Giới chuyên gia: EU sẽ đối mặt với viễn cảnh giá lạnh bất thường

EU đang chuẩn bị bước vào một mùa Đông khắc nghiệt trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga tiếp tục gián đoạn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt và chi phí sinh hoạt đang xảy ra.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức ngày 30/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị bước vào một mùa Đông khắc nghiệt trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga tiếp tục gián đoạn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt và chi phí sinh hoạt đang xảy ra.

Nhà sản xuất khí đốt lớn nhất tại Nga là tập đoàn Gazprom ngày 2/9 thông báo dừng vô thời hạn việc cấp khí đốt qua đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1 vì lỗi kỹ thuật trạm bơm.

Theo Gazprom, cơ quan giám sát công nghệ và sinh thái học Rostekhnadzor của Nga cảnh báo các lỗi kỹ thuật mới phát hiện sẽ khiến các động cơ tuabin khí không thể vận hành trơn tru.

Nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức thông qua hệ thống ống dẫn trên sẽ gián đoạn vô thời hạn. Hoạt động cung cấp khí đốt cho công ty năng lượng hàng đầu của Pháp là Angie cũng đã tạm dừng từ ngày 1/9.

Giới phân tích cho rằng việc Nga cắt nguồn cung khí đốt sẽ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu thêm tồi tệ, khiến giá cả tiếp tục leo thang, đẩy lạm phát lên cao hơn và đời sống của người dân sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng.

Tình trạng khan hiếm năng lượng tại châu Âu thêm trầm trọng và có thể làm thay đổi cấu trúc cung cầu trên thị trường thế giới. Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường nỗ lực để đa dạng hóa nguồn cung khí đốt nhập khẩu, giảm tiêu thụ nhưng dường như vẫn chưa có hiệu quả thực sự khi giá khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức cao kỷ lục và việc Nga tạm dừng cung cấp cũng sẽ khiến tình hình xấu thêm, gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ rơi vào suy thoái do gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga và thiếu các phương án bù đắp trong ngắn hạn.

Theo hãng này, nguy cơ Nga cắt toàn bộ nguồn cung ngày càng cao và có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone giảm từ 1,5-2 điểm phần trăm.

Điều này dẫn tới suy thoái bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, trong đó Đức và Italy sẽ ghi nhận GDP tăng trưởng âm trong năm 2023. Đức, nền kinh tế đầu tàu của khu vực, sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng hoặc chi phí tăng vì ngành công nghiệp nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

Một khi Đức chịu tác động nặng nề nhất thì hậu quả là nền kinh tế EU nói chung cũng sẽ đối mặt với những nguy cơ suy thoái. Ngày 31/8, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo nước này sẽ đứng trước những thách thức nghiêm trọng nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, cho rằng năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn do tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Lạm phát tại Eurozone cũng đã lên mức cao kỷ lục mới - 9,1% trong tháng 8 khi giá năng lượng và thực phẩm không ngừng leo thang. Lạm phát và giá cả tăng phi mã đang khiến cuộc khủng hoảng chi phí ở 19 nước Eurozone thêm trầm trọng. Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ Pháp đã tiếp tục áp trần giá khí đốt tự nhiên ở mức ngang bằng hồi tháng 10/2021 cho đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết giá năng lượng của các hộ gia đình sẽ tăng từ đầu năm 2023 và điều này là không tránh khỏi.

Một nghiên cứu mới thực hiện tại Pháp, Đức, Ba Lan và Anh chỉ ra nhiều người châu Âu lo ngại lạm phát quá cao do ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng sẽ kéo theo những bất ổn xã hội, biểu tình và đình công. Nghiên cứu do hãng YouGov thực hiện chỉ ra chi phí sinh hoạt là điều quan trọng nhất với những người châu Âu ở 4 quốc gia kể trên.

Tính trung bình, mức dự trữ khí đốt tự nhiên của EU đã đạt tới 80% năng lực, sớm hơn nhiều so với thời hạn tháng 10 như giới chức EU đề ra trong kế hoạch khẩn cấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt và chưa tìm được nguồn cung thay thế, 27 nước thành viên EU vẫn phải hy vọng vào một mùa Đông bớt lạnh giá hơn để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo chuyên gia cao cấp Jacob Mandel, từ Aurora Energy Research, dù các thông số về dự trữ khí đốt có thể mang lại tín hiệu tích cực giúp giảm áp lực giá cả trong ngắn hạn nhưng chỉ riêng khí đốt dự trữ sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu mùa Đông. Nguy cơ thiếu khí đốt vẫn tồn tại vì nếu mùa Đông khắc nghiệt hơn dự tính thì nguồn dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt do nhập khẩu không kịp bù đắp cho mức tiêu thụ.

Trước nguy cơ "khát" khí đốt, EU đã nhanh chóng tìm kiếm những nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cơ sở tích trữ LNG và việc xây dựng những địa điểm này cần nhiều thời gian đều là những yếu tố cản trở các nỗ lực của EU.

Ngay cả nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 của EU là Na Uy cũng đã không thể bù đắp lượng khí đốt bị thiếu như kỳ vọng dù đã cam kết tăng nguồn cung. Giám đốc dự báo toàn cầu của The Economist Intelligence Unit cho rằng EU đang bước vào một mùa Đông khắc nghiệt và nên chuẩn bị cho 2 năm cưc kỳ khó khăn với nhiều tổn hại về kinh tế./.

Lê Ánh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gioi-chuyen-gia-eu-se-doi-mat-voi-vien-canh-gia-lanh-bat-thuong/257090.html