Giới đầu tư quốc tế đang lo những thứ “tưởng tượng”?

Nhiều nhà đầu tư đang lo sợ khủng hoảng nợ công châu Âu đã vượt tầm kiểm soát và đang lan rộng sang các khu vực khác như Mỹ.

"Chính sự lo lắng về cái không biết đã ám ảnh thị trường", Madelynn Matlock, chuyên gia quản lý tiền tệ của Công ty Tư vấn tài sản Huntington ở Cincinnati, nói với hãng tin Bloomberg. "Có thể có những nguy hiểm đối với châu Âu lớn hơn những gì mọi người nghĩ, ngay khi các ngân hàng nghĩ rằng họ đã bao quát được vấn đề".

Phiên giao dịch đêm qua, các thị trường hàng hóa quốc tế như vàng, chứng khoán hoàn toàn biến động theo những cảnh báo khá bi quan của các tổ chức định mức tín nhiệm như Fitch Ratings về triển vọng của việc giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu, thay vì cộng hưởng cùng với các số liệu kinh tế được công bố trong ngày như các phiên trước đó.

Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo có thể hạ triển vọng xếp hạng "ổn định" của các ngân hàng Mỹ do sự lây lan của những vấn đề tại các thị trường tài chính châu Âu vốn đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ đeo bám suốt nhiều tháng qua.

"Trừ phi cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu được giải quyết kịp thời và gọn gàng, nếu không triển vọng chung của các ngân hàng Mỹ sẽ xấu đi", Fitch tuyên bố. "Những nguy cơ về một cú sốc tiêu cực đang tăng lên", tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế này nói thêm.

Theo Joseph Scott, một tác giả của báo cáo từ Fitch, mặc dù các ngân hàng Mỹ đã kiểm soát những tình huống nguy hiểm liên quan tới các quốc gia châu Âu nặng nợ như Hy Lạp và Ireland, nhưng những tình huống mới đây ở Italy có thể sẽ tác động tới các nước lớn hơn như Pháp và Đức, nơi các ngân hàng Mỹ có liên quan lớn hơn.

Fitch cho biết, tính tới cuối quý 3/2011, 6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ có 50 tỷ USD liên quan tới 5 nước gặp khó khăn (bao gồm Hy Lạp, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nga). Riêng với Pháp, theo Fitch, các khoản nợ chưa được thanh toán dành cho nền kinh tế này của 5 ngân hàng hàng đầu Mỹ lên tới 188 tỷ USD.

Trước đó, hôm 13/10, Fitch cũng đã đặt mức xếp hạng nợ của 7 ngân hàng toàn cầu với phạm vi giao dịch rộng lớn vào diện xem xét tiêu cực. Cùng với các ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley còn có nhiều tổ chức tài chính châu Âu như Barclays Bank Plc, BNP Paribas, Credit Suisse, Deutsche Bank và Societe Generate.

Trong một động thái khác, hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Moody's đã hạ xếp hạng tín dụng của 10 ngân hàng Đức do lo ngại các ngân hàng này có ít khả năng nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Theo đó, xếp hạng tín dụng của 1 ngân hàng xuống 1 bậc, 3 ngân hàng khác bị hạ 2 bậc, và 6 ngân hàng còn lại bị hạ 3 bậc.

Moody's cho biết, sở dĩ tổ chức này có quyết định như vậy là bởi các ngân hàng đó hiện khó có khả năng nhận được hỗ trợ từ bên ngoài. Ngoài ra, hỗ trợ từ chính phủ cho các ngân hàng khu vực công của Đức trở nên không chắc chắn, một phần do quy định quản lý ngân hàng mới cho phép chính phủ áp đặt thiệt hại cho các chủ nợ ngoài việc thanh lý.

Hai động thái bất ngờ của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là Moody's và Fitch Ratings đã khiến nhà đầu tư trên các thị trường càng trở nên lo lắng hơn về triển vọng bất định của việc giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu và khả năng chặn đứng đà lây lan của những tác động từ châu Âu sang các khu vực kinh tế khác trên toàn cầu.

