Giới khoa học giải mã nội dung bức thư Kitô giáo cổ nhất thế giới

Một lá thư bằng giấy cói được chấp bút vào năm 230 sau Công nguyên vừa được các nhà nghiên cứu giải mã. Bức thư của tín đồ Kitô giáo này được khẳng định có tuổi đời cổ nhất đã bảo vệ nhiều lý thuyết và niềm tin về Đế chế La Mã.

Theo Daily mail, các nhà nghiên cứu cho biết, bức thư của tín đồ Kitô giáo có tuổi đời cao nhất từng được phát hiện này được viết bởi một người có đức tin. Bức thư được viết bằng ngôn ngữ Hy Lạp cổ bởi một người đàn ông tên Arrianus gửi cho anh trai mình tên là Paulus.

Các chuyên gia nói rằng, bức thư này khác với những lá thư từng được phát hiện khác ở Ai Cập bởi cách ký tên của Arrianus. Lá thư cũng cho thấy cha mẹ của Arrianus và Paulus thuộc giới thượng lưu địa phương, thậm chí là quan chức và sở hữu nhiều đất đai.

Bức thư lá cói có tuổi đời cổ nhất thế giới.

Bức thư lá cói có tuổi đời cổ nhất thế giới.

Và, nội dung bức thư được cho là đã chứng minh quan niệm không phải tất cả các nhóm tôn giáo đều bị đàn áp trên toàn Đế quốc vào thời điểm trên. Thậm chí, đôi khi họ được sinh sống trong những khoảng thời gian hòa bình.

Kitô hữu thường phải chịu những cuộc đàn áp tàn khốc dưới đế chế La Mã. Các cuộc đàn áp này dựa trên cơ sở những người này từ chối chấp nhận các vị thần La Mã. Bởi, họ tin rằng, điều này mang đến sự bất hạnh.

Trong lịch sử, nhà cai trị lừng danh Nero được cho là đã đổ lỗi cho các Kitô hữu về trận đại hỏa hoạn ở Rome năm 64 sau Công nguyên.

Năm 250 sau Công nguyên, Hoàng đế La Mã Decius đã ra lệnh các Kitô hữu phải tôn thờ các vị thần La Mã. Điều này khiến nhiều người theo cơ đốc giáo bị xử tử, một số khác buộc phải từ bỏ đức tin của mình.

Trong cuộc đàn áp quy mô vào đầu thế kỷ IV, các nhà thờ và các văn bản Kitô giáo bị phá hủy và việc thờ cúng bị cấm.

Giáo sư lịch sử Cổ đại của đại học Basel, bà Sabine Huebner cho biết: "Đây là bút tích Kitô giáo lâu đời nhất, chữ viết tay cổ nhất của một cơ đốc nhân mà chúng ta có từ toàn bộ thế giới cổ đại".

"Tất nhiên, chúng ta biết những lá thư của Sứ đồ Phao-lô từ thế kỷ thứ nhất, nhưng ở đây chúng ta không có bản gốc, chỉ là những bản sao sau đó còn tồn tại, không phải là chữ viết tay của chính ngài", giáo sư Huebner cho biết thêm.

Ngọc Lài

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gioi-khoa-hoc-giai-ma-noi-dung-buc-thu-kito-giao-co-nhat-the-gioi-a442124.html