Giới thiệu chương trình mới môn Địa lý ở THPT

Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục địa lý được thực hiện liên tục ở cả ba cấp học thông qua các môn Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3), Lịch sử và Địa lý (từ lớp 4 đến lớp 9), Địa lý (từ lớp 1- đến lớp 12). Những thông tin cơ bản về chương trình mới của môn Địa lý ở THPT được GS.TS Lê Thông - chủ biên chương trình môn học - chia sẻ.

Quan điểm xây dựng chương trình

Chương trình môn Địa lý chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Chương trình xác định rõ các phẩm chất và năng lực cần đạt; xem các năng lực cần thiết đó như là điểm xuất phát, cơ sở để lựa chọn các kiến thức cần dạy học trong chương trình.

Chương trình coi trọng thực hành địa lí, xem thực hành là một nội dung quan trọng của môn Địa lý và là công cụ thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực học sinh. Tăng cường phần thực hành trong chương trình cả về thời lượng (chiếm khoảng 50% thời gian thực học của chương trình) lẫn các hình thức; đa dạng hóa các loại hình bài thực hành, nhằm vào trực tiếp phát triển các năng lực chuyên môn của Địa lý.

Chương trình môn Địa lý kế thừa và phát huy ưu điểm của những chương trình đã có, tiếp thu kinh nghiệm phát triển chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến, tiếp cận với những thành tựu của khoa học Địa lý; phù hợp với thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện và khả năng học tập của học sinh ở các vùng, miền khác nhau.

Chương trình đề cao việc tích hợp và coi trọng tất cả các mức độ và loại hình tích hợp khác nhau. Tích hợp kiến thức giữa địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, xã hội và địa lý kinh tế trong môn học; lồng ghép/liên hệ các nội dung liên quan (như giáo dục dân số, môi trường, di sản, an toàn giao thông...) vào nội dung địa lý;

Vận dụng kiến thức các môn học khác (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử...) trong việc làm sáng rõ các kiến thức địa lý; hội tụ kiến thức nhiều môn học khác để xây dựng thành các chủ đề có tính tích hợp cao (như phát triển kinh tế biển đảo, biến đổi khí hậu toàn cầu, đô thị hóa ở trên thế giới, văn minh lúa nước ở Đông Nam Á; di sản và bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong thời kì công nghiệp hóa)...

Trên cơ sở bảo đảm định hướng, yêu cầu cần đạt và những nội dung giáo dục cốt lõi thống nhất trong cả nước, chương trình dành thời lượng nhất định để các trường hướng dẫn học sinh thực hành tìm hiểu địa lý địa phương phù hợp với điều kiện của mình.

Điểm mới trong nội dung chương trình

Chương trình môn Địa lý được thiết kế theo ba mạch: đại cương, thế giới, Việt Nam từ lớp 10 đến lớp 12 gồm cả kiến thức về địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế - xã hội; phát triển, mở rộng và nâng cao nội dung địa lý đã học ở cấp trung học cơ sở (THCS). Cách thiết kế như vậy đảm bảo tính kế thừa chương trình môn Địa lý đã thực hiện ở phổ thông trong khoảng 4 thập niên vừa qua.

Nội dung cốt lõi của chương trình đảm bảo tính cơ bản, cập nhật, thực tiễn, khả thi. Một mặt, hệ thống kiến thức đảm bảo tinh gọn, cơ bản; và mặt khác, cập nhật được các tri thức khoa học, hiện đại của Địa lý học, các vấn đề về phát triển của môi trường và kinh tế - xã hội trên thế giới, từng khu vực cũng như ở Việt Nam và địa phương.

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi (70 tiết/lớp/năm), trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề (35 tiết/lớp/năm) nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Các chuyên đề của chương trình môn Địa lý chủ yếu thuộc về ba nhóm: Nâng cao kiến thức; Phát triển, hoàn thiện kĩ năng địa lý; Phương pháp nghiên cứu, học tập địa lý.

