Giới chuyên gia 'giải mã' thiết kế mới của tên lửa Triều Tiên Chollima-1

Các nhà phân tích ngày 1/6 cho biết tên lửa đẩy phóng vệ tinh mới của Triều Tiên dường như là một thiết kế mới và rất có thể sử dụng động cơ được phát triển cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của nước này.

Vụ phóng tên lửa đẩy kiểu mới "Chollima-1" mang theo vệ tinh trinh sát quân sự "Malligyong-1" tại bãi phóng Tongchang-ri, Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Vụ phóng tên lửa đẩy kiểu mới "Chollima-1" mang theo vệ tinh trinh sát quân sự "Malligyong-1" tại bãi phóng Tongchang-ri, Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, tên lửa đẩy có tên Chollima-1 đã thất bại trong lần thử phóng đầu tiên ngày 31/5. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin tên lửa đã cất cánh thành công nhưng trong tầng 2 đã xảy ra sự cố trong khi khởi động động cơ nên tên lửa đã bay qua và rơi xuống biển Hoàng Hải.

Trong một động thái hiếm hoi, truyền thông nhà nước cũng công bố những bức ảnh về vụ phóng vệ tinh thất bại, mang đến cho các nhà phân tích quốc tế cái nhìn đầu tiên về tên lửa đẩy mới.

Chuyên gia Ankit Panda, làm việc tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Phương tiện phóng mà chúng tôi thấy có nguồn gốc thiết kế hoàn toàn khác so với loạt phương tiện phóng không gian Unha đời cũ của Triều Tiên. Chollima-1 sử dụng động cơ từng xuất hiện trong một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trước đó của Triều Tiên”.

Joseph Dempsey, một nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cũng kết luận rằng tên lửa mới có thể được cung cấp năng lượng bởi động cơ nhiên liệu lỏng vòi kép giống như động cơ được trang bị cho ICBM Hwasong-15 của Triều Tiên.

Một số chuyên gia đánh giá động cơ đó có nguồn gốc từ dòng động cơ RD-250 của Liên Xô, trong khi tên lửa phóng Unha trước đó sử dụng cụm động cơ có nguồn gốc từ tên lửa Scud.

"Mặc dù luồng khí thải của Chollima-1 có vẻ trong suốt, cho thấy nhiên liệu được cung cấp từ chất lỏng, nhưng nó có đọng cặn màu xám nhạt xung quanh bệ phóng. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này vẫn chưa được xác định”, báo viết trên trang mạng 38 North chuyên về Triều Tiên chỉ ra.

Chuyên gia Panda cho biết, không giống như lần gần đây nhất Triều Tiên phóng vệ tinh vào năm 2016, nước này có một chương trình ICBM mạnh mẽ và không cần che giấu các vụ thử nghiệm vũ khí khi phóng vệ tinh.

Chollima-1 là một tên lửa đẩy có lực nâng trung bình nhằm đưa các vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. "Ước tính của tôi là tên lửa này có khả năng mang theo một vệ tinh có khối lượng khoảng 200 đến 300 kg”, vị chuyên gia người Mỹ nói thêm, đồng thời nhận định mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên có thể là phóng nhiều vệ tinh trên một tên lửa và Bình Nhưỡng có thể tung ra một phương tiện phóng lớn hơn trong tương lai.

Hàn Quốc thông báo họ đang nỗ lực thu hồi các bộ phận của tên lửa Triều Tiên, đồng thời công bố những bức ảnh cho thấy một bộ phận được thiết kế để nối hai tầng và một thùng nhiên liệu đẩy lỏng bên trong.

Quân đội Hàn Quốc cho biết các hoạt động tìm kiếm vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày 1/6, với các tàu chuyên dụng bổ sung được điều động.

Nếu Hàn Quốc tìm được các bộ phận chính của tên lửa, điều này có thể cung cấp thông tin tình báo hữu ích về tên lửa và quá trình sản xuất của Triều Tiên.

Chuyên gia Panda kết luận: “Chúng tôi ngày càng tin rằng Triều Tiên phần lớn đã xoay sở để tự cung tự cấp với việc sản xuất khung máy, sản xuất phần lớn các bộ phận kết cấu của động cơ, nhưng vẫn có khả năng một số bộ phận được Triều Tiên nhập khẩu từ nước ngoài”.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gioi-chuyen-gia-giai-ma-thiet-ke-moi-cua-ten-lua-trieu-tien-chollima1-20230601152717445.htm