Giới hạn của lòng vị tha

Nhiều lần họ tha thứ cho nhau để sống nhưng lòng vị tha hay yêu thương đều có giới hạn

Trước cổng tòa, đứa bé chừng 5 tuổi quấy khóc không ngừng. Người mẹ trẻ dặn bà ngoại dỗ cháu rồi tất tả bước vào phòng xử. "Tội nghiệp nó, từ quê ở Bình Định vô lúc sáng sớm, chưa kịp ăn uống gì phải theo mẹ đến tòa. Ba mẹ nó bỏ nhau, ra tòa lần thứ 2 rồi!" - bà than thở.

Giới tuyến hôn nhân

Bên trong phòng xử, hai vợ chồng họ ngồi ở hai dãy ghế, chính giữa là lối đi. Ở phiên tòa hôm đó, lối đi trở thành giới tuyến trong cuộc hôn nhân của họ. Người chồng hễ sắp vượt qua giới tuyến đó, người vợ lại lùi ra xa hơn.

Mắt ngấn lệ, chị chia sẻ năm nay 31 tuổi, chồng hơn chị 20 tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác cũng là lý do gia đình, bạn bè ngăn cản lúc chuẩn bị cưới. Tuy nhiên, chị tin rằng chồng hơn tuổi sẽ chín chắn, tôn trọng, yêu thương vợ, gia đình sẽ hạnh phúc hơn.

Chồng ra tối hậu thư “sinh con hoặc ly hôn”, vợ cầu cứu công dân mạng
Hận thù sau ly hôn, chém vợ cũ tổn hại 63% sức khỏe

Hôn nhân của họ gặt hái quả ngọt là sự ra đời của cô con gái đầu lòng. Dù vậy, hạnh phúc của gia đình nhỏ chẳng duy trì được lâu. Những rạn nứt ngày càng lớn dần. Chị cho rằng vợ chồng không còn tình cảm với nhau nên muốn ly hôn. Tòa sơ thẩm bác yêu cầu ly hôn. Chị kháng cáo lên cấp cao hơn vì mục đích hôn nhân không đạt được.

Tại tòa, người chồng nói còn rất yêu vợ con, tha thiết muốn hàn gắn hạnh phúc gia đình. Người chồng phân trần: "Trong thời gian dịch COVID-19, cuộc sống xảy ra nhiều biến cố nên suy nghĩ bế tắc, tôi đã có những lời nói khiến vợ chồng mâu thuẫn căng thẳng nên khi vợ yêu cầu ly hôn, tôi đã đồng ý. Nay bình tâm lại, tôi nhớ vợ con nên không đồng ý ly hôn nữa".

Lắng nghe giãi bày của các bên, chủ tọa cố gắng hòa giải, nói họ là những người từng trải, mâu thuẫn hôn nhân chưa thật sự trầm trọng. Để tạo điều kiện cho các bên có cơ hội hàn gắn tình cảm vợ chồng, tòa án cấp phúc thẩm tuyên bác yêu cầu ly hôn. Chủ tọa còn nhắc về con gái chung mới hơn 5 tuổi, còn quá nhỏ để sống thiếu cha hoặc mẹ.

Kết thúc phiên tòa, người vợ trẻ nhanh chân ra đón con. Hai mẹ con và bà ngoại đón xe vội vã rời đi trước sự níu kéo của người chồng. Dường như, dù tòa có chấp nhận hay không thì giới tuyến hôn nhân giữa họ cũng khó được xóa nhòa.

Minh họa: KHỀU

"Tôi đã mệt mỏi rồi…"

Một cặp vợ chồng khác ra tòa ly hôn sau ngót nghét 30 năm chung sống. Tại tòa, người vợ nói rằng bà đã từng nghĩ cuộc hôn nhân của mình rất hạnh phúc. Cho đến năm 2009, bà phát hiện chồng có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ khác, thậm chí còn có con riêng. Từ đó, vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã. Dù vậy, bà vẫn muốn níu kéo cuộc hôn nhân này vì thể diện của gia đình và còn vì các con vẫn cần một tổ ấm để lớn lên.

