Giỗ tổ Hùng Vương là cơ hội để kiều bào xích lại gần nhau

'Giỗ tổ Hùng Vương là dịp gắn kết cộng đồng, giúp lớp trẻ nhớ đến cội nguồn và tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam với quốc tế,' Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ về dự án 'Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu'.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình ( thứ 5 từ trái sang) trạo phiên bản tượng vua Hùng cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Ảnh; TL

Đại sứ Nguyễn Phú Bình ( thứ 5 từ trái sang) trạo phiên bản tượng vua Hùng cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Ảnh; TL

Đại sứ Nguyễn Phú Bình cũng là Trưởng ban Ban vận động dự án này. Ông đã chia sẻ với Tiền phong sau khi tham dự “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” tại Lào, Thái ngày 5-6/4 vừa qua. Ngoài ra, ''Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” năm nay cũng được diễn ra đúng ngày tại Nhật Bản và Ba Lan. Canada cũng sẽ tổ chức ngày Giỗ tổ Hùng vương vào ngày 30/4.

Xin ông cho biết dự án này đã được tiến hành như thế nào?

Trước đây, lễ giỗ tổ Hùng Vương đã từng được thực hiện một vài nơi ở nước ngoài nhưng chưa bài bản. Đây cũng chính là sáng kiến của một số kiều bào và Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ hết mình.

Năm ngoái dự án bắt đầu thực hiện lần đầu tiên tại 5 nước, nhưng chủ yếu là Séc và Nga. Năm nay cũng tổ chức tại 5 nước (Lào,Thái Lan, Nhật Bản, Ba Lan, Canada). Chúng tôi lên kế hoạch trong 5 năm, mỗi năm tổ chức ở 4 hoặc 5 địa bàn trên thế giới để tạo ra hiệu ứng.

Tôi nghĩ rằng, sau 5 năm sẽ làm được 25 nước cũng rất tốt. Sau này, khi hiệu ứng lan tỏa, nếu kiều bào có nhu cầu, Hội sẽ ủng hộ bằng cách gửi kịch bản cho họ tự làm.

Ông có thể cho biết kịch bản được thống nhất như thế nào?

Chúng tôi đã lên format chung để các nước có thể căn cứ vào đó thực hiện tùy theo tình hình của địa bàn mình. Chằng hạn, năm nay ngày Giỗ tổ diễn ra đúng vào ngày lễ hội té nước của người Lào và Thái Lan, nên nó được tổ chức sớm hơn vài ngày.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có những hướng dẫn chi tiết, có bài văn tế, thống nhất về việc đúc tượng Vua Hùng để tránh mỗi nơi một tượng khác nhau.

Kịch bản chung có ba phần: Phần lễ, phần hội và phần tọa đàm. Phần lễ là quan trọng nhất, phần hội thì dễ thực hiện, còn tọa đàm thì tùy nơi nào có điều kiện thì làm.

Năm ngoái ở Nga và Séc mới chỉ làm được phần lễ và phần hội, còn tọa đàm thì chưa làm được. Năm nay ở Lào làm được cả ba phần, có thể nói là toàn diện nhất.

Sau hai năm tham dự ''Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu'' ở nước ngoài, ông nhận thấy thế nào?

So với năm ngoái, sự tham gia của kiều bào Lào năm nay đông hơn vì các chi hội địa phương đều kéo về khá đông. Lễ Giỗ Tổ tại Udon Thani, đông bắc Thái Lan, nơi có đông kiều bào nhất tại Thái Lan, cũng có các chi hội từ hơn 10 địa phương khác nhau tại Thái Lan tới tham dự. Tôi nhận thấy, kiều bào hưởng ứng ngày càng nhiều. Nhiều địa phương bày tỏ với tôi nguyện vọng được tổ chức Ngày Giỗ tổ tại địa bàn nơi mình sinh sống.

Thực ra, những người làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài như tôi luôn muốn tạo ra cho người Việt trên toàn thế giới có một ngày hội chung, gắn kết cộng đồng. Đây cũng là dịp giúp lớp trẻ nhớ đến cội nguồn và đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ra ngoài vì đây là đặc sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Đây còn là dịp để giao lưu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Xin cảm ơn ông.

Hà Thu

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/gio-to-hung-vuong-la-co-hoi-de-kieu-bao-xich-lai-gan-nhau-1402624.tpo