Giới tài chính dõi theo cái bắt tay Vingroup - Masan

Hai công ty con của Tập đoàn Vingroup - công ty cổ phần (Vingroup) là Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (VinCommerce) và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất nông nghiệp VinEco (VinEco) cùng với Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) của Tập đoàn Masan (Masan) sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Một số sản phẩm của Masan. Ảnh: Internet.

Một số sản phẩm của Masan. Ảnh: Internet.

Thương vụ M&A này được kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho hàng tiêu dùng của Masan. Mặt khác, các nhà sản xuất Việt vẫn còn lợi thế sân nhà khi chuỗi siêu thị/cửa hàng như Vinmart không rơi vào tay nhà đầu tư ngoại.

Năm 2014, Vingroup tham gia thị trường bán lẻ thông qua việc mua lại hệ thống Ocean Mart từ Ocean Group.

Sau 5 năm, hệ thống bán lẻ của Vingroup có 115 siêu thị VinMart và 2.438 cửa hàng Vinmart+ trên cả nước.

Quý III/2019, doanh thu từ mảng bán lẻ đạt 7.870 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 25% tổng doanh thu của Tập đoàn, chỉ đứng sau mảng bất động sản. Doanh nghiệp liên tiếp có 2 năm đạt Top 10 nhà bán lẻ uy tín nhất Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, nếu những gã khổng lồ như Alibaba, Amazon “tấn công” thị trường bán lẻ Việt Nam thì các doanh nghiệp đơn lẻ, dù có lợi thế riêng như Vinmarrt hay Masan cũng khó mà đương đầu, vì còn quá nhỏ bé.

Do vậy, sự kết hợp, hợp tác và M&A để hợp sức thành một chuỗi sức mạnh, giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội là tín hiệu vui.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng trở nên thông minh, có sự lựa chọn sản phẩm rất rõ ràng, nên những siêu thị, cửa hàng, đại lý nếu không có chiến lược và sự chỉn chu trong việc lựa chọn thực phẩm sạch, chất lượng, sẽ bị khách hàng chối từ.

Đi từ nhà bán lẻ có tiêu chuẩn khắt khe hướng đến khách hàng sẽ kéo theo cả chuỗi sản xuất sạch, sản phẩm/dịch vụ cũng được nâng tầm.

Trước đó, lãnh đạo Masan chia sẻ tại một hội thảo: “Alibaba và Amazon bắt đầu vào Việt Nam, họ không phải tầm thường. Không chỉ riêng Masan, mà các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận thì chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất”.

Điều này có thể lý giải phần nào lý do mà Masan không thể bỏ qua cơ hội sở hữu chuỗi Vinmart, Vinmart+. Theo đó, sở hữu chuỗi siêu thị, cửa hàng Vinmart sẽ giúp Masan tối ưu được kênh phân phối.

Dù vậy, không phải là không có thách thức cho Masan khi một nhà sản xuất nắm trong tay chuỗi phân phối thì việc vận hành hiệu quả và khả năng phát triển chuỗi là vấn đề được giới đầu tư quan tâm.

Theo báo cáo tài chính của Vingroup, mảng bán lẻ ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, năm 2014, doanh thu mảng bán lẻ 454 tỷ đồng nhưng lỗ trước thuế 279 tỷ đồng; năm 2018, doanh thu tăng lên 21.257 tỷ đồng, trở thành mảng kinh doanh có doanh thu lớn chỉ sau bất động sản, nhưng lợi nhuận trước thuế âm hơn 5.100 tỷ đồng; nửa đầu năm 2019 âm hơn 2.515 tỷ đồng.

Đây cũng là giai đoạn mà Vingroup (cụ thể là Vincomme - phụ trách mảng bán lẻ của Tập đoàn) mở rộng chuỗi Vinmart và Vinmart+.

Chuỗi siêu thị, cửa hàng thường ngốn rất nhiều chi phí, nhất là chi phí mặt bằng và logistic, nếu không có chiến lược cụ thể, hiệu quả, thì rất có thể sẽ bị sa lầy.

Chưa kể, một chuyên gia trong lĩnh vực phân phối cho biết, doanh nghiệp còn phải tính đến bài toán lợi nhuận, vốn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố là địa điểm, hàng hóa đúng và đủ lượng hàng cung cấp. Thị trường đang chờ đợi Masan sẽ “xuất chiêu” như thế nào để tạo dấu ấn đối với chuỗi bán lẻ này.

Ông Long Phan, Giám đốc CMA Australia tại Việt Nam nhìn nhận, xét trên góc độ chiến lược kinh doanh thì có lẽ đây là thương vụ lợi cả đôi bên. Masan cần một hệ thống bán lẻ rộng khắp của VinCommerce. Masan nắm giữ một hệ sinh thái sản xuất và 180.000 điểm phân phối hàng tiêu dùng, nắm những công ty con như Vinacafe Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Masan Meatlife...

VinCommerce có siêu thị, cửa hàng tiện lợi. VinEco thì có 30.000 ha diện tích đất nông nghiệp. Theo đó, Masan cần chuỗi bán lẻ để hoàn thiện kênh phân phối cũng như chuỗi bán lẻ. Trong khi đó, Vingroup có sự tập trung cao hơn cho lĩnh vực bất động sản và sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, trong thương vụ M&A, cho dù hình thức là hoán đổi cổ phần thì vẫn luôn có bên mua và bên bán.

Trong trường hợp này, bên bán là Vingroup và Masan là bên mua. Đa phần các thương vụ, bên mua sẽ chịu rủi ro từ khả năng tích hợp và tạo giá trị cộng hưởng từ vụ sáp nhập.

Làm thế nào để bên mua tạo dòng tiền tương lai bù đắp cho phần thặng dư mà họ có thể phải trả để nắm quyền kiểm soát bên bán? (cổ đông bên bán có thể được hưởng lợi từ định giá (cao) trong thương vụ).

Trong thương vụ trên, cả bên mua và bên bán đều là “cao thủ” trong định giá và đàm phán, nên khi con số cụ thể chưa được tiết lộ lại càng tăng sức hấp dẫn đối với công chúng đầu tư.

Phan Hằng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/mua-ban-sap-nhap/gioi-tai-chinh-doi-theo-cai-bat-tay-vingroup-masan-306246.html