Cũng trong ngày hôm qua, nhiều chính khách đã lên tiếng cảnh báo về những bất ổn ở châu Âu, càng khiến cho bức tranh kinh tế tại khu vực này thêm u ám. Phát biểu tại Australia, Tổng thống Mỹ Obama nói rằng, chừng nào "một kế hoạch cho thấy châu Âu đứng sau đồng Euro và sẽ làm việc cần làm" chưa được đưa ra thì thị trường còn biến động.

Ông Obama cho rằng, mặc dù đã có tiến triển trong việc thành lập chính phủ liên minh tại Italy và Hy Lạp, châu Âu vẫn phải đối mặt với một vấn đề chính trị hơn là vấn đề kỹ thuật. Theo ông, Mỹ sẽ tiếp tục tư vấn cho các lãnh đạo châu Âu về các lựa chọn mà Mỹ cho rằng sẽ đạt được sự ổn định thị trường.

"Cuối cùng, những gì họ cần là một bức tường lửa bảo vệ mà gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng - chúng tôi đứng sau kế hoạch châu Âu, chúng tôi đứng sau đồng Euro", nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố nhân chuyến thăm chính thức nước đồng minh quân sự Australia.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho rằng, Khu vực đồng Euro) đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng có hệ thống và không thể vượt qua được cuộc khủng hoảng này nếu không hội nhập nhiều hơn, siết chặt kỷ luật hơn và thậm chí có thể phải thay đổi Hiệp ước Liên minh châu Âu.

Phát biểu trước phiên họp toàn thể Nghị viện châu Âu, ông Barroso khẳng định, vấn đề nợ công trong Khu vực đồng Euro thực sự là một cuộc khủng hoảng có hệ thống, đòi hỏi các nước thành viên phải đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn và phải áp dụng thêm những biện pháp rất thực chất.

Theo Chủ tịch EC, việc tăng cường hội nhập đòi hỏi phải thay đổi Hiệp ước Liên minh châu Âu, văn bản pháp lý cao nhất để quản lý khu vực, và cần phải có thời gian để thực hiện những thay đổi này. Tuy nhiên, bất cứ sự thay đổi nào cũng phải đảm bảo một Liên minh châu Âu mạnh hơn, không khác biệt giữa Khu vực đồng Euro và các nước ngoài nhóm này.

Ông Barroso khẳng định một khi Khu vực đồng Euro tăng cường hội nhập và kỷ luật thì việc phát hành trái phiếu chung trong khu vực sẽ trở thành "điều đương nhiên" và loại trái phiếu này có thể tăng cường sự ổn định và kỷ luật tài chính trong Khu vực đồng euro, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và kiến tạo việc làm ở châu Âu nói chung.

Những cảnh báo của Fitch Ratings cùng động thái của Moody's và những dự báo bi quan của giới chức đã khiến các thị trường hàng hóa như vàng, chứng khoán giảm sâu, bất chấp những tín hiệu khởi sắc từ kinh tế Mỹ như sản lượng công nghiệp Mỹ tăng cao hơn dự báo trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1% trong tháng 10.

Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán đêm qua, trên thị trường Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 190,57 điểm, tương ứng 1,58%, xuống còn 11.905,59 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 20,90 điểm, tương ứng 1,66%, xuống 1.236,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 46,59 điểm, tương ứng 1,73%, xuống mức 2.639,61 điểm.

Trên thị trường vàng, chốt ngày 16/11, giá vàng giao ngay tính bằng USD đã giảm 0,3% xuống 1.775,1 USD/ounce và đang hướng tới tuần giảm giá đầu tiên trong 7 tuần qua. Trong khi đó, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,5 USD xuống 1.775,7 USD/ounce.

Giá vàng trong phiên đã biến động dữ dội vào có lúc đã xuống tới 1.752,1 USD/ounce, do Ngân hàng Trung ương châu Âu can thiệp vào thị trường trái phiếu khu vực nhằm ngăn chặn sự lan nhanh của việc bán tháo trái phiếu chính phủ khu vực đồng Euro sau việc Moody's hạ bậc tín nhiệm các ngân hàng Đức.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20111117092113479p0c99/gioi-dau-tu-quoc-te-dang-lo-nhung-thu-tuong-tuong.htm