Các nội dung cốt lõi được trình bày theo hướng khái quát, không đi sâu vào chi tiết; bên cạnh có các yêu cầu cần đạt ở các mức độ khác nhau; đồng thời có các gợi ý, minh họa về tổ chức dạy học.

Điều đó tạo điều kiện cho tác giả SGK và giáo viên ở các nhà trường trong cả nước chủ động, sáng tạo trong phát triển chương trình; đồng thời, vừa nhằm đáp ứng yêu cầu ổn định lâu dài trong điều kiện khoa học - công nghệ và xã hội liên tục phát triển, thường xuyên đặt ra những yêu cầu mới cho giáo dục.

Phương pháp giáo dục

Chương trình chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực, đề cao hoạt động chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên thông qua các hình thức và phương pháp dạy học tiên tiến như thảo luận, seminar, trình diễn, đóng vai, viết báo cáo, dự án…

Chương trình đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, phương pháp, phương tiện dạy học; tích cực sử dụng công nghệ thông tin. Khuyến khích và tạo điều kiện, môi trường học tập thuận lợi cho việc khai thác thông tin và xử lí, trình bày bằng việc sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông;

Chương trình tăng cường các hình thức dạy học gắn với thực tiễn địa phương, hợp tác nhóm; tích cực thực hiện hoạt động trải nghiệm trong dạy học trên lớp và ngoài lớp; mở rộng việc dạy học ngoài thiên nhiên, ngoài môi trường lớp học; gắn bài học địa lý với thực tiễn địa phương, đất nước; khuyến khích việc vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương.

Kiểm tra, đánh giá

Chương trình coi trọng kiểm tra đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học, gắn với kiểm tra đánh giá tổng kết; tập trung vào đánh giá việc vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ để giải quyết các vấn đề trong tình huống của học tập và thực tiễn.

Đa dạng hóa việc đánh giá, sử dụng nhiều hình thức và công cụ đánh giá khác nhau trong môn địa lý, như hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan, kiểm tra miệng và kiểm tra viết, bài lý thuyết và bài thực hành,...; các phương pháp quan sát, đánh giá sản phẩm học tập của học sinh (bài làm, bài tập, bài thực hành, bài báo cáo, sản phẩm của hoạt động dự án,...).

Điều kiện thực hiện chương trình

Chương trình môn Địa lý chú trọng phát triển năng lực học sinh, vì vậy cần có các phương tiện dạy học địa lý như: bản đồ (bản đồ giáo khoa, Atlat Địa lý Việt Nam, tập bản đồ); tranh ảnh (các sự vật, hiện tượng địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế - xã hội); mô hình (quả địa cầu, mô hình vận động quay của Trái Đất);

Các dụng cụ (dụng cụ quan trắc thời tiết, dụng cụ đo vẽ địa hình); băng đĩa, video clip; tài liệu, tư liệu (niên giám thống kê, số liệu kinh tế - xã hội các nước và lãnh thổ trên thế giới, tư liệu kinh tế - xã hội Việt Nam và các nước trên thế giới); thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (internet với đường truyền tốc độ cao, máy tính, máy chiếu, màn hình,... kết nối).

Ở những nơi có điều kiện có thể xây dựng phòng địa lý, vườn địa lý để tăng cường hoạt động thực hành, thực tế cho học sinh.

Để sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học địa lý, trong quá trình dạy học giáo viên cần tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện để học sinh biết tìm tòi, khám phá, khai thác và chiếm lĩnh kiến thức từ các phương tiện dạy học địa lý; qua đó, học sinh vừa có được kiến thức, vừa được rèn luyện các kĩ năng địa lý và biết cách thức vận dụng kiến thức địa lý vào thực tiễn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gioi-thieu-chuong-trinh-moi-mon-dia-ly-o-thpt-3912805-v.html