Giỗ Tổ Hùng Vương - tín ngưỡng cội nguồn

Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp cả dân tộc Việt Nam hướng lòng mình về miền đất Phú Thọ để tưởng nhớ công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Biết ơn nguồn cội đã trở thành một tín ngưỡng văn hóa đặc trưng của lễ hội này, hơn nữa còn tác động lên hoạt động của các dòng tộc, gia đình…

Nghi thức tế lễ trong lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ảnh: Phương An (Báo Phú Thọ)

Nghi thức tế lễ trong lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ảnh: Phương An (Báo Phú Thọ)

Tháng 3 âm lịch, khi tiết trời bắt đầu ấm áp và huyền hoặc trong màn mưa bụi phủ mờ không gian, lòng người Việt trên khắp mọi miền lại dậy lên câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.

Tháng 3, dù ở đâu, nơi núi cao hay biển thẳm, an định nơi quê hương bản quán hay bôn ba xứ người thì mỗi tấc lòng người Việt đều hướng về núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) để tưởng nhớ công lao của các vị Vua Hùng. Đền Hùng, ở một phương diện nào đó chính là biểu tượng tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt. Và, Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để tưởng nhớ công lao của những anh hùng dân tộc trong quá trình lập quốc cũng như quá trình phân cư “mang gươm đi mở cõi”.

Hàng triệu người dân Việt hành hương về Phú Thọ tế lễ. Ảnh: Phương An (Báo Phú Thọ)

Tập tục thờ cúng Hùng Vương ở một làng đã lan rộng ra nhiều miền quê khác như muôn lớp sóng và dần dần trở thành tín ngưỡng trong nhân dân. Tín ngưỡng ấy xuất phát từ truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đồng thời cũng như một suối nguồn, bồi đắp thêm cho dòng chảy văn hóa dân gian thêm những giá trị mới. Và, tự thân tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng có nhiều biến đổi để đầy đặn hơn, đa tầng hơn qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Điều đặc biệt là dù ở thể chế chính trị nào của đất nước, phong tục thờ cúng Hùng Vương cũng rất được coi trọng. Dễ thấy, trong hệ thống các tín ngưỡng dân gian, rất khó để tìm ra một tín ngưỡng nào nhận được sự hòa hợp cao và bền bỉ như thế. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho rằng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết quả của quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen một cách hài hòa. Và tính cố kết cộng đồng, nhận thức về một ông Tổ của đất nước là cơ sở tạo ra đặc trưng ấy của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Du khách hưởng ứng các hoạt động văn hóa dân gian tại lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Phương An (Báo Phú Thọ)

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tác động lên nhận thức và niềm tin của người dân khiến cho đạo lý uống nước nhớ nguồn ngày càng được tô đậm hơn. Điều đó thể hiện trong các hoạt động thờ cúng thành hoàng làng, tế lễ dòng họ và thờ cúng tổ tiên trong các cộng đồng dân cư, dòng tộc và gia đình mỗi dịp lễ tết.

Chẳng những thế mà ở Hà Tĩnh, hàng năm có rất nhiều lễ hội thờ cúng, suy tôn các vị anh hùng như tế giỗ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các vua Hùng ở đền Đại Hùng, lễ tế giỗ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, lễ giỗ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, hội làng Nhượng Bạn, lễ cầu ngư làng Hội Thống... và rất nhiều lễ hội suy tôn thành hoàng làng, suy tôn các cụ tổ của dòng họ khắp mọi miền. Lễ hội cũng là dịp để cộng đồng, con cháu tụ họp nhau về cùng tri ân công lao của tổ tiên. Từ đó, thấm nhuần hơn đạo lý uống nước nhớ nguồn. Từ đó, lòng yêu nước và tự hào dân tộc được bồi đắp. Và cũng từ đó, mỗi người lại có thêm động lực để góp sức mình gìn giữ, xây dựng Tổ quốc.

Con cháu Lạc Hồng hướng về Quốc Tổ. Ảnh: Khánh Nguyên

Cao hơn mọi phê chuẩn của Nhà nước về ngày Giỗ Tổ, cao hơn sự công nhận của UNESCO về di sản văn hóa của dân tộc chính là sự tiếp nhận, gìn giữ tín ngưỡng này trong đời sống văn hóa của các thế hệ công dân Việt. Khi con người còn biết hướng về nguồn cội là còn biết trân trọng và giữ gìn thành quả của quá khứ. Về phương diện đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là dòng sông chuyên chở giá trị truyền thống kết nối với hiện tại xây dựng nên tương lai của dân tộc.

Phong Linh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/gio-to-hung-vuong-tin-nguong-coi-nguon/153234.htm