Giới thiên văn sửng sốt với vụ nổ sao dữ dội 'lớn chưa từng thấy'

Vụ nổ sao phát ra một tia lửa khổng lồ, mạnh gấp 100 lần bất kỳ tia sáng nào từ Mặt trời.

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện một vụ nổ sao lớn nhất từng được ghi nhận xảy ra trong thiên hà. Ngôi sao Proxima Centauri - hàng xóm gần nhất của Mặt trời đã bắn ra những tia plasma, tạo thành một tia sáng khổng lồ với sức mạnh gấp 100 lần các tia sáng do Mặt trời phát ra.

Proxima Centauri là một ngôi sao lùn đỏ - loại sao nhỏ nhất, mờ nhất và phổ biến nhất trong dãy sao chính của thiên hà, nằm cách Trái đất khoảng 4,25 năm ánh sáng. Khối lượng của nó chỉ bằng 1/8 Mặt trời và được quay quanh bởi hai hành tinh. Một trong số đó là Proxima Centauri b – hành tinh gần giống với Trái đất nhất và nằm trong vùng sinh sống của ngôi sao – khoảng cách từ một ngôi sao có thể hỗ trợ sự sống phát triển.

Mô tả tia sáng khổng lồ phát ra từ vụ nổ sao. Ảnh: NRAO

Mô tả tia sáng khổng lồ phát ra từ vụ nổ sao. Ảnh: NRAO

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng tới 9 kính thiên văn quỹ đạo và mặt đất - bao gồm Kính viễn vọng Không gian Hubble để giám sát chặt chẽ Proxima Centauri tổng cộng 40 giờ trong nhiều tháng vào năm 2019. Ngày 1/5/2019, nhóm nghiên cứu đã thành công chụp được hình ảnh tia sáng siêu lớn, chỉ phát trong 7 giây và chủ yếu chỉ có thể nhìn thấy trong quang phổ tia cực tím.

"Ngôi sao từ trạng thái bình thường bỗng nhiên trở nên sáng hơn đến 14.000 lần trong khoảng thời gian vài giây", tác giả chính của nghiên cứu - Meredith MacGregor, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Colorado Boulder cho biết.

Theo Live Science, tia sáng bùng lên từ Proxima Centauri là kết quả của sự thay đổi trong từ trường ngôi sao, làm tăng tốc các electron lên gần bằng tốc độ ánh sáng. Các electron này tiếp tục tương tác với plasma tích điện, dẫn đến sự phun trào của các bước sóng năng lượng khác nhau, bao gồm cả sóng vô tuyến và tia gamma.

Tia sáng phát ra từ Proxima Centauri cực kỳ mạnh so với ánh sáng do Mặt trời phát ra. Tuy nhiên, khác với Mặt trời, tia sáng phát ra lần này từ Proxima Centauri còn giải phóng nhiều loại bức xạ khác nhau. Đặc biệt, nó tạo ra một lượng lớn tia cực tím và sóng vô tuyến - được gọi là "bức xạ milimet".

Theo các nhà khoa học, lượng bức xạ do Proxima Centauri phát ra khiến sự sống rất khó tồn tại trên các hành tinh ngoài quỹ đạo của nó. Nghiên cứu về sự bùng nổ những tia sáng này có thể giúp giới khoa học phát triển ý thức tốt hơn về việc xác định nơi tìm kiếm sự sống bên ngoài hệ Mặt trời.

Kết quả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters.

Hà Huyền

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/gioi-thien-van-sung-sot-voi-vu-no-sao-du-doi-lon-chua-tung-thay-104461.html