Đến năm 2018, khi các con đều đã trưởng thành, bà gửi đơn ly hôn. Nhưng sau đó lại rút đơn cũng vì… thể diện. Bà nhìn trước ngó sau, ngẫm nghĩ nếu không "phơi ra", ít người biết bên trong tổ ấm mà nhiều người mơ ước, con cái trưởng thành, nhà cửa khang trang nhưng đã đổ vỡ từ lâu. Đến sau cùng, bà đã nộp tờ đơn đó.

Có người nói giọt nước tràn ly, do chồng bà dần "mạnh dạn" công khai "bồ nhí". Có người bắt gặp họ tay trong tay ở công viên, đưa nhau đi mua sắm… Còn bà thì nói rằng lý do bà quyết định buông tay vì… lòng vị tha có giới hạn.

Sự thật ngỡ ngàng tại phiên tòa ly hôn

"Tôi từng rút đơn ly hôn vì muốn vợ chồng hàn gắn lại nhưng ông ấy thì "chứng nào tật nấy". Bốn năm sau lần rút đơn, vợ chồng tôi vẫn ở chung nhà nhưng mạnh ai nấy sống. Đến bây giờ, tôi đã mệt mỏi rồi" - người phụ nữ nén tiếng khóc trước HĐXX.

Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà nhưng chồng bà kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm, người chồng thừa nhận khoảng năm 2009, ông có quan hệ tình cảm bên ngoài với một phụ nữ khác nhưng mối quan hệ này sớm đã chấm dứt và ông không còn qua lại với người này nữa.

"Sau khi vợ tôi rút đơn ly hôn lần đầu năm 2018 thì vợ chồng tôi lại chung sống hạnh phúc. Nhưng không lâu sau đó, tôi phát hiện vợ mình qua lại với người đàn ông khác. Tôi yêu cầu họ chấm dứt quan hệ nhưng họ vẫn nhắn tin yêu đương, nhớ nhung nhau" - người chồng vừa nói vừa lật giở từng trang tin nhắn mà ông đã in ra cho tòa xem. Người chồng nói không đồng ý ly hôn vì còn yêu thương vợ và các con, không muốn gia đình tan vỡ.

Trước tòa, ông khẩn khiết: "Sai lầm con người ai cũng có, quan trọng là đã xảy ra trong quá khứ, tôi vẫn quan tâm chăm sóc vợ lúc ốm đau bệnh tật. Tôi sẽ cố gắng tạo niềm tin nơi vợ và các con, tôi tha thiết đề nghị cho chúng tôi một năm để hàn gắn hạnh phúc gia đình".

Người vợ cách đó không xa không ngừng lau nước mắt. Dù vậy, bà đã quyết phải ly hôn.

Bác kháng cáo

Tòa phúc thẩm nhận định hôn nhân là tự nguyện, là mong muốn, ý chí xây dựng gia đình, gắn bó từ hai phía. Tuy nhiên, khi mâu thuẫn xảy ra, hai bên đã không cùng ngồi lại để đưa ra phương án tốt nhất nhằm hàn gắn, duy trì cuộc hôn nhân của mình.

Mặt khác, dù phía người chồng tự nhận có lỗi trong cuộc hôn nhân nhưng chính ông cũng không thực hiện được biện pháp gì để tạo niềm tin cho vợ nhằm hàn gắn.

Xét mục đích của hôn nhân là tình nghĩa vợ chồng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, chung thủy, tôn trọng nhau, nay người vợ xác định tình cảm vợ chồng không còn nữa, bà luôn cảm thấy ngột ngạt trong cuộc hôn nhân này, tha thiết xin được ly hôn để sớm ổn định cuộc sống nên yêu cầu kháng cáo của người chồng không được chấp nhận.

Trần Thái

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/gioi-han-cua-long-vi-tha-20230526203058159.htm