mới được gặp mẹ. Mẹ tôi không chết, cũng chẳng mất tích. Bà chỉ im lặng, âm thầm đau khổ sau những năm chung sống với cha tôi. Cắn răng chịu đựng tất cả mọi nỗi ưu phiền. Mẹ lặng lẽ tự giải thoát mình tìm đến một khung trời tự do. Xã hội chuyển đổi, mẹ tôi trở về với nghề buôn. Nhờ trúng cà phê mấy vụ vốn liếng của mẹ tôi tăng nhanh. Bà trở về với mảnh đất Tây Nguyên, mua đất xây nhà. Từ việc tôi được đi học ở trường nghệ thuật, chuyện ăn chuyện mặc, sống trong khu ký túc xá của nhà trường, một tay mẹ tôi lo cả. Quen biết với những người bạn cũ, họ sẵn lòng giúp đỡ mẹ tôi. Sự khoáng hoạt, lanh lẹ trong cuộc sống thương trường và khi vận hội đến đã cho mẹ tôi tất cả. Nhà cửa, trang trại trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, tiền bạc, các tiện nghi sinh hoạt… Cái thiếu nhất của bà là một tình yêu và hạnh phúc gia đình đầm ấm, nề nếp như bà hằng mong ước. Tôi, em Diệp - những đứa con của bà vẫn không bù đắp được. Trong sâu thẳm, bà vẫn còn yêu cha tôi. Tình yêu một thời đã đem đến cho mẹ tôi cả niềm vui và nỗi buồn, đi qua những tháng năm cơ cực, nghèo hèn, đau khổ nhưng lại giúp cho bà hiểu ra sức mạnh nội tại ở chính mình và giá trị của cuộc sống.

Bây giờ tôi đã là diễn viên trong một đoàn nghệ thuật. Đã có gia đình riêng. Chồng tôi là kỹ sư công nghiệp, làm chủ một doanh nghiệp khai thác đá. Gia đình nhỏ của tôi có nhiều niềm vui, nhưng không khỏi có những buồn phiền. Những va vấp trong cuộc sống thường nhật của một người đàn bà ở vào một thời kỳ đầy biến động và xáo trộn vẫn luôn xảy ra. Chỉ biết rằng, mỗi khi bế tắc, chán nản, tôi lại tìm về với mẹ. Mẹ tôi không sống ở thành phố mà ẩn mình trong một ngôi nhà nhỏ, ấm áp giữa những vườn cà phê, cao su xen kẽ với những cánh rừng thông xanh rợp. Không khí trong lành của buổi sớm mai. Yên tĩnh không một tiếng còi xe. Lảnh lót tiếng chim họa mi. Phảng phất mùi hương hoa nhài từ những luống hoa ngoài vườn đưa tới. Tôi như được hòa vào thiên nhiên cây cỏ.

Ngoài hàng hiên, mẹ tôi bình thản ngồi nhâm nhi tách cà phê chơi đùa với đứa cháu ngoại.

Đỗ Kim Cuông

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/gio-rung-68838