Giỏi một nghề, biết nhiều nghề

Từng là đầu bếp của một nhà hàng hạng sang ở TP. Hồ Chí Minh, cháu gái tôi quyết định về lại Huế làm việc. Một buổi đi làm, buổi còn lại nhận làm bánh sinh nhật. Khách thấy mẫu mã đẹp lại đặt hàng nên có việc làm quanh năm. Cộng hai khoản tiền thu nhập, cháu tôi bắt đầu có tiền dành dụm.

Nhiều người vẫn muốn học thêm nghề để tăng thu nhập

Chưa dừng lại ở đó, nó chuyển sang nghề dạy nấu ăn, làm bánh các loại. Hỏi chuyện, cô bé bảo, bây giờ nhiều người có nhu cầu học nghề lắm, cứ 1 cô, 1 trò, đào tạo theo nhu cầu học viên. Học phí cũng theo đó mà trả, học cho biết nghề cơ bản thì tầm trên chục triệu, mà học bài bản thì cũng lên đến vài chục triệu đồng/người. Có người thích học nấu các món ăn nhanh để mở quầy ăn online, người thì học làm bánh để mở tiệm... Tất nhiên, muốn truyền được nghề, cháu tôi cũng phải “khăn gói” vào Nam học các lớp nâng cao, cập nhật các mẫu bánh, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Điều làm tôi ngạc nhiên, học viên của cháu gái tôi đủ thành phần, đa số đã có công ăn việc làm ổn định, nhưng vẫn muốn theo học nghề để làm thêm.

Tôi ấn tượng với câu chuyện của chị Nguyễn Ngọc Ánh, nhân viên làm việc ở một công ty thiết kế và thi công nội thất trong thành phố. Do doanh nghiệp thiếu việc làm, lương tiền bấp bênh, nên chị đã học thêm nghề may mặc để mở dịch vụ sửa chữa quần áo. Chị đăng trên facebook để mọi người biết khả năng tay nghề, cộng thêm về đến tận nhà, nhận và gom hàng của khách về sửa. Không ngại thay đổi, không ngại học hỏi, không ngại thử thách, sau mỗi lần chuyển đổi công việc là cơ hội giúp chị Ánh được cọ xát, được nâng cao tay nghề, được biết nhiều nghề hơn, nhiều việc hơn…

Thời đại 4.0, công nghệ phát triển không ngừng, những người một lúc thực hiện nhiều công việc khác nhau, nhạy bén với thời thế hay gọi là “đa nghề” lại có nhiều cơ hội thành công hơn. Quan niệm “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nghĩa là chỉ cần thành thạo kỹ năng một nghề nhất định mới ổn định cuộc sống đã không còn hợp với xu thế hiện nay. Thực tế, những người trẻ cho rằng, nếu chỉ có một công việc ở thời điểm hiện tại thì vẫn đủ sống. Song, để thực sự thành công và có “của ăn, của để” thì cần phải học hỏi nhiều hơn, làm thêm nhiều hơn. Nói như vậy không hẳn là đổi nghề, mà đơn giản là học thêm được nhiều kỹ năng mới của các ngành nghề khác.

Làm nhiều việc, nhưng không ít người vẫn không có ý định nghỉ hẳn công việc chính (dẫu ít tiền) để chuyên tâm cho việc kinh doanh. Họ cho rằng, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ số năm tối thiểu để có thể chốt sổ để nhận chế độ nghỉ hưu. Nếu chấm dứt hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm tự nguyện thì chỉ được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất nếu không may bất trắc xảy ra. Hơn thế, sổ hưu cũng chính là "cuốn sổ tiết kiệm" để dành khi về già.

Cách nghĩ của người trẻ nay đã khác, dù làm việc trong bất kỳ môi trường nào, công việc nào cũng phải rèn luyện, cố gắng để "giỏi một nghề" nhưng phải "biết nhiều nghề". Bởi, giỏi về chuyên môn chưa đủ mà cần có kỹ năng giải quyết vấn đề. Biết đâu, trong lúc thiếu việc làm, mất việc, giảm thu nhập thì nghề phụ đôi khi cũng là cứu cánh giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: An Nhiên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/gioi-mot-nghe-biet-nhieu-nghe-138